Cán bộ, công chức vi phạm về hưu vẫn bị xử lí

Thứ Tư, 08/11/2017, 14:40
Sáng 8-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Việc có bổ sung hình thức tố cáo qua email, điện thoại hay giải quyết tố cáo với hành vi vi phạm của người nay đã về hưu hay không là những nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 72 điều (tăng thêm 8 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tháng 5/2017 và tăng thêm 22 điều so với Luật hiện hành). 

Tố cáo dưới những hình thức nào?

Về hình thức tố cáo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy định hai hình thức tố cáo như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp (khoản 1 Điều 19), nhưng có bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra (Điều 22). 

Qua thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh ), Vũ Thị Thủy (Hải Dương) đồng tình quy định 2 hình thức tố cáo như trong dự thảo Luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để tránh tình trạng tố cáo trào lan, lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác, gây phức tạp trong công tác tiếp nhận, xử lý ban đầu.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Không đồng quan điểm, đại biểu Lữ Thanh Hải (Khánh Hòa) và một số ý kiến khác đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại và các hình thức khác để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp, phản ánh thông tin về hành vi vi phạm pháp luật, tránh bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ thông tin và tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử... 

Theo đại biểu Lữ Thanh Hải, dù tố cáo dưới hình thức nào thì cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, đây là điều kiện cần để thụ lý giải quyết; cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo phải có căn cứ, có cơ sở để xác minh, kết luận. 

Ủng hộ bổ sung hình thức tố cáo qua email, điện thoại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh “ta đang ở thời đại công nghệ 4.0 sao Luật lại đặt cái đó ra bên ngoài” “Nhiều khi người dân nhắn tin có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, nói việc này việc kia chuyển các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo kiểm tra, trả lời cho tôi. Cái đó được quá ấy chứ, tin nhắn rất rõ ràng!” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết cũng nhận được những tin nhắn như thế và bà đều chuyển cho các cơ quan chức năng. Và mới ngay chiều qua, bà đã chuyển phản ánh về việc người dân 3 lần gửi đơn tố cáo về việc thu hồi đất và tài sản của họ chưa đúng nhưng đến nay Chủ tịch tỉnh đó chưa giải quyết.

Đại biểu Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhất trí với quan điểm trên, đồng thời cho biết, trên thực tế ta khai thác chính quyền điện tử ở nhiều mặt, nếu không sử dụng các công cụ này để phục vụ cho tất cả hoạt động của Nhà nước và người dân thì lại là vấn đề không bình thường.

Theo đại biểu Phạm Minh Chính nhấn mạnh “Thường người đứng đắn bao giờ cũng có đăng ký đàng hoàng nên việc xác minh tin nhắn không khó. Cũng có nhắn tin có tên tuổi địa chỉ rõ ràng nhưng dùng “sim rác”, song nội dung vẫn hoàn toàn chính xác. Do đó phải biết phân loại, sàng lọc để chỉ đạo, xử lý cho phù hợp với điều kiện cụ thể” .

Giải quyết tố cáo vi phạm của công chức về hưu

Về phạm vi điều chỉnh, tại Điều 1, Điều 12 của dự thảo theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ  của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức). Vì Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức chưa có quy định về việc xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi họ đang là cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, để thống nhất với Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức, dự thảo Luật không quy định về vấn đề này. 

Nhiều đại biểu cho rằng: Tuy không ghi ngay tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh nhưng việc quy định rõ trong Luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức là phù hợp. 

Đây là nội dung bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là chủ trương và thực tế đã xử lý cán bộ về hưu, tuy chưa sửa Luật Cán bộ công chức nhưng Quốc hội đã có nghị quyết. “Phải làm thế để tất cả cán bộ công chức khi thi hành nhiệm vụ luôn có tinh thần trách nhiệm, đừng nghĩ thôi tôi còn 2 năm nữa là về hưu, về xong thì thôi”.

Liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng dẫn ý kiến phản ánh “hoàng hôn nhiệm kỳ”, trước khi về hưu ký bổ nhiệm cán bộ rất nhiều, nên nếu không có cơ chế giải quyết câu chuyện này thì bỏ sót. Vừa qua, Thường vụ Quốc hội cũng đã xử lý một số cán bộ đã về hưu.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, sửa luật Luật Tố cáo cũng cần bổ sung đối tượng công chức đã nghỉ hưu để giúp nâng cao trách nhiệm cán bộ công chức, có tính răn đe, tránh lợi dụng quy định của pháp luật.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) phân tích mặc dù hành vi bị tố cáo được thực hiện trong thời gian người đó là cán bộ, công chức nhưng đến thời điểm tố cáo thì không còn là cán bộ, công chức, viên chức trong đó có thể là người đó đã nghỉ hưu. Về nguyên tắc trong luật vẫn xử lý. Quy định này phù hợp với thực tiễn hiện nay là Đảng, Nhà nước đã chủ trương và xử lý trong thực tế nhiều trường hợp, bao gồm cả cán bộ công chức có chức vụ cao, có vi phạm pháp luật trong thời gian đương chức, nay được phát hiện thì vẫn xử lý.

Phương Thuỷ
.
.
.