Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: Khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý

Chủ Nhật, 11/12/2022, 08:25

Sau 3 ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm cao, trưa 10/12, kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội, khóa XVI đã bế mạc. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu UBND TP khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý đối với những vấn đề đã được chất vấn.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, các vị đại biểu HĐND TP đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, góp phần vào thành công của kỳ họp lần này. Kỳ họp đã dành nhiều thời gian để các đại biểu HĐND thảo luận, bàn bạc quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố và thực hiện hoạt động chất vấn, tái chất vấn. Tại các phiên thảo luận, đã có 63 lượt đại biểu phát biểu ý kiến. HĐND TP đã xem xét 20 báo cáo và biểu quyết thông qua 23 nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: Khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý -1

HĐND TP đã biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Hà Nội với 22 chỉ tiêu và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Năm 2023, dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới, trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, thành phố cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân...

HĐND TP đã thông qua các Nghị quyết quan trọng như phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của thành phố; định mức phân bổ ngân sách của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025; các cơ chế, chính sách, mức chi đặc thù đối với người có công, đối tượng chính sách; chế độ hỗ trợ trong lĩnh vực văn hoá… Theo ông Tuấn, đây là những cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của TP...

Ông Tuấn cũng đánh giá, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm. HĐND TP đã biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết phiên chất vấn, trong đó xác định rõ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và thời hạn cụ thể, yêu cầu UBND TP và các cơ quan thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết với HĐND TP; khẩn trương, nghiêm túc, tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực được chất vấn, báo cáo HĐND TP kết quả thực hiện tại kỳ họp giữa năm 2023.

Tại phiên bế mạc, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết miễn nhiệm chức vụ đối với một số chức danh do được điều động, luân chuyển công tác khác và nghỉ chế độ; kiện toàn, bổ sung chức danh Ủy viên UBND TP, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.

Hà Nội có thêm 43 thôn, tổ dân phố mới

Sáng 10/12, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố mới và đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc các quận, huyện, thị xã năm 2022.

Nghị quyết đã thông qua việc thành lập, đặt tên với 43 thôn, tổ dân phố mới thuộc 8 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô gồm: Quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì, Mỹ Đức. Thông qua việc đổi tên 16 thôn, tổ dân phố thuộc 2 quận, thị xã Thanh Xuân, Sơn Tây.

Trước đó, trình bày Tờ trình về việc thành lập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc các quận, huyện, thị xã TP Hà Nội năm 2022, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết: Căn cứ thực tiễn tại một số địa bàn quận, huyện hình thành nhiều khu đô thị mới, tòa nhà chung cư cao tầng với quy mô số hộ gia đình lớn. Vì vậy, cần thiết phải thành lập các tổ dân phố mới để nhân dân sinh hoạt trong tổ chức tự quản dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.

Mặt khác, do việc tăng dân số cơ học dẫn đến quy mô số hộ gia đình ở các tổ dân phố cũng tăng theo. Vì vậy, cần thực hiện việc chia tách các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn để thành lập thôn, tổ dân phố mới có quy mô, số hộ gia đình hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở và hoạt động tự quản của nhân dân tại địa phương.                                                          

N.Y

Chi Linh
.
.
.