Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ 6

Thứ Năm, 16/11/2023, 10:06

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định điều này khi chủ trì Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 6, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 16/11.

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về phương án chính sách thể hiện tại dự thảo luật, có 6/26 nội dung đã tiếp thu gọn còn 1 phương án; 14/26 nội dung còn có 2 phương án; 1/26 nội dung cần có thông tin làm rõ; 5/26 nội dung Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền.

Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ 6 -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung thảo luận.

Điều hành nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn một số nội dung có hai phương án, Ủy ban Kinh tế đến nay vẫn chưa trình quan điểm, vẫn xin ý kiến của UBTVQH. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thu hẹp tối đa các vấn đề, thiết kế lại còn một phương án và trình Quốc hội phương án này. Đối với các nội dung còn khác nhau, Ủy ban Kinh tế cần phối hợp cơ quan soạn thảo, các cơ quan lập luận các ưu, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm, đề xuất lựa chọn phương án phù hợp.

Về thời điểm thông qua dự án luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Các cơ quan hữu quan và Chính phủ đồng tình, nhất trí trình Quốc hội chuyển sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp này". Qua thảo luận, UBTVQH thống nhất với việc này, bởi đây là dự án luật rất hệ trọng, cần đặt sự ưu tiên về chất lượng lên hàng đầu.

Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ 6 -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Liên quan đến quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Điều 28, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ chọn phương án 1: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở... Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần viết lại cho phù hợp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua tổng hợp các ý kiến của các cơ quan, thống nhất cao với phương án 1 đối với quyền và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn là công dân Việt Nam có đẩy đủ quyền và nghĩa vụ đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.

"Đây là một bước đổi mới mạnh mẽ, thực hiện chủ trương của Nghị quyết 36 nhằm thu hút sự đóng góp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cả kiều hồi và đầu tư, tham gia đóng góp để phát triển đất nước", ông nói.

Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ 6 -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thảo luận tại phiên họp.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam, vẫn còn là công dân Việt Nam thì cần được đối xử bình đẳng.

Quy định rõ nội dung, phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng

Liên quan đến đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, chỉ còn 1-2 ý kiến băn khoăn có nên quy định thẳng áp dụng khoản 2, Điều 14 Hiến pháp, cho phép đối với trường hợp đã giao đất lần hai thì cấm chuyển nhượng. Về quan điểm cá nhân, ông nhận thấy, trường hợp người dân muốn chuyển đi nơi khác sinh sống thì cần cho họ được chuyển nhượng, nếu cấm thì cứng quá.

"Do đó, cần nghiên cứu thêm để quy định cho đầy đủ và chặt chẽ hơn để hạn chế tối đa chuyển nhượng như hiện nay, tuy nhiên không cấm tuyệt đối vì như vậy sẽ không phù hợp với thực tiễn", ông phân tích.

Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ 6 -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thảo luận tại phiên họp.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, khi đất cấp lần hai cho đồng bào dân tộc, nếu để tiếp tục xảy ra tình trạng chuyển nhượng, mua bán thì sẽ khó khăn cho sinh kế đồng bào. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị cấm người dân nhận chuyển nhượng đất của đồng bào dân tộc đã cấp lần hai để đảm bảo công bằng, bình đẳng.

Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159), phương án 1 quy định tại luật về nội dung định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Phương án 2 quy định cả về nội dung, phương pháp xác định giá đất và trường hợp điều kiện áp dụng từng phương pháp để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

"Ủy ban Kinh tế đề xuất chọn phương án 2. Cá nhân tôi và quan điểm thảo luận của Bộ Chính trị cũng thống nhất với phương án 2. Nội dung này càng công khai, minh bạch càng tốt, không có lý do gì mà không quy định tại luật" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan Điều 211 về đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị rà soát từ ngữ, bổ sung chính xác vì thực tế có nhiều công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh, ví dụ như ăng ten quân sự, các cơ quan bảo mật quân sự, Công an, trại tạm giam, trại cải tạo... Do đó, khu hành lang bảo vệ cần thiết phải có.

Quỳnh Vinh
.
.
.