Thí điểm là cho cơ chế chứ không phải "chăm chăm tăng nguồn thu"

Thứ Sáu, 22/10/2021, 11:57

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đồng Ngọc Ba cho rằng, cái cần suy nghĩ nhiều là làm sao từng địa phương có cơ chế gì về mặt pháp luật để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn chứ không phải "chăm chăm tăng nguồn thu". 

Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Tinh gọn bộ máy, thu hút nhân tài

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) bày tỏ nhất trí chủ trương chung cần có cơ chế đặc thù cho các địa phương phát triển, gắn với tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương, đồng thời cụ thể hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đây đều là những địa phương có tính đặc biệt, riêng biệt, ví dụ Nghệ An, Thanh Hóa là những tỉnh lớn, có điều kiện tự nhiên, xã hội đa dạng, vừa có núi vừa có rừng, đông đồng bào dân tộc, nguồn thu đa dạng, có tiềm năng về con người, tự nhiên...

Thí điểm là cho cơ chế, không chỉ chăm chăm nguồn thu -1
ĐBQH Đồng Ngọc Ba thảo luận tại tổ.

Tuy nhiên ông đề nghị cơ chế đặc thù cần phải gắn với sự đặc biệt, riêng có của mình, như Thanh Hóa, Nghệ An thì kinh tế rừng, kinh tế biển là đặc thù nhưng tờ trình chưa có điểm nhấn vào lĩnh vực này. Nên chăng gắn với điều kiện KTXH ở địa phương để có các chính sách phù hợp.

"Nếu chúng ta thêm những đặc thù mang tính chất đồng bộ về khía cạnh con người, tổ chức bộ máy sẽ giúp các tỉnh này có cơ chế phát triển tốt hơn. Vấn đề chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, thuế, đất đai, đào tạo... Có thể tổ chức bộ máy linh hoạt, gọn nhẹ hơn, thu hút các nhân tài về đây làm việc, từ đó giúp việc phát triển bền vững, lâu dài hơn...", đại biểu hiến kế.

Cùng quan điểm, ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, cứ muốn lập ra những khu chính quyền đô thị đặc biệt, nhưng nếu ngay trong những địa phương này tự tinh gọn bộ máy, làm quyết liệt hơn để nâng cao năng lực bộ máy công chức thì mới là dư địa, thu hút người có năng lực về cống hiến cho địa phương. "Nhìn vào đặc thù đó mới đáng nhân rộng cho cả nước về lâu về dài, dư địa đó mới là bền vững", ông nhấn mạnh.

Theo đại biểu, thí điểm là cho cơ chế chứ không phải chăm chăm vào mục đích sử dụng nguồn lực đất đai hay tăng nguồn thu. "Cái cần suy nghĩ nhiều là làm sao từng địa phương có cơ chế gì về mặt pháp luật để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn. Ví dụ, có giảm được những thủ tục hành chính gì cho các nhà đầu tư hay không? Hay có giảm bớt các điều kiện đầu tư kinh doanh gì không?", ĐBQH tỉnh Bình Định nêu quan điểm.

Qua nhiều đợt rà soát, ông thấy rằng, nhiều địa bàn năng lực bộ máy tốt hơn, trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật, trình độ quản trị doanh nghiệp tốt, nhận thức người tiêu dùng cao hơn... thì sẽ tiết kiệm được chi phí, phòng ngừa rủi ro, tác hại của mặt trái của đầu tư kinh doanh gây ra cho xã hội.

Thí điểm là cho cơ chế, không chỉ chăm chăm nguồn thu -1
ĐBQH Hồ Đức Phớc thảo luận tại tổ.

Hy vọng các cơ chế đặc thù như tờ trình nêu sẽ là những cú hích, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các địa phương phát triển, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho hay, vẫn còn những dư địa khác có thể nghiên cứu bổ sung thêm. Chẳng hạn Nghệ An, Thanh Hóa là 2 tỉnh vừa có đường biển, vừa có cảng hàng không, cửa khẩu biên giới song đang thiếu vắng quy định, cơ chế khơi dậy, thúc đẩy phát triển.

Về đất đai, ông ủng hộ có cơ chế, chính sách, nhưng cần có đánh giá tác động cụ thể hơn, vì những chính sách về đất đai sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế, môi trường và sự ảnh hưởng không chỉ trong 5 năm; có những chính sách rất lâu sau mới thấy rõ những tác động, cả tốt lẫn xấu.

"Báo cáo đánh giá tác động mới chỉ đánh giá thay đổi về thủ tục hành chính, còn tác động như thế nào đến môi sinh, môi trường, đời sống kinh tế thì còn cần phải làm rõ thêm. Chuyển đổi đất rừng thì trong 5 năm dễ thấy nhất là thay đổi thủ tục hành chính, song thời gian đó khó có thể triển khai được gì, trong khi hiệu quả sử dụng đất thì phải sau nhiều năm mới thấy. Do đó đề nghị cần đánh giá kỹ", đại biểu băn khoăn.

Đất đai không phải muốn chuyển đổi đến đâu thì chuyển

Giải đáp băn khoăn nêu trên, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết, việc một số đại biểu quan ngại về vấn đề môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên chúng ta sẽ có sự an tâm nhất định vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phải "anh muốn chuyển đến đâu thì chuyển" mà phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong 5 năm, 10 năm.

Thí điểm là cho cơ chế, không chỉ chăm chăm nguồn thu -0
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ, sáng 22/10.

"Số đất này phải nằm trong kế hoạch và làm rõ năm nào, diện tích được chuyển là bao nhiêu, phân bổ cho các địa phương trong kế hoạch chung quốc gia. Nghĩa là chỉ thực hiện được trong khuôn khổ mà quy hoạch, kế hoạch xác định. Còn có những cái khung để giới hạn, không vượt ra ngoài phạm vi", đại biểu lý giải.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ĐBQH tỉnh Nghệ An, cơ chế đặc thù cho TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế cần tăng mạnh hơn nữa, và coi như đây là một cơ chế phân cấp, khi đánh giá có hiệu quả sẽ ban hành rộng ra cả nước. "Từ chính sách thu-chi ngân sách, quản lý sử dụng tài nguyên, đất đai... nghị quyết đã thiết kế được một chương trình toàn diện rất tốt. Vì phần lớn là hỗ trợ các địa phương nghèo, chưa cân đối được ngân sách, đất đai rộng lớn, người đông, tiềm năng có và là quê hương cách mạng. Những hỗ trợ của Chính phủ, của Quốc hội là rất cần thiết", ông phân tích.

Về nguồn lực, cơ chế tài chính, ông cho rằng, nếu đưa được một số vấn đề mới, mang tính đột phá vào để sau này tổng kết, nhân rộng, trở thành giá trị phổ quát của cả nước thì rất tốt. Ví dụ, trong đầu tư công, lâu nay bắt buộc các tỉnh đều đưa vào dự án vay đầu tư công, kể cả nguồn vượt thu ngân sách. Nếu phần vượt thu ngân sách ở các tỉnh này được để lại cho ngân sách địa phương, giao Thường trực HĐND quyết định, báo cáo lại HĐND thì đồng tiền của chúng ta số dư ngân sách có, vượt thu ngân sách có, khi có công trình đang chờ đợi vốn có thể bổ sung, quay vòng được ngay, tránh chờ đợi kéo dài...

Về phân cấp xây dựng trong Luật đầu tư công, trước đây chúng ta ủy quyền cho chủ đầu tư quyết hết, giờ ta thắt chặt mà chặt quá. Ách tắc vô cùng, các bộ ngành và các tỉnh không giải ngân được, vì dồn hồ sơ lên các bộ ngành trong khi bộ máy của họ ít, hồ sơ nộp vào nhiều nhưng trả ra ít, cứ tình trạng vốn chờ công trình. "Nếu nghiên cứu một cách toàn diện hơn, giao cho các tỉnh thí điểm thực hiện việc này, 4 năm sau đánh giá lại, ban hành quy định pháp luật mở đường hơn thì sẽ tốt hơn", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị.

Bảo Quân
.
.
.