Những lần “lẩy” Kiều đặc sắc của lãnh đạo Hoa Kỳ

Thứ Ba, 12/09/2023, 14:50

Trong tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì vào ngày 11/9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhắc đến hai câu thơ trong Truyện Kiều: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày” và cho rằng: “Đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước chúng ta”.

Đề cao những nỗ lực của hai nước để “nắm bắt tiềm năng của tương lai”, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, đó là những cơ hội lớn lao về sự thịnh vượng cho người dân hai nước.

"Đây là một minh chứng cho quãng đường dài mà chúng ta đã đi qua, nhưng quan trọng hơn là chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên bao xa nữa trong tương lai. Đó chính là lý do chúng ta xác lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững để cùng tiến lên phía trước, cùng đối phó với những thách thức, cùng nhau đón nhận tương lai", Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ nói.

Những lần “lẩy” Kiều đặc sắc của lãnh đạo Hoa Kỳ  -0
Tổng thống Joe Biden "lẩy" Kiều trong phát biểu đáp từ tại tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì vào ngày 11/9.

Hai câu Kiều mà Tổng thống Joe Biden “lẩy” lập tức gây chú ý không chỉ với dư luận hai nước mà với cả cộng đồng quốc tế. Trong Truyện Kiều,  “Vinh hoa bõ lúc phong trần/Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày” là lúc Từ Hải chiến thắng trở về đón Thuý Kiều quay lại dinh để mở tiệc ăn mừng. “Vinh hoa” là vẻ vang, sung sướng còn “phong trần” là gió bụi, vất vả. Tức là Từ Hải – Thuý Kiều tận hưởng sự sung sướng vẻ vang cho bù những ngày gian truân vất vả. Mối tình giữa hai người càng thêm thắm, thêm tươi, thêm trẻ. Quả thật, Tổng thống Hoa Kỳ rất tinh tế khi dùng hai câu này để nói về sự thăng hoa trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

“Vừa thể hiện sự tôn trọng, am hiểu văn hoá Việt Nam, Tổng thống Joe Biden còn hàm ý chúc cho quan hệ hai nước ngày càng tiến bước, rộng mở và gần nhau thêm nữa. Một cách dùng ngôn ngữ thật sự xuất sắc”, một nhà bình luận quốc tế người Anh nhận định.

Cũng phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ trích dẫn Truyện Kiều trong các bài phát biểu của mình. Hơn hai thập kỷ qua, các đời Tổng thống Hoa Kỳ đã nhiều lần đọc câu thơ của Truyện Kiều trong những bối cảnh quan trọng, đặc biệt để nói về bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tổng thống Bill Clinton là người đầu tiên nhắc đến Truyện Kiều của Danh nhân văn hoá thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du trong diễn văn đáp từ tại buổi tiệc chiêu đãi trọng thể do Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì tối 17/11/2000. Hai câu mà Tổng thống Bill Clinton “lẩy” ngày hôm đó là: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.

Những lần “lẩy” Kiều đặc sắc của lãnh đạo Hoa Kỳ -0
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống, ông Bill Clinton đã nhiều lần quay trở lại Việt Nam để thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ.  

Đó là hai câu 1795-1796 khắc họa tâm trạng của Thúc Sinh nhớ Thúy Kiều. Nhớ mà cứ bó chân một chỗ, làm sao chịu nổi? Và vì mang nặng mối sầu trong lòng nên không để ý đến thời gian qua nhanh, thấm thoát đông qua, xuân đến. “Vận” câu thơ vào quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Tổng thống Bill Clinton chính là muốn bày tỏ hy vọng mở rộng hơn nữa quan hệ hai nước, khi mà thời thế thay đổi, chiến tranh đã qua đi, chương buồn trong quan hệ hai nước (như ngày đông lạnh giá) đã hết, nhường chỗ cho những vận hội mới đầy màu sắc (như mùa xuân rực rỡ) và Việt Nam - Hoa Kỳ cùng nhau “tận hưởng mùa xuân mới này”.

Cách vận dụng này rất khéo bởi Tổng thống Bill Clinton chính là người tuyên bố dỡ bỏ cấm vận Việt Nam năm 1994 để đến năm 1995 hai quốc gia bình thường hoá quan hệ và ông cũng chính là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm chính thức nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiếp đó, vào năm 2016, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Barack Obama khi phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng đã dùng hai câu Kiều để kết thúc bài phát biểu của mình: "Rằng: Trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Hai câu thơ 355 và 356 của Truyện Kiều là khoảnh khắc đẹp nhất, trong sáng nhất, nên thơ nhất của Thuý Kiều và Kim Trọng khi hai người trao tín vật định tình.

Theo phiên dịch viên tham gia dịch tại chỗ bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama, hai câu Kiều này đã thể hiện hết hàm ý của bài phát biểu. Đó là sự trao gửi niềm tin của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và là “đề bài” mà người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra: Làm sao để giúp cho hai nước, cho người dân hai bên xích lại gần nhau hơn; biến Hoa Kỳ và Việt Nam trở thành những người bạn thực sự, trung thành, tử tế, dài lâu với nhau. Và cũng trong chuyến thăm này của Tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã chính thức gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Những lần “lẩy” Kiều đặc sắc của lãnh đạo Hoa Kỳ -0
Tổng thống Barack Obama đã kết thúc bài phát biểu của mình trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2016 bằng hai câu Kiều: "Rằng: Trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi"

Đặc biệt, ngoài “lẩy” Kiều, Tổng thống Barack Obama còn trích dẫn cả những bài hát nổi tiếng của Việt Nam khi nói về quan hệ hai nước. Vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ đã lấy lời bài hát tươi vui “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao: "Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người" nhằm khẳng định, người dân hai nước đã mở trái tim mình ra để đến với nhau và nhấn mạnh sự đoàn kết khi nhắc đến bài hát "Nối vòng tay lớn" nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Với cá nhân Tổng thống Joe Biden, trước chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, ông cũng từng trích dẫn Truyện Kiều trong bài phát biểu của mình. Đó là vào tháng 7/2015, trong buổi tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Chính phủ Hoa Kỳ tổ chức, ngài Joe Biden lúc đó là Phó Tổng thống đã “lẩy” hai câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Đây là 2 câu thuộc phần kết của Truyện Kiều, là lời của Kim Trọng trong bữa tiệc đoàn viên cả nhà mừng gặp lại Thuý Kiều sau 15 năm lưu lạc.

Vâng, sương đang dần tan, ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan, những đám mây đen dần trôi nhường chỗ cho ánh sáng mặt trời, phác thảo của một tương lai ấm áp chung bắt đầu hình thành trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đúng vào dịp hai bên kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ (1995-2015).

Thực tế, từ sau khi bình thường hoá quan hệ, mối bang giao giữa Việt Nam - Hoa Kỳ liên tục có những bước phát triển. Trong đó, chuyến thăm cấp nhà nước vừa qua của Tổng thống Joe Biden là cột mốc lịch sử đánh dấu chương mới trong quan hệ hai nước. Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Điều đặc biệt ý nghĩa nữa là việc nâng tầm quan hệ được thực hiện trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện (2013-2023).

Vinh hoa bõ lúc phong trần/Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày” quả thực thích hợp nhất để nói về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong gần 30 năm qua, bởi đây là thời khắc mà hai quốc gia có thể cảm nhận được vinh hoa và sự ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước mắt.

Tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một trong những kiệt tác thơ ca của nền văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm Truyện Kiều bao gồm 3254 câu thơ kể về cuộc đời 15 năm đầy thăng trầm của nhân vật chính Thúy Kiều. Hơn 200 năm qua, Truyện Kiều vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nước ta, trở thành một tài sản vô giá, một viên ngọc “càng mài càng sáng” trong kho tàng văn học Việt Nam.

Sông Thương – Nguyễn Bình
.
.
.