Làm sao để y tế cơ sở không bị teo tóp và mất chức năng điều trị

Thứ Hai, 29/05/2023, 12:10

Tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp chuyên môn kỹ thuật trên toàn quốc giảm (từ 19,8% năm 2017 xuống còn 14,6% năm 2022).

Ngày 29/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận về báo cáo giám sát phòng, chống dịch COVID-19 của Quốc hội. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, trong đó, nhiều đại biểu quan tâm đến việc xử lý cán bộ vi phạm công tâm, phù hợp nhất; xây dựng y tế cơ sở; đầu tư nguồn lực cho y tế, khắc phục khó khăn do thiếu thuốc, vật tư y tế, số hóa ngành y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa…

Kiến nghị giải pháp để y tế cơ sở - một hệ thống được dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị mà còn phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) đề nghị, cần thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau, cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ trung tâm y tế huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường, đặc biệt các bệnh mãn tính không lây nhiễm như bệnh huyết áp, đái đường, bệnh phổi, tắc nghẽn mãn tính...; có buổi khám về ngoại, sản, nhi để tư vấn cho người bệnh đi khám, chữa đúng địa chỉ sau khi đã chữa tại cơ sở y tế của tuyến huyện, tuyến cao hay những vấn đề đơn giản có thể xử lý luôn ở trạm y tế xã, phường.

hiếu.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) phát biểu tại phiên họp.

“Khi đã vận hành trơn tru, chúng ta có thể tiến lên một bước nữa và phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện, các bác sĩ giỏi ở tỉnh sẽ về huyện làm định kỳ trong tuần. Những bệnh nhân sau mổ sẽ được khám lại ở huyện khi hệ thống đã liên thông. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương đã áp dụng cách thức này nhưng đây vẫn chỉ là cải cách cá nhân nhỏ lẻ, chưa có hệ thống và hướng dẫn cụ thể” – đại biểu nhấn mạnh.

Cũng góp ý về hệ thống y tế cơ sở, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho biết, thực tiễn công tác chống dịch vừa qua đã bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Người dân đến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm tỷ lệ rất thấp. 

“Nhiều xã, phường, đặc biệt là khu dân cư khu vực đô thị hóa có dân số 30.000-50.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ/trạm y tế. Với số lượng cán bộ như vậy, chỉ có thể quản lý sức khỏe đảm bảo tối đa cho 13.000-15.000 dân. Trên 15.000 dân là quá tải, chưa kể những thời điểm dịch bệnh lây lan nhanh”, đại biểu đoàn Lâm Đồng nêu rõ. Theo  đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trực tiếp nhất là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân, trong đó, nguyên nhân gián tiếp phải nói đến cơ chế chính sách và đầu tư của Nhà nước. Cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, dẫn tới người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó được cải thiện. “Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng”, nữ đại biểu cho hay, đồng thời đề nghị tiếp tục đầu tư nhân lực, vật lực, tài lực để phát triển hệ thống y tế cơ sở.  

tú anh.png -0
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng).

Cũng quan tâm đến y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho biết, năm 2022, cả nước có trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% đơn vị cấp huyện có trung tâm y tế và 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế.  

“Trên thực tế thiếu hướng dẫn cụ thể khi thay đổi nên dẫn tới tình trạng không thống nhất, có sự khác nhau về mô hình tổ chức của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Vì lẽ đó, tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp chuyên môn kỹ thuật trên toàn quốc giảm (từ 19,8% năm 2017 xuống còn 14,6% năm 2022). Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ để có những giải pháp khắc phục” -  đại biểu Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh và kiến nghị cần quan tâm chăm lo các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng, tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

huy thái bình.png -0
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) thì dẫn chứng tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở là khoảng 75%, tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở đạt 34,5% năm 2022, trong đó tại y tế xã chỉ đạt 1,7%. Điều này cho thấy y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, đòi hỏi cần có giải pháp hiệu quả cho vấn đề này. “Trước mắt cần phân bổ ngay gần 5.000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỷ đồng của chương trình phục hồi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo tinh thần y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng” - đại biểu Nguyễn Thành Nam nêu ý kiến.

Phương Thuỷ
.
.
.