Đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học các dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự

Thứ Bảy, 03/02/2024, 08:30

Xác định rõ tính tất yếu việc tuân thủ các nguyên tắc trong xây dựng luật, cũng như tầm quan trọng của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự, trong nhiều năm qua, các dự án luật về an ninh, trật tự do các cơ quan chức năng của Chính phủ, trong đó Bộ Công an là cơ quan nòng cốt chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ soạn thảo để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Mặc dù số lượng rất lớn nhưng luôn đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả thi hành, phục vụ đắc lực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Kết quả giám sát việc ban hành cũng như thực hiện pháp luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra rằng, trong suốt quá trình xây dựng các dự án luật về an ninh, trật tự ngay từ khi có sáng kiến lập pháp đến khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và đến khi được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua các dự án luật, cơ quan soạn thảo luôn tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của quy trình xây dựng luật, đặc biệt luôn đảm bảo tính chặt chẽ và khoa học của mỗi dự án luật.

Cụ thể:

Một là, việc đảm bảo tính chặt chẽ của các dự án luật về an ninh, trật tự được thể hiện ngay từ khi đưa ra sáng kiến lập pháp, đây là bước khởi đầu, tiền đề mở ra quá trình xây dựng (kể cả sửa đổi, bổ sung) trong các dự án luật. Để có được sáng kiến lập pháp trong lĩnh vực an ninh, trật tự thì các cơ quan bảo vệ pháp luật mà nòng cốt là Bộ Công an, trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ phát hiện những vấn đề thiếu sót, lỗ hổng chưa có sự điều chỉnh của pháp luật hoặc mâu thuẫn, chồng chéo, lạc hậu đòi hỏi phải kịp thời có văn bản luật để điều chỉnh. Các đơn vị chức năng sẽ phân tích thực tiễn, đánh giá chi tiết từng vấn đề, chỉ ra tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn cần phải ban hành, sửa đổi, bổ sung luật. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo phải tiến hành tổng kết công tác thi hành pháp luật và đánh giá tác động chính sách tới các đối tượng chịu tác động, phải có sự thẩm định, đánh giá, phản biện kỹ lưỡng của các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; chỉ khi có sự đồng thuận thì mới trình Chính phủ để xây dựng, sửa đổi, bổ sung dự án luật.

Trang 11 Tết: Đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học các dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự -0
Một phiên họp toàn thể của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, thẩm tra dự án luật.

Tiếp theo là giai đoạn soạn thảo văn bản luật, là giai đoạn rất quan trọng của quá trình ban hành văn bản luật nói chung và các dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự nói riêng. Trong giai đoạn soạn thảo phải thực hiện một số công đoạn đơn lẻ đó là khảo sát thực tiễn; xây dựng đề cương chi tiết của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo văn bản và tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành, tổ chức cho dự thảo văn bản luật. Tùy từng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, cơ quan soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo bằng các hình thức và trong những phạm vi khác nhau. Việc lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ thực tiễn càng kỹ lưỡng với từng nội dung cụ thể của dự án luật bằng cách tiếp cận đa chiều thì nội dung dự án luật càng có chất lượng cao, sát thực tiễn và khả thi. Những đóng góp này cùng với sự tiếp thu nghiêm túc của cơ quan soạn thảo về những nội dung hợp lý, thì các dự thảo luật nhanh chóng được hoàn chỉnh với sự chặt chẽ, logic; đồng thời phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, bao gồm làm rõ sự cần thiết ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung dự án luật (cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn); tổng hợp đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến; tổng hợp so sánh với pháp luật nước ngoài; bản đánh giá tác động (tích cực, tiêu cực) của từng nhóm nội dung mới trong dự án luật; bản thảo dự thảo luật và dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành luật (nếu có) để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật hằng năm.

Cuối cùng là giai đoạn thẩm tra và thông qua dự thảo dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự, đây là giai đoạn quan trọng nhất và có tính bắt buộc. Cơ quan thẩm tra chuyên môn của Quốc hội (đa số các dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra) có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác của Quốc hội cũng như sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo tiến hành thẩm tra theo quy trình. Thực tế có ba loại dự án luật được thẩm định, thẩm tra ở giai đoạn này, đó là loại dự án luật sửa đổi một số điều thông qua một kỳ họp; dự án luật sửa đổi, bổ sung thông qua hai kỳ họp; dự án luật mới có thể thông qua hai kỳ họp hoặc ba kỳ họp. Tất cả các loại hình này đều phải thực hiện theo đúng quy trình hết sức chặt chẽ đã được quy định. Theo trình tự, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho cơ quan chuyên môn của Quốc hội chịu trách nhiệm tiến hành thẩm tra, cơ quan thẩm tra sẽ thực hiện thẩm tra ban đầu tất cả các nội dung trong hồ sơ dự án luật để xem có ý kiến, vấn đề nào cần bổ sung. Sau đó, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo từng lần họp (tùy theo hình thức thông qua dự án luật), tiến hành khảo sát thực tiễn, tọa đàm, hội thảo, xin ý kiến rộng rãi của nhân dân cả nước, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật rồi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần hai cho ý kiến để hoàn chỉnh sơ bộ dự án luật trước khi trình Quốc hội thảo luận lần đầu (thảo luận tổ và thảo luận toàn Quốc hội). Tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn và nhân dân đều được tổng hợp đầy đủ, sau đó cơ quan thẩm tra cùng cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu, rà soát tiếp thu, chỉnh lý, giải trình thấu đáo. Đặc biệt, các nội dung trong dự thảo luật sẽ được thẩm tra từng điều, khoản; rà soát, lựa chọn chặt chẽ. Những nội dung nào trong dự án luật chưa rõ ràng, còn có sự băn khoăn của đại biểu Quốc hội thì cơ quan thẩm tra với cơ quan soạn thảo tiếp tục tọa đàm, khảo sát, đánh giá nhiều lần để đi đến chân lý.

Hai là, đảm bảo tính khoa học cả về nội dung và hình thức của các dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Các quan hệ xã hội cần điều chỉnh bằng pháp luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự là các quan hệ xã hội có tính đặc thù gắn liền với bảo đảm an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công dân, do vậy ngoài việc bảo đảm tính chặt chẽ cần phải bảo đảm tính khoa học của mỗi dự án luật.Tính khoa học trong hoạt động xây dựng pháp luật về an ninh, trật tự đòi hỏi rất rõ ràng về nhận thức quy luật khách quan của xã hội mà không phải do ý chí chủ quan, đồng thời cơ quan soạn thảo phải sử dụng những thành tựu của các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học pháp lý, dự báo các mối quan hệ xã hội sẽ phát sinh. Tính khoa học còn được biểu hiện ở kế hoạch xây dựng pháp luật chặt chẽ và có tính khả thi, các hình thức thu thập tin tức, xử lý thông tin, tiếp thu ý kiến của nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, với sự đa dạng hoá các mối quan hệ kinh tế-xã hội, nhu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như trước các yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, cùng với sự tác động tiêu cực từ các mối đe doạ an ninh phi truyền thống, mặt trái của cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì việc tiếp tục ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự càng trở nên cấp thiết hơn. Chính vì vậy, quá trình xây dựng các dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự đòi hỏi cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra luôn phải triệt để tuân thủ các nguyên tắc của quá trình xây dựng, đồng thời luôn phải đảm bảo tính chặt chẽ và khoa học.

Thời gian tới các dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện với số lượng nhiều. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng luật hiện nay và thời gian tới, cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra ngoài việc tiếp tục phát huy truyền thống, kinh nghiệm, kỹ năng cũng như tuân thủ các nguyên tắc xây dựng luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự cần có sự đầu tư và nâng cao hơn nữa cả về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Phải có sự quan tâm đặc biệt về chế độ, chính sách với tính chất đặc thù, lựa chọn các thành viên phải có đủ kiến thức pháp luật sâu rộng, phải có kinh nghiệm thực tiễn về kiến thức chuyên môn trong mỗi chuyên ngành của lĩnh vực an ninh, trật tự. Mỗi thành viên khi được giao nhiệm vụ soạn thảo và thẩm tra dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự cần phải nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng”, công minh, chính trực, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước. Tất cả thành viên tham gia soạn thảo và thẩm tra các dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự luôn nêu cao tinh thần trên thì chắc chắn các dự án luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, tính khoa học để pháp luật về an ninh, trật tự phát huy được vai trò tối ưu, trở thành công cụ đích thực phục vụ cho việc quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Kết quả giám sát việc ban hành cũng như thực hiện pháp luật trong lĩnh vực an ninh,trật tự của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra rằng, trong suốt quá trình xây dựng các dự án luật về an ninh, trật tự ngay từ khi có sáng kiến lập pháp đến khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và đến khi được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua các dự án luật, cơ quan soạn thảo luôn tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của quy trình xây dựng luật, đặc biệt luôn đảm bảo tính chặt chẽ và khoa học của mỗi dự án luật.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức- Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
.
.
.