Đi tìm "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam

Thứ Hai, 01/03/2021, 07:27
Cựu tiền vệ Nguyễn Minh Phương cho rằng thế hệ đội tuyển Việt Nam, hiện nay còn xuất sắc hơn “thế hệ vàng năm 2008” của anh. Nhưng thực tế có thể sẽ cho thấy một sự thật khác hoàn toàn. Để vươn tới “đẳng cấp” của đàn anh, thế hệ Quang Hải, Công Phượng còn mất nhiều năm phấn đấu.

"Thế hệ vàng" thực sự?

Năm 2008, Việt Nam sở hữu một "thế hệ vàng" đúng nghĩa. Đội tuyển của chúng ta dưới sự dẫn dắt của HLV Henrique Calisto đã đi thẳng đến ngôi vô địch AFF Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Đó là chiến thắng rất thuyết phục, bởi lẽ tuyển Việt Nam đã trực tiếp đánh bại “ông kẹ” của bóng đá Đông Nam Á - Thái Lan để lên ngôi.

Mười năm sau, một thế hệ vàng khác ra đời, bắt đầu bằng chiến công vào chung kết giải U23 châu Á 2018 - giải đấu tầm cỡ châu lục. Cùng với HLV Park Hang-seo, đội U23 và tuyển Việt Nam thắng như chẻ tre ở đấu trường khu vực Đông Nam Á. 

Chúng ta vô địch cả AFF Cup 2018 và giành luôn chiếc huy chương vàng SEA Games 2019. Lúc này, tuyển Việt Nam không còn chút gì e dè trước Thái Lan cũng như các đối thủ khác.

Thành công ở Đông Nam Á trở thành chuyện… bình thường với người hâm mộ, và tâm thế của đội tuyển đã được đẩy lên tầm châu lục với việc lọt vào tứ kết Asian Cup, vào bán kết ASIAD và đang dẫn đầu bảng G vòng loại World Cup 2022 giai đoạn hai.

Cũng vì đội tuyển Việt Nam hiện tại quá thành công, giới mộ điệu đã nổ ra tranh cãi, liệu lứa cầu thủ này có thực sự hay hơn, xuất sắc hơn lứa đàn anh cách đây 10 năm hay không?

Bản thân người trong cuộc - cựu tiền vệ Nguyễn Minh Phương thừa nhận đội tuyển hiện tại hay hơn, bản lĩnh hơn. Tuy nhiên, điểm mấu chốt mà tiền vệ này nhắc đến là sự gắn kết. Bóng đá Việt Nam đã may mắn khi tìm được một lứa cầu thủ đồng đều, vị trí nào cũng có “người tốt”. Họ được thi đấu cùng nhau từ đội trẻ đến đội tuyển quốc gia, cùng nhau chinh phục hết giải đấu này đến giải đấu khác. Sự gắn kết đó chính là điều mà lứa cầu thủ năm 2008 trước đây không có.

Vì nhiều lý do khác nhau, HLV Henrique Calisto buộc phải sử dụng đội hình kết hợp nhiều cựu binh với một số ít tài năng trẻ. Khoảng vênh giữa đội hình tuyển Việt Nam năm 2008 và 2018 vì thế rất lớn, không cùng hệ quy chiếu để có thể so sánh một cách rõ ràng. Nhưng có một điểm chắc chắn, thế hệ cầu thủ hiện nay vẫn còn nhiều việc phải làm để vượt qua những cái bóng của đàn anh - không chỉ là các ngôi sao 10 năm trước, mà cả những huyền thoại, tượng đài của bóng đá Việt Nam như Huỳnh Đức, Hồng Sơn.

Cần sự trải nghiệm

Có rất nhiều điểm mà thế hệ Quang Hải, Công Phượng hiện nay còn thua xa đàn anh. Quang Hải cùng nhiều đồng đội khoác áo CLB được xem là mạnh nhất V-League những năm gần đây - Hà Nội, nhưng tất cả đều chưa từng được nếm trải cảm giác thi đấu ở AFC Champions League. Những Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng thậm chí phải lo đua trụ hạng năm này qua năm khác.

Năm 2019, CLB Hà Nội gây tiếng vang khi lọt vào chung kết liên khu vực AFC Cup, nhưng dừng bước trước 4.25 SC. Nghe thì hoành tráng, nhưng thực tế thành tích này cũng chỉ tương đương với việc Bình Dương vào bán kết AFC Cup năm 2009. Chiến công của Bình Dương thậm chí ấn tượng hơn, khi họ vượt qua đại diện của Thái Lan, Chonburi do HLV Kiatisak lừng danh dẫn dắt và chỉ dừng bước trước nhà vô địch của Syria, Al Karamah.

Thế hệ cầu thủ ngôi sao Việt Nam trước đây cũng mạnh dạn và chủ động xuất ngoại hơn bây giờ. Nghe giống như nghịch lý, nhưng đây lại là sự thật. Khi còn đỉnh cao, Hồng Sơn đã được liên hệ với các CLB châu Âu, nhưng anh không thể ra đi vì cơ chế của đội bóng. Tiền vệ tài hoa này cũng không ít lần xuất hiện với các siêu sao thế giới, quảng cáo cho các thương hiệu khổng lồ - điều mà chưa cầu thủ nào hiện nay làm được. 

Cùng thời với anh, Huỳnh Đức cũng từng khoác áo CLB Trung Quốc, Lifan Trùng Khánh. Trong 4 tháng thi đấu ở giải VĐQG Trung Quốc, Huỳnh Đức chủ yếu phải ngồi dự bị, nhưng anh cũng kịp ghi 4 bàn thắng và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả nước bạn. Nên nhớ ở thời điểm Huỳnh Đức đến Lifan (năm 2001), bóng đá Trung Quốc vẫn còn rất mạnh và có cả vé dự World Cup 2002.

Sau thời Huỳnh Đức, trung vệ Lương Trung Tuấn và tiền đạo Nguyễn Việt Thắng cũng lần lượt xuất ngoại. Cho dù lý do xuất ngoại là bất đắc dĩ, nhưng bộ đôi tuyển thủ này cũng gây tiếng vang lớn.

Năm 2005, Lương Trung Tuấn gia nhập đội Quân Cảng Thái Lan, tiền thân của Port FC hiện tại. Với tài năng vốn có, cựu trung vệ này nhanh chóng hòa nhập và chiếm luôn vị trí đá chính ở đội Quân Cảng. 

Sau 6 tháng, anh trở về Việt Nam trong sự tiếc nuối của CLB Thái Lan. Cùng thời điểm đó, Việt Thắng nhờ cậy HLV Henrique Calisto để sang Porto B ăn tập, thi đấu. Có thể nói, anh chính là cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang châu Âu chứ không phải Lê Công Vinh sau này.

Năm 2008, đến lượt tiền vệ Nguyễn Hữu Thắng được môi giới Mae Mua giới thiệu sang CLB Mỹ, LA Galaxy thử việc. Hữu Thắng gây ấn tượng tốt trong 6 tuần thử việc ở đây, nhưng đen đủi dính chấn thương nên không được ký hợp đồng. 

Trong khi đó, lứa cầu thủ hiện tại đang tạo ra cảm giác thụ động, không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Tất cả các thương vụ xuất ngoại lúc này, từ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay Văn Hậu đều không để lại dấu ấn về chuyên môn và mang tính chất thương mại rõ ràng. 

Các ngôi sao này thậm chí không cho thấy sự tiến bộ sau thời gian dài đi “du học”. Nói như vậy không có nghĩa là chê “thế hệ vàng” hiện tại của bóng đá Việt Nam. Ngược lại, thế hệ này vẫn còn tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa nếu có đầy đủ trải nghiệm như các thế hệ đàn anh.

Bóng đá Việt Nam chỉ mang danh chuyên nghiệp

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, bóng đá Việt Nam chỉ mang danh chuyên nghiệp mà không có sự chuyên nghiệp thực sự. HLV Hoàng Anh Tuấn nổi tiếng với chiến tích đưa U19 Việt Nam giành vé dự U20 World Cup 2017, nhưng ông mất việc sau đó hai năm vì lứa trẻ kế cận thiếu tài năng.

Nói về sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam mà cụ thể là V-League để thấy mọi chuyện vẫn như xưa. Thế hệ cầu thủ hiện nay thậm chí còn thiệt thòi hơn thời Minh Phương, khi mà hầu hết các CLB V-League đều yếu về tài chính, nhiều CLB chung nhà tài trợ, dẫn đến môi trường cạnh tranh không đủ mạnh. Cơ hội cho các cầu thủ nâng tầm bản thân cũng phụ thuộc vào các ông bầu hơn là tài năng của chính họ.

Đơn Ca
.
.
.