Hàng trăm vụ án gặp khó khăn trong điều tra, truy tố do giãn cách xã hội

Thứ Tư, 20/10/2021, 16:06

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí khẳng định việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp "bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh" sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn.

Chiều 20/10, trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS), Viện trưởng Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan giao VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát Bộ luật TTHS để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP (trong thời hạn 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, tức là ngày 14/1/2022).

Công an xã được xác minh tin báo, tố giác tội phạm

Kết quả rà soát cho thấy, quy định tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật TTHS chưa tương thích với Hiệp định CPTPP về nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại.

Hàng trăm vụ án gặp khó khăn trong điều tra, truy tố do giãn cách xã hội -0
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình.

Bên cạnh đó, thể chế hóa chủ trương của Đảng, thực hiện quy định của pháp luật, hiện nay, tất cả Công an xã đã được tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, đã và đang góp phần hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay đang diễn ra phức tạp, phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 146 Bộ luật TTHS chưa quy định Công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như Công an phường, thị trấn, đồn Công an; dẫn đến Công an xã chưa phát huy tốt được vai trò chính quy; không kịp thời giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho cơ quan điều tra Công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Cũng theo ông Lê Minh Trí, trước tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.

Theo thống kê, báo cáo của Công an và Viện kiểm sát cấp tỉnh, từ khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm hiện nay, có 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh, có 77 vụ án đã gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng theo quy định của Bộ luật TTHS; có 111 vụ án đang gặp khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn truy tố do không thể tiến hành được hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố, như: không thể phúc cung, lấy lời khai, tiến hành đối chất, tiến hành các thủ tục để trợ giúp pháp lý, bảo đảm sự tham gia của người bào chữa cho các đối tượng theo luật định; không thể yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp, trưng cầu giám định hoặc yêu cầu định giá tài sản…; VKS cũng không thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án vì không có căn cứ.

Tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh

Nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ và các thủ tục tố tụng để xem xét, quyết định việc khởi tố, ra kết luận điều tra hoặc quyết định việc truy tố trong thời hạn luật định. Việc tống đạt, giao các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội, người tham gia tố tụng hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho VKS, tòa án… cũng bị trì hoãn, không thể tiến hành được. Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 Bộ luật TTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp "vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh". Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Hàng trăm vụ án gặp khó khăn trong điều tra, truy tố do giãn cách xã hội -0
Toàn cảnh hội trường.

"Mặt khác, theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra; điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong nhân dân, trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng", Viện trưởng VKSND tối cao lý giải.

Dự báo trong thời gian tới, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới sẽ còn phải chịu những tác động khó lường do biến đổi cực đoan của khí hậu và tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp do chưa kiểm soát được đại dịch COVID-19 và nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh khác nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Từ những lý do trên, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 Bộ luật TTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ "vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh". Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này.  Khi không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng được tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội; đồng thời, tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh được việc để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

VKSND tối cao đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng dự án luật theo trình tự, thủ tục rút gọn do phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật thuộc trường hợp cần ban hành để thực hiện điều ước quốc tế và trường hợp "đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…", quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quỳnh Vinh
.
.
.