Chỉ đạo nổi bật của  Chính phủ tuần qua

Thứ Hai, 30/08/2021, 08:26

Trong tuần qua (21 đến 27/8), Thủ tướng Chính phủ có 3 Công điện và nhiều chỉ đạo quan trọng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

 

Tăng cường giãn cách xã hội và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Công điện nêu rõ: Với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường.

Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng Quân đội, Công an và các lực lượng cần thiết khác của Trung ương, các địa phương cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0.

Công điện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn quốc

Ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục có Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Trong Công điện, Thủ tướng nhận định, Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở một số xã, phường, thị trấn. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp: Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vaccine, thuốc điều trị là chiến lược; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng.

Các địa phương chịu trách nhiệm: (a) Chủ động bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Trung ương, nhất là tại các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội; (b) Ưu tiên nguồn lực, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi chưa cần thiết, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, sử dụng tiết kiệm quỹ dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính để tập trung cho phòng, chống dịch; (c) Có phương án và sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời hỗ trợ các địa phương khác khi có yêu cầu…

Thủ tướng chỉ đạo rà soát, thu dung người “lang thang, cơ nhỡ”

Ngày 27/8, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1105/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Công an tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, thu dung người "lang thang, cơ nhỡ" trên địa bàn để xét nghiệm, phân loại, đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc tổ chức quản lý để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1438/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Theo Quyết định, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo Quốc gia có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ.

Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt việc thực hiện các nhiệm vụ: Phòng, chống dịch, chăm sóc y tế; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện thông tin truyền thông; bảo đảm hậu cần phòng, chống dịch; tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa; vận động, động viên, kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân... phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, ủng hộ, tích cực tham gia và tự giác thực hiện phòng, chống dịch…

Ban Chỉ đạo quốc gia gồm có 8 Tiểu ban: Y tế; An ninh trật tự xã hội; An sinh xã hội; Tài chính, hậu cần; sản xuất và lưu thông hàng hóa; vận động và huy động xã hội; dân vận; truyền thông.

Khuyến khích các địa phương, đơn vị tìm mua vaccine phòng COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt và thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vaccine; tổ chức tiêm miễn phí cho nhân dân.

Xuất cấp vật tư, thiết bị cho Bộ Quốc phòng để phòng, chống dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 100 bộ nhà bạt cứu sinh và 10 bộ máy phát điện từ nguồn dự trữ quốc gia cho Bộ Quốc phòng (Quân khu 7) để cấp cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Để chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ, bão lớn tại khu vực bị dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch…

Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, cơ sở điều trị dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai.

Tại Quyết định số 1424/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 30 bộ xuồng cao tốc, 1.461 bộ nhà bạt cứu sinh, 175.699 chiếc phao cứu sinh, 90 bộ máy bơm nước chữa cháy (đồng bộ thiết bị chữa cháy rừng), 25 bộ máy phát điện, 15 bộ thiết bị khoan cắt từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để trang bị cho các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng ứng phó công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

PV (Chinhphu.vn)
.
.
.