Đại biểu Quốc hội trăn trở lương thấp người dân không đủ sống, ngành điện thua lỗ triền miên

Thứ Năm, 25/05/2023, 11:06

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải xem lại cách chúng ta xác định mức lương tối thiểu để doanh nghiệp tuân thủ, khi người lao động đóng đủ bảo hiểm xã hội thì về hưu phải sống được bằng lương hưu.

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021...

Lao động 30 năm, đóng bảo hiểm đủ nhận lương hưu 2,5-3 triệu

Thảo luận tại tổ TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ đồng tình với việc xây dựng lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ, tuy nhiên, ông trăn trở khi thực tế hiện nay nhiều người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng về hưu lương không đủ sống. "Vừa qua nhiều công nhân cho biết, người lao động có thể lao động 30 năm, doanh nghiệp đóng đủ BHXH, nhưng về hưu nhận lương hưu 2,5 triệu, 3 triệu, sống không được. Phải nhìn lại cách chúng ta xác định mức lương tối thiểu để doanh nghiệp tuân thủ, để khi người lao động đóng đủ BHXH thì về hưu phải sống được", ông dẫn chứng.

Nghị trường
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân thảo luận tại tổ.

Đại biểu đề nghị, cần bổ sung, trong quá trình cải cách tiền lương phải đặt yêu cầu xác định tiền lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu. Nếu cải cách tiền lương mà không đặt yêu cầu đó thì sau đó công chức, người lao động rất khó khăn. "Chúng tôi tiếp xúc cử tri quận Bình Tân, xót xa lắm, lao động mấy chục năm mà ông Phó Chủ tịch Công đoàn bộ phận lương hưu 2,5 - 3 triệu, lại phải đi làm thêm cho đủ sống. Phải tính một người đi làm bây giờ phải nuôi được một người nữa, phải nuôi được con mình, hoặc cha mẹ mình", ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Chia sẻ với quan điểm này, tuy nhiên, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, việc tăng lương không chỉ phụ thuộc vào chuyện bảo hiểm ngồi cân đối lại, mà thực tế mức đóng bảo hiểm ở Việt Nam còn thấp, nhưng muốn tăng lên cũng không dễ. Với mức đóng khá thấp như hiện nay và kể cả phần người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động thì đôi khi người phải đóng bảo hiểm còn "xù" không đóng, cơ quan bảo hiểm không làm được gì.

Nghị trường
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan.

Theo đại biểu, không chỉ những người về hưu mà ngay cả người đang lao động như bác sĩ, dược sĩ mới ra trường lương khởi điểm theo hệ số cũng không đủ sống. "Chúng ta cứ cải cách tiền lương bằng cách nâng mức lương cơ bản, nâng lên được 300-400 ngàn cho 1 hệ số. Nhưng những người mới đi làm hệ số thấp nên số tiền tăng lên cũng không nhiều. Trong khi ở thời điểm đó họ cần tích lũy vốn nhanh để lấy vợ, lấy chồng, xây dựng gia đình", bà đề cập.

Ngành điện liên tục báo lỗ, có phải do năng lực quản lý?

Tại Tổ 8, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) phản ánh băn khoăn của nhiều cử tri về việc điều chỉnh tăng giá điện. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện. Nhiều cử tri thắc mắc, trong các báo cáo EVN đều khẳng định tình hình sản xuất, kinh doanh điện liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 chưa làm rõ nguyên nhân và giải pháp cụ thể.

Cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ thì báo lỗ, trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao. Điển hình, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt là 2.550 tỷ đồng và 3.668 tỷ đồng... "Nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề năng lực quản lý không?", nữ đại biểu thẳng thắn.

Nghị trường
ĐBQH Tạ Thị Yên.

Cạnh đó, trong khi EVN kêu lỗ và tăng giá điện thì việc đàm phán giá bán điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ, vô hình chung đã tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn. "Giải pháp lâu dài cho ngành điện là cần nghiên cứu, tìm ra phương án tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng, có thể tìm nguồn nhiên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất. Cần có cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện", ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu giải pháp.

Tại Tổ 4, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, điện mặt trời và điện gió mới được quy hoạch vào Điện VIII, vậy tại sao không đưa vào Điện VII. "Chúng ta xác định lâu dài nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào. Giá thành họ giảm, tại sao ta lại không giảm và không sản xuất được điện trong nước mà phải đi nhập khẩu?", ông băn khoăn. Đại biểu cũng đặt câu hỏi, tại sao EVN thua lỗ triền miên, cần xem xét trách nhiệm cán bộ EVN, xem xét chi tiêu của doanh nghiệp này và đề nghị Quốc hội "mổ xẻ" vấn đề này.

Cho rằng điện là vấn đề bức xúc của người dân hiện nay, ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đề nghị làm rõ, vì sao điện mặt trời và điện gió không được hoà mạng bán trên điện lưới mà phải đi nhập khẩu điện, trong khi đó là tài sản quốc gia lại để lãng phí. Ông đề nghị làm rõ trách nhiệm khi để lỗ và yêu cầu ngành điện phải đổi mới...

Cần giải pháp đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng Quý 3, Quý 4

Liên quan tình hình KTXH, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vốn đưa vào nền kinh tế chậm, nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, cần xem xét trách nhiệm nằm ở khâu nào, khâu lập dự án đầu tư hay khâu thẩm định, trình, thông qua chủ trương, quyết định đầu tư... "Xem là do cơ chế hay trong từng khâu đó do con người thực hiện. Tôi thấy khâu chuẩn bị đầu tư kéo dài, đôi khi còn kéo dài hơn khâu thực hiện dự án đầu tư. Cần làm rõ để có giải pháp triệt để, vấn đề này đã được nêu ra nhiều lần, nhiều kỳ, rất nhiều đại biểu nêu nhưng chưa giải quyết được", ông nhấn mạnh.

Nghị trường
ĐBQH Trần Anh Tuấn.

Về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, theo đại biểu được bố trí trong vòng 2 năm, mà cuối 2022 chưa được 30%. "Đầu năm nay có sự chỉ đạo nhanh hơn những vẫn còn bất cập, mà phục hồi KTXH thì mang tính cấp bách", đại biểu đề cập và đề nghị sửa đổi cơ chế, quy trình thủ tục theo nguyên tắc đối với vấn đề cấp bách thì mới đáp ứng yêu cầu phục hồi. "Hoàn toàn là những cái chúng ta xử lý được thì lại không xử lý. Trong phạm vi chúng ta xử lý được thì còn vướng, còn ách tắc nhiều", ĐBQH Trần Anh Tuấn nêu thêm.

Đánh giá bức tranh KTXH 6 tháng dự báo ảm đạm, ĐBQH Lê Thanh Vân nhận định, nguyên nhân là do chất lượng thể chế pháp luật kém, không ổn định, chất lượng cán bộ yếu kém. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, tác động từ bên ngoài và vấn đề nội tại của nước ta chưa khắc phục được nên gặp khó khăn. Cần có cách nhìn khách quan cả bên ngoài và bên trong, có giải pháp đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng trong Quý 3 và Quý 4.

Đại biểu nêu 7 nhóm giải pháp, trong đó Chính phủ cần có chương trình ngắn hạn để đối phó với suy thoái, đó là chính sách tài khóa và tiền tệ với kịch bản phải linh hoạt, gồm giảm thuế VAT; điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư; giải phóng năng lực trong nước là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp khởi nghiệp; cải cách thể chế, chỉnh đốn đội ngũ người đứng đầu hệ thống chính trị Nhà nước; tăng lương, tinh giảm biên chế...

Quỳnh Vinh
.
.
.