Ai phản biện thuyền trưởng ĐTQG?

Chủ Nhật, 18/10/2015, 08:11
Khoan bàn tới việc HLV trưởng ĐTVN Toshiya Miura giỏi hay không, và có thật sự phù hợp với bóng đá Việt Nam hay không, điều đáng bàn là từ thời Riedl, Calisto đến Miura, người ta không nhìn thấy một cơ chế phản biện HLV trưởng ĐTQG một cách thông minh và đúng. Và có lẽ đấy mới là điểm chết của chúng ta.

Nhìn lại 16 tháng tại vị của ông Miura, dễ thấy có những điều ông làm được, có những điều chưa làm được, và đặc biệt là có những điều rất... gây tranh cãi. Trong những cuộc trò chuyện, tâm sự với chúng tôi, phần lớn các tuyển thủ Việt Nam đều ca ngợi ông Miura là một mẫu thầy đàng hoàng, công tâm, và đặc biệt giỏi trong việc quản lý một tập thể - một đội bóng. Nhưng cũng chính không ít cầu thủ lại cho biết họ rất "khó đá" với những thay đổi xoành xoạch của nhà cầm quân này.

Ông Miura tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Ảnh H.M.

Ví dụ, xét về mặt tư tưởng, hồi mới đến Việt Nam Miura rất ưa chuộng bóng đá tấn công, và luôn khuyến khích cả một tập thể lao lên phía trước, nhưng cùng với thời gian, ông lại chuyển qua tư tưởng phòng ngự, thậm chí có những lúc là tử thủ một cách cứng nhắc và bị động. Xét về mặt lối chơi, có những trận đấu, Miura "ép" các cầu thủ phải đá bóng dài, bóng bổng liên tục, ví dụ rõ nhất là trận "ăn rùa" Đài Loan (Trung Quốc) 2-1, và đến trận sau đó với Iraq (hoà 1-1) toàn đội mới được quay về chơi bóng ngắn, bóng nhỏ sở trường. Nhưng nếu ở trận gặp Iraq sơ đồ 4-4-2 với những đường phản công bóng ngắn đang phát huy tác dụng thì đến trận gặp Thái Lan sau đó 5 ngày, cả đội lại chuyển qua đá 3-5-2 với những thay đổi lớn về nhân sự.

Theo đánh giá của các chuyên gia lão làng của bóng đá Việt Nam như Lê Thuỵ Hải, Mai Đức Chung, Vũ Quang Bảo thì: thứ nhất, cầu thủ Việt Nam không phù hợp với lối chơi bóng dài bóng bổng; thứ hai, cầu thủ Việt Nam cũng chưa đủ trình độ để chỉ trong 4-5 ngày đã phải đá với những lối đá, những vận động chiến thuật hoàn toàn khác nhau. Câu hỏi đặt ra, trong ngôi nhà VFF hiện nay, có ai nhìn ra những vấn đề này, và dám phản biện một cách tích cực, trên tinh thần đóng góp, xây dựng với HLV trưởng ĐT hay không?

Về mặt lý thuyết, VFF có một Hội đồng HLV Quốc gia với ông chủ tịch (mới rút lui) cũng đồng thời là Phó chủ tịch chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn. Và nếu hoạt động một cách đúng nghĩa thì Hội đồng HLV Quốc gia sẽ phải thực hiện công việc tham mưu, phản biện này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi nhận được những góp ý từ chính một bộ phận các cầu thủ, ông Trần Quốc Tuấn cũng đã có những góp ý nhất định với ông Miura, và từ đấy ông Miura mới chuyển lối chơi bóng dài bóng bổng qua lối chơi bóng nhỏ, bóng ngắn. Nhưng những góp ý kiểu này thường chỉ diễn ra trên phương diện quan hệ cá nhân, và diễn ra một cách thi thoảng, đột xuất, chứ không thường xuyên, liên tục.

Nhìn lại các đời thầy Riedl, Calisto trước đây cũng sẽ thấy chưa bao giờ chúng ta xây dựng được một cơ chế phản biện thông minh và đúng với các ông HLV trưởng ĐT. Trừ khi HLV trưởng ĐT là người Việt Nam - những người dễ nghe, dễ bảo thì về cơ bản các ông thầy ngoại đều hoàn toàn chủ động lái đội tuyển theo cách của mình, và khi ấy nếu triết lý, phương pháp của thầy ngoại phù hợp thì chúng ta thành công, còn nếu không phù hợp thì thất bại.

Thật ra đòi hỏi ngay từ đầu phải thuê một ông HLV ngoại thật chuẩn, thật phù hợp là rất khó. Vậy nên trong quá trình thầy ngoại tìm hiểu bóng đá Việt Nam rồi hành nghề ở các ĐTVN, từ ĐTQG đến ĐT U.23 QG, công tác tham mưu, góp ý, phản biện tích cực cho thầy ngoại là điều cực kỳ cần thiết.

Chắc chắn VFF phải cải tổ lại Hội đồng HLV Quốc gia, và làm sao để Hội đồng này hoạt động một cách hiệu quả, thực chất, giúp cho công việc này được thực hiện thường xuyên trong thời gian tới, bất chấp việc người cầm lái ĐT vẫn là Miura hay một ông A, B, C... nào khác.

Diệp Xưa
.
.
.