Khắc phục cho được "bệnh" thành tích, "chạy" danh hiệu thi đua

Thứ Ba, 17/08/2021, 12:05

Sáng 17/8, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Có tình trạng yêu cầu doanh nghiệp nộp kinh phí để nhận giải thưởng

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày, Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004 (Luật đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013), sau 17 năm thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng; về thủ tục, hồ sơ khen thưởng; về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục cho được
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tại phiên họp. 

Đồng thời, ngày 7/4/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW "Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng", với nhiều chủ trương lớn trong tổ chức phong trào thi đua, đề cao trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu trong tổ chức phong trào thi đua; đổi mới công tác khen thưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thi đua, khen thưởng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước.

Do đó, Luật Thi đua, khen thưởng cần được sửa đổi, thể chế hóa các chủ trương quan trọng của Bộ Chính trị để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Dự thảo Luật gồm 8 Chương và 100 điều, sửa đổi, điều chỉnh 79 điều với 4 nhóm nội dung lớn.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cho biết, pháp luật hiện hành về thi đua, khen thưởng đã có các quy định về việc biểu dương, tôn vinh các đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp có đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, qua giám sát, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, có bộ, ngành, đoàn thể chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các giải thưởng phạm vi toàn quốc.

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục cho được
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. 

"Có tình trạng yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng nộp kinh phí để được giải thưởng, gây ảnh hưởng đến quan hệ với bạn bè quốc tế, gây bức xúc cho chính các doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải và dư luận không tốt trong xã hội", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định để tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật đảm bảo "tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và các quy định mang tính nguyên tắc về quản lý tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp (Điều 81 của dự thảo Luật), tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng cũng như quản lý nhà nước đối với việc tổ chức các giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân.

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị bổ sung quy định về việc tước, phục hồi và trao lại các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, bảo đảm đồng bộ với quy định tại Điều 54 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng. Bổ sung quy định về việc tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước: "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú", "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú", "Nghệ sỹ nhân dân", "Nghệ sỹ ưu tú" phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề, trong đó, chú trọng đến vấn đề uy tín cá nhân có danh hiệu để có thể quy định tước danh hiệu ngay cả trong trường hợp cá nhân đó chưa vi phạm pháp luật hình sự.

Quy định rõ danh hiệu có thể bị tước, thủ tục tước đối với từng danh hiệu trong trường hợp cá nhân nhận được nhiều danh hiệu vinh dự nhà nước mà bị tòa án tuyên có tội và bản án có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên.

Khắc phục "xin - cho", công khai, minh bạch để không "chạy" được

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, các vấn đề sửa đổi ở dự án Luật Thi đua, khen thưởng lần này được đưa vào rất tốt, hướng về cơ sở, có nhiều quy định cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp cũng có thể được tham gia các phong trào thi đua, được công nhận danh hiệu thi đua, được tặng thưởng các Bằng khen, Huân chương cấp cao...

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục cho được
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngoài hai đối tượng là công nhân và nông dân thì người lao động khác cũng cần được quy định cụ thể trong dự án luật: "Ví dụ như lái xe, nhân viên đánh máy, nhân viên hành chính, bảo vệ, lễ tân... Về quy trình, thủ tục khen thưởng lần này cũng đơn giản, có thể khen ngay được; có quy định về quản lý Nhà nước trong ứng dụng công nghệ thông tin về thi đua, khen thưởng. Đây là một số điểm thể hiện tư tưởng mới".

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, khen phải kịp thời, thành tích đến đâu khen đến đó; khắc phục căn cơ cho được "bệnh" thành tích, "chạy" danh hiệu, "chạy" thi đua. "Điều này là điều cấm. Công khai minh bạch ra thì không "chạy" được. Khắc phục tình trạng "xin - cho" vì nếu "xin - cho" thành tích thì không có động lực gì để thực hiện nữa", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục cho được
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội nêu tình trạng hiện còn nặng về tích lũy, gối đầu, muốn đạt thành tích thi đua, khen thưởng cao thì trước đó phải đạt các danh hiệu thi đua, khen thưởng thấp hơn, nên lại vấp vào quy định hướng về cơ sở.

"Nếu các danh hiệu bậc cao thường dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhiều, chứ người lao động khó có cơ hội tích lũy, gối đầu, như thế không đạt được mục tiêu hướng về cơ sở. Khắc phục cái này thế nào? Phải có cái nhìn đột phá", Chủ tịch Quốc hội lý giải, đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phải đầu tư nhiều hơn nữa, vì dự án luật này động chạm đến con người, đến toàn xã hội. Làm sao khắc phục được những tồn tại, hạn chế để sau khi luật ban hành có bước chuyển căn bản.

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục cho được
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết lại phiên thảo luận. 

Tại phiên họp, một số đại biểu thống nhất việc bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" (Điều 56) với Tờ trình của Chính phủ để ghi nhận, tri ân đối với lực lượng Thanh niên xung phong đã đóng góp công sức trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau nên kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Cơ quan chủ trì thẩm tra, Ban cán sự Đảng Chính phủ xin ý cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Cơ quan chủ trì thẩm tra, Chính phủ, Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục trao đổi, thảo luận những vấn đề chưa thống nhất. Giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra, phối hợp các cơ quan tiếp thu đầy đủ, thấu đáo các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, xin ý kiến Mặt trận Tổ quốc và các đại biểu Quốc hội chuyên trách nếu cần thiết...

Quỳnh Vinh
.
.
.