An ninh Quốc gia phải được bảo vệ tuyệt đối

Thứ Hai, 10/01/2022, 15:56

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hận (Bạc Liêu) đề nghị cần quản lý chặt chẽ việc kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng để phòng ngừa hậu quả.

Ngày 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

An ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu

Vấn đề bổ sung hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm thảo luận.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung quy định có điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Luật An ninh mạng, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3, chưa đưa ngành, nghề kinh doanh có điều kiện này vào Phụ lục 4 của Luật Đầu tư vì sửa đổi nội dung này hiện nay chưa mang tính cấp thiết lắm.

An ninh mạng được sử dụng như một loại vũ khí để kích động bạo loạn, lật đổ -0
ĐBQH Nguyễn Minh Đức.

Tranh luận về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Tờ trình của Chính phủ hoàn toàn cấp thiết cả về thực tiễn. Bởi vì trong 3 năm qua đã có hơn 150 cuộc tấn công mạng mà cơ quan chức năng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã truy nguyên được, chủ yếu xuất phát từ các sản phẩm mà hiện nay đang lẫn lộn giữa vấn đề an toàn thông tin cũng như an ninh mạng. Cho nên An ninh Quốc gia phải được đặt lên hàng đầu, phải được bảo vệ tuyệt đối.

"Nếu không bổ sung thì tôi thấy rằng, trong một tích tắc, trong những thời gian rất ngắn có thể gây ra những hậu quả rất lớn đối với An ninh Quốc gia. Việc sửa đổi, bổ sung vào trong luật này là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp cũng như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Đầu tư nên không có gì là trái pháp luật", đại biểu nhấn mạnh.

Theo ĐBQH Vũ Huy Khánh (Bình Dương), việc bổ sung hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư là hoàn toàn cấp thiết, bởi vì thách thức an ninh mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, lợi ích quốc gia.

Nhận thức rõ nguy cơ đó, tại Nghị quyết số 30 ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ An ninh Quốc gia trên không gian mạng đã xác định cần phải xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về an ninh mạng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh mạng.

An ninh mạng được sử dụng như một loại vũ khí để kích động bạo loạn, lật đổ -0
Đại biểu Vũ Huy Khánh.

"Luật An ninh mạng năm 2018 đã và đang phát huy tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm phạm An ninh Quốc gia trên không gian mạng. Tuy nhiên, để bảo đảm sự đồng bộ cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này thì cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật có liên quan. Theo kết quả rà soát của Chính phủ thì còn thiếu cơ chế để quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ sản phẩm an ninh mạng độc lập mà theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng hay pháp luật về cơ yếu không thể thay thế được, đó là các dịch vụ như: kiểm tra, giám sát an ninh mạng, tư vấn an ninh mạng, thử nghiệm, bảo trì sản phẩm an ninh mạng...", đại biểu Vũ Huy Khánh phân tích.

Ông cũng khẳng định, việc bổ sung hoạt động kinh doanh sản phẩm này nhằm kịp thời giải quyết yêu cầu của thực tiễn, công nhận về mặt pháp lý đối với sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng đã và đang được sản xuất, kinh doanh, để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa thúc đẩy khuyến khích các doanh nghiệp an ninh mạng tham gia thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh mạng

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Văn Hận (Bạc Liêu) lo ngại hiện nay an ninh mạng là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, thậm chí được sử dụng như một loại vũ khí ở Trung Đông, Bắc Phi để kích động bạo loạn, lật đổ. Các nước trên thế giới đều đã tăng cường đầu tư, thay đổi chính sách, không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh mạng.

"Việc kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng chưa được quản lý chặt, thiếu định hướng và thiếu kiểm soát nên đã phát hiện hàng trăm lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng ngay tại các cơ quan các cấp và việc xâm phạm thông tin đời tư cá nhân, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Mà các sản phẩm, dịch vụ này không có nguồn gốc rõ ràng, thiếu các quy định quản lý, kiểm tra, thẩm định", đại biểu nêu.

Ở góc độ căn cứ pháp lý và Tờ trình số 573 của Chính phủ về việc không trùng giẫm với các sản phẩm, dịch vụ khác đã được quy định, ĐBQH Nguyễn Văn Hận bày tỏ lo ngại, nếu không kịp thời bổ sung, điều chỉnh ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục 4 của Luật Đầu tư sẽ là kẽ hở về pháp lý, gặp khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.

An ninh mạng được sử dụng như một loại vũ khí để kích động bạo loạn, lật đổ -0
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Giải trình thêm tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long viện dẫn cơ sở chính trị và pháp lý ở đây là Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về vấn đề an ninh mạng và Luật An ninh mạng, cũng như các văn bản có liên quan. "Thêm nữa là không cần phải sửa Luật An ninh mạng, chúng ta chỉ cần đưa 1 điều về kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục 4 của Luật Đầu tư là đã xử lý được vấn đề. Ngoài ra, kể cả sửa Luật An ninh mạng mà không bổ sung vào phụ lục 4 của Luật Đầu tư thì cũng không thực hiện được" - Bộ trưởng Bộ Tư pháp lý giải.

Qua rà soát Phụ lục 4, có 227 ngành, nghề kinh doanh mà không phải tất cả các ngành, nghề này trong pháp luật đều đưa khái niệm chuyên ngành vào. "Bộ Công an cũng đã có giải trình và tôi thấy là phù hợp, bây giờ rất nhiều sản phẩm và dịch vụ liên quan đến an ninh mạng chúng ta phải quản lý, cần phải có cơ sở pháp lý để quản lý các sản phẩm và dịch vụ này", Bộ trưởng Lê Thành Long nói và ví dụ những thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, chế áp thông tin, truy nguồn, hoặc là các dịch vụ về giám sát...

Cuối cùng, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ Công an có cam kết có thể bóc tách được những phần ĐBQH lo là có trùng lặp về an ninh mạng giữa 3 luật khác nhau, là Luật Cơ yếu, Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng.

Với tinh thần như vậy, Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét và chấp thuận đưa hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Quỳnh Vinh
.
.
.