Băn khoăn phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Thứ Năm, 02/11/2023, 14:50

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, hai phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm và Chính phủ chưa thể hiện rõ quan điểm về phương án lựa chọn. Hơn nữa, khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu mà lấy bảo hiểm một lần (tức là đang trẻ, còn sức khỏe làm việc, tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà lại lấy của tuổi già để chi tiêu) dù với lý do gì, đều trái với mục đích, tính chất của chế độ bảo hiểm hưu trí.

Chiều 2/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).

Công dân 75 tuổi không có lương hưu, trợ cấp sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Đào Ngọc Dung trình bày cho biết, mục tiêu xây dựng luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn và mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Dự thảo luật bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Băn khoăn phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần -0
Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung.

"Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc và tự nguyện)", ông thông tin.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh bày tỏ nhất trí vì đây là một trong những giải pháp góp phần mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng, không chỉ dựa trên cơ sở đóng góp của cá nhân mà còn dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước (phi đóng góp) nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân.

Bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc

Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Băn khoăn phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh.

Ủy ban Xã hội đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ. "Tuy nhiên, đây không phải là "chìa khóa" duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH đã được Nghị quyết số 28 đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp" - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu.

Uỷ ban này đề nghị giải trình việc mở rộng đối tượng người lao động là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; việc xác định người sử dụng lao động, đánh giá tác động chính sách...

Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm

Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, Điều 64 dự thảo luật sửa đổi theo hướng, quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục, hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn, dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Băn khoăn phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần -0
Toàn cảnh hội trường.

Uỷ ban Xã hội cơ bản đồng tình, song đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của BHXH, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi luật lần này? Liệu có tạo điều kiện cho người lao động nhiều lần "rút bảo hiểm một lần" không?

Bảo đảm quyền lợi lâu dài của người lao động, hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng

Về quy định hưởng BHXH một lần, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án. Về vấn đề này, có nhiều loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất lựa chọn Phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực. Loại ý kiến thứ hai lựa chọn Phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Loại ý kiến thứ ba chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, Chính phủ chưa thể hiện rõ quan điểm về phương án lựa chọn. "Hơn nữa, khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu mà lấy bảo hiểm một lần (tức là đang trẻ, còn sức khỏe làm việc, tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà lại lấy của tuổi già để chi tiêu) dù với lý do gì, đều trái với mục đích, tính chất của chế độ bảo hiểm hưu trí", bà phân tích.

Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp, đặc biệt là quy định về BHXH một lần.

Tiếp tục rà soát, cân nhắc tính toán thêm các lựa chọn, làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH. Đề nghị cân nhắc để nghiên cứu quy định rõ ràng hơn để bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động...

Quỳnh Vinh
.
.
.