Cần chính sách đặc thù, vượt trội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ Ba, 06/06/2023, 07:44

Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 418/QĐ- TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ  (KH&CN) giai đoạn 2011-2020. Kết thúc thực hiện Chiến lược, có 8 mục tiêu quan trọng trên tổng số 11 mục tiêu đã đạt được. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Chiến lược, tại báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ KH&CN đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại, bất cập.

Thị trường khoa học và công  nghệ phát triển chậm

Sau 10 năm thực hiện, Chiến lược đã được triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển KT-XH của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng...

Cần chính sách đặc thù, vượt trội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo -0
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&CN nhìn nhận: Hệ thống quy định pháp luật nói chung còn thiếu sự đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính, đầu tư với quy định pháp luật về KH&CN. Cơ chế quản lý hoạt động KH&CN tuy đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng tư duy chưa chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến. Còn tồn tại một số vấn đề trái với quy luật phát triển khách quan của KH&CN; trái với thông lệ và thực tiễn pháp lý của các nước phát triển cùng ngưỡng về trình độ công nghệ ở Việt Nam hiện nay, tạo ra các điểm nghẽn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh…

Cùng với đó, thị trường KH&CN phát triển còn chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu. Chưa khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều các phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm cuối cùng và thương mại hoá. Các hoạt động nghiên cứu khoa học mới tập trung vào các trung tâm, viện nghiên cứu, tính ứng dụng chưa cao; chưa có cơ chế để phát huy tính sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trong xã hội. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo. Phát sinh nhiều vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với tổ chức KH&CN công lập trong việc lấy tự chủ tài chính làm gốc và cắt giảm ngân sách nhà nước, dẫn tới suy giảm cả về số lượng và động lực phát triển của các tổ chức này.

Quan điểm KH&CN là then chốt và động lực phát triển đất nước đã được khẳng định nhưng theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, trên thực tế chưa được các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt đầy đủ, triển khai toàn diện. Nhận thức về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) đối với sự phát triển KT-XH chưa thực sự lan tỏa trong toàn xã hội.

Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư và tài chính trong khoa học và công nghệ

Ngoài các bất cập nói trên, người đứng đầu Bộ KH&CN cũng cho biết, cho đến nay, liên quan đến việc tổ chức, triển khai thực hiện Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Quỹ), nhiều văn bản quy phạm pháp luật các cấp đã được ban hành. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2015-2021, có tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập Quỹ với tổng số tiền trên 23.895 tỷ đồng, trong đó số sử dụng là trên 14.411 tỷ đồng, chiếm khoảng 60,3%. Có thể thấy rằng, so với tổng số doanh nghiệp hiện có, số doanh nghiệp đã thực hiện trích lập Quỹ khá khiêm tốn. Số trích Quỹ và sử dụng Quỹ lớn tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn.

Nhằm khơi thông nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN, đẩy nhanh tốc độ chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tăng hiệu quả sử dụng Quỹ của doanh nghiệp, để tháo gỡ các vướng mắc chính trong việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC ngày 7/11/2022 hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Thế nhưng, tỷ lệ trích lập Quỹ chưa phù hợp với cơ cấu và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó một phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gần như không có doanh nghiệp FDI nào trích lập Quỹ cho thấy cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng Quỹ chưa đủ hấp dẫn.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của Quỹ chưa linh động và chưa phù hợp với đặc thù của Quỹ, có nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, thủ tục phức tạp khó thực hiện. Trong khi đó, các khoản chi, kể cả chi cho đầu tư và nghiên cứu khoa học mà phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có hóa đơn, chứng từ hợp pháp được đưa vào chi phí được trừ trong kỳ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Thủ tục mua sắm phục vụ nhiệm vụ KH&CN sử dụng Quỹ thực hiện theo thủ tục của dự án đầu tư chưa phù hợp với đặc thù tính mới, tính hiếm, tính kịp thời, tính rủi ro cao của hoạt động KH&CN.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết, giải pháp trong thời gian tới sẽ là tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về KHCN & ĐMST; đồng bộ các quy định pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển KHCN&ĐMST… Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để KHCN&ĐMST thực sự là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cho phép thử nghiệm chính sách mới  thúc đẩy ứng dụng các sáng kiến, các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới.

Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư và tài chính trong KH&CN trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên chỉ số đo lường kết quả, hiệu quả đầu ra. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý NSNN về KH&CN trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, có tính đến rủi ro và tôn trọng, tôn vinh các tổ chức và cá nhân hoạt động KH&CN. Đảm bảo tăng đầu tư từ NSNN cho KH&CN và có cơ chế kinh tế, tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia mạnh hơn vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ…

Đặng Nhật
.
.
.