Mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người

Thứ Hai, 22/08/2022, 16:29

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Bộ GD & ĐT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt.

Chiều 22/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo các cơ sở giáo dục trong toàn quốc...

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, văn hoá nói chung và văn hoá học đường nói riêng luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo.

Ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.
bt nks.jpg -0
Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học phát triển toàn diện.

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài. 

Tại hội nghị, ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương đánh giá, văn hóa học đường là một bộ phận rất quan trọng của văn hóa quốc gia. Từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2022, Chính phủ đã ra 4 quyết định phê duyệt một số chương trình, đề án xây dựng văn hóa trong các trường học, tăng cường giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến trong giới trẻ. Đến nay, công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn về cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử. Tình trạng bạo lực học đường, mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong giới trẻ gia tăng; tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”… Đây là “điểm nóng” của ngành giáo dục.

Ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam đề xuất, Bộ GD& ĐT tiếp tục nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong việc triển khai các nội dung gắn với việc giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương đất nước, văn hóa trong học đường. Nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lí về vao trò, tầm quan trọng của việc giáo dục lí tưởng cách mạng. Tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động chuyên đề giáo dục; tập huấn, nâng cao kĩ năng cho đội ngũ thầy cô giáo về vấn đề giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức lối sống.

nvm_1722.jpg -0
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sẽ tăng cường sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho học sinh, sinh viên.

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sắp tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, nếp sống văn hóa trong gia đình thông qua một số chương trình kí kết với Bộ Thông tin và Truyền thông, với Bộ GD & ĐT, với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…

Thứ trưởng Tạ Quang Đông còn cho hay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, tăng cường sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương, cộng đồng dân cư để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của học sinh, sinh viên…

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đề nghị, ngành giáo dục sớm hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng quy chế văn hóa học đường; rà soát ban hành quy tắc ban hành các bộ ứng xử trong và ngoài nhà trường, trên không gian mạng, chú ý chuyển đổi số; xây dựng thiết chế văn hóa học đường gắn với đọc và tự học; chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống trong các môn học, trong hoạt động ngoại khóa, quy định trang phục truyền thống trong nhà trường…

Tại hội nghị, đại diện các địa phương Nghệ An, Đắc Lắc, đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam…đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa học đường.

trần thanh mẫn.jpg -0
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và thường xuyên dành sự quan tâm đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã yêu cầu, xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình và cộng đồng”; “xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, một trong những trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao thời gian qua, Bộ GD & ĐT xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí  - thể - mỹ; đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành, từ đó, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng Bộ quy tắc ứng xử.

Việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa đang dần phù hợp, hiệu quả. Tiến hành đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội; tăng cường liên hệ với thực tiễn, gắn với các tấm gương người thực việc thực; đề cao trách nhiệm của các thầy cô giáo tham gia giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, thầy cô giáo phải gương mẫu mọi nơi, mọi lúc.

nvm_1576.jpg -0
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu trong cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu phải gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hoá học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng. Phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử. Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện…

Thu Phương
.
.
.