Không được chủ quan với bão cuối mùa

Thứ Sáu, 17/12/2021, 17:15

Mở đầu cuộc họp chiều ngày 17/12 với 28 tỉnh, TP ven biển ứng phó siêu bão Rai, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết cuối năm thường ít khi có bão, nhất là khi vào mùa rét. Cơn bão Rai theo dự báo rất mạnh, người dân hay gọi bão cuối mùa, dễ gây tâm lý chủ quan của bà con, nhất là người dân ở vùng biển.

Bão muộn dễ gây tâm lý chủ quan

Báo cáo về công tác dự báo, cảnh báo bão Rai của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, sáng 19/12, khi bão số 9 đi vào kinh tuyến 110-111,0 độ Kinh Đông, cường độ bão duy trì ở cấp 12-13, giật trên cấp 15. Với vị trí này, bão số 9 cách đất liền từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 280 km. Với bán kính gió mạnh cấp 6 khoảng 300 km thì vùng ben biển đã bắt đầu cảm nhận được gió, mưa tăng dần.

Từ ngày 19/12, dự báo bão có nhiều dấu hiệu đổi hướng và di chuyển theo hướng bắc, đi dọc vùng biển các tỉnh Trung Bộ từ Khánh Hòa đến Quảng Trị, cường độ suy yếu dần còn cấp 11-12, giật cấp 15. Đến sáng 20/12, khi cách bờ biển Đà Nẵng-Bình Định khoảng 150 km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão còn mạnh cấp 12 (120-135 km/giờ).

5420_6.jpeg -0
Dự báo vị trí và đường đi của Bão RAI. (Ảnh NCHMF)

Nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, với sai số dự báo 72 giờ là khoảng 200-220 km, hoàn toàn có khả năng tâm bão sẽ vào sát đất liền nước ta. Với khoảng cách và khả năng ảnh hưởng rất cao như vậy nên ngày 19, 20/12 sẽ là thời điểm gió mạnh nhất ở vùng ven biển và đất liền nước ta.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cho biết, đây là cơn bão muộn, diễn biến nhanh và có cường độ rất mạnh diễn ra vào thời điểm cuối năm và lại có hướng di chuyển lên phía Bắc là hết sức bất thường, rất hiếm gặp. Cơn bão này còn chịu tương tác của khối không khí lạnh từ phía Bắc, nên diễn biến lại càng phức tạp, khó lường, không loại trừ đi gần bờ hoặc đổ bộ vào đất liền.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra 2 phương án bão Rai tác động đến nước ta. Kịch bản tác động 1: Bão di chuyển theo dự báo hiện tại (xác xuất 80%). Trong trường hợp này cần lưu ý có khả năng bão đi sâu hơn, vượt qua kinh tuyến 110 và đi vào trong kinh tuyến 109 và có thể đi dọc ven biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các huyện ven biển ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng có thể chịu tác động trực tiếp của bão số 9. Sau khi tiến sát đất liền miền Trung bão sẽ đổi hướng đi lên phía Bắc.

Kịch bản thứ 2 (gây rủi ro lớn nhất): Bão vượt qua kinh tuyến 110 và đi thẳng vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi (xác suất 20%). Đối với kịch bản này khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, kèm theo sóng lớn 5-7 m, nước dâng do bão từ 1 m; lượng mưa phổ biến từ 200-250 mm, gió trên biển không khác so với kịch bản 1.

Về công tác ứng phó, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn đã có các văn bản chỉ đạo và  huy động gần 7.000 cán bộ, chiến sĩ, 465 phương tiện các loại để sẵn sàng ứng phó bão. Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các quốc gia trong khu vực đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam vào tránh trú;...

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, hiện nay vấn đề đáng lo nhất trước khi bão Rai tác động vào nước ta là việc người dân còn chủ quan. Đây là cơn bão cuối mùa, có cường độ rất lớn, trong khi hướng đi của bão vẫn chưa thể dự báo một cách chính xác.

1.jpeg -0
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.

“Hiện đang đúng mùa đi biển đánh bắt Cá Bắc của người dân. Vì gặp bão cuối mùa nên bà con sẽ có tâm lý chủ quan, chỉ tránh trú tạm. Nếu như vậy chỉ cần bão đổ bộ hoặc có tác động lớn hơn dự báo sẽ rất nguy hiểm. Thế nên, việc đầu tiên, các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt việc kêu gọi các tàu thuyền trên biển về khu tránh trú an toàn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích.

Thứ hai, có một số vùng bị ảnh hưởng trực tiếp như đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ, đảo Cù Lao Chàm. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những khu vực đã được xác định chắc chắn bị ảnh hưởng bởi bão số 9 cần lên phương án ứng phó một cách cụ thể.

Thứ ba, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công tại vùng ven sông, ven biển.

Thứ tư, các lực lượng cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để chủ động công tác cứu hộ cứu nạn trên biển.

Bắn pháo hiệu báo bão cho ngư dân vào nơi tránh trú an toàn

Đối tượng sẽ có nguy cơ cao bị tác động bởi bão rất lớn, gồm người và các phương tiện tàu cá, tàu vận tải hoạt động trên biển, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản; các dàn khoan, công trình dầu khí, hệ thống công trình đê, kè; các hồ chứa nước…

Vì vậy, kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương chủ động rà soát lại các tàu thuyền. “Bão rất mạnh, sóng cao đến 8- 10m nên các địa phương hết sức chú trọng, kêu gọi bà con ngư dân về. Bão cuối mùa, siêu bão rất mạnh, cố gắng huy động hết lực lượng, có giải pháp bắn pháo hiệu báo bão để bà con vào nơi tránh trú an toàn”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Theo Phó Thủ tướng, bão Rai khi vào Biển Đông được dự báo rất mạnh, ở cường độ 12, giật cấp 15. Bão đổ bộ vào thời điểm mùa Đông nên hướng di chuyển khó dự báo, do đó, các địa phương ven biển phải chuẩn bị tinh thần có thể bão sẽ đổ bộ vào tỉnh mình.

ndt-7997-119.jpeg -0
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo tại cuộc họp.

Nhắc lại công tác điều hành, chỉ đạo ứng phó với thiên tai vừa qua, Phó Thủ tướng lưu ý, các đơn vị, địa phương còn tâm lý chủ quan nên vẫn để xảy ra tình trạng người chết.

"Người chết trong đợt mưa lũ vừa qua phần lớn là do chết đuối. Điều này cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành của các đơn vị, lãnh đạo địa phương còn chủ quan; nếu rà soát kỹ thì sẽ không để xảy ra thiệt hại về người như vậy", Phó Thủ tướng lưu ý.

Từ thực trạng đó, Phó Thủ tướng mong muốn, các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần quyết tâm để giữ cho được thành quả về công tác PCTT năm 2021.  Bởi, năm 2021, số người chết do thiên tai đến thời điểm này giảm hơn 200 người so với năm 2020, thiệt hại về kinh tế cũng giảm hơn 40.000 tỷ đồng so với năm 2020.

Trở lại công tác ứng phó với cơn bão Rai, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ để kêu gọi bằng được tàu thuyền trên biển vào nơi tránh trú an toàn.

Đối với tuyến đất liền, các đơn vị và địa phương cần có phương án di dời dân đến nơi an toàn đề phòng bão đổ bộ; có kế hoạch đảm bảo an toàn hồ đập, kể cả hồ chứa thủy lợi và thủy điện...

Trúc Linh
.
.
.