Trọng tài ngoại chữa bệnh niềm tin

Thứ Năm, 25/08/2016, 08:14
Ba trọng tài ngoại điều khiển các trận đấu vừa qua đều giúp cho những cuộc chơi vốn được dự đoán là căng thẳng, khốc liệt sau đó đi đến nơi về đến chốn. Ba ông vua ngoại thực sự giỏi hơn vua nội hay còn vì những góc khuất, những lý do nào khác?



Trong số 3 trọng tài ngoại điều khiển các trận Hoàng Anh Gia Lai - Đồng Tâm. Long An (được đánh giá là "chung kết ngược"), Hải Phòng - HN.T&T, Hải Phòng - FLC Thanh Hoá (được đánh giá là "những trận cầu 6 điểm"), kể ra cũng có những phàn nàn nhất định về tiếng còi của trọng tài Nhật Bản Okabe.

Cụ thể, sau trận Hải Phòng - Thanh Hoá, HLV Hoàng Thanh Tùng của Thanh Hoá cho rằng, tình huống trọng tài Okabe thổi Penalty là không chính xác. Tuy nhiên có hai điều cần mổ xẻ trong câu chuyện này.

Một, HLV Hoàng Thanh Tùng chỉ bày tỏ quan điểm của mình một cách nhẹ nhàng trong phòng họp báo, chứ không lao vào sân phản ứng - điều rất hay xảy ra nếu trọng tài là người Việt Nam. 

Và thứ hai, sau trận, khi xem lại băng ghi hình thì BHL Thanh Hoá cũng đã thay đổi ý kiến, vì trong tình huống dẫn tới quyết định Penalty này, đúng là bóng đã chạm tay Bật Hiếu. Và như thế, theo Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi, cả 3/3 trọng tài ngoại được mời (trong đó vị trọng tài người Malaysia điều khiển trận Hải Phòng - HN.T&T mới chỉ 26 tuổi) đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Những vị "vua" ngoại sẽ tiếp tục xuất hiện ở những vòng V.League tới đây. Ảnh: H.M

Ông Mùi lý giải hiện sự khác biệt chuyên môn giữa trọng tài nội và trọng tài ngoại là không quá lớn. Điều quan trọng là trọng tài ngoại khi điều khiển V.League không nghe được tiếng Việt, và vì thế các cầu thủ Việt cũng không thể sấn sổ lao tới tranh cãi, tạo áp lực lên trọng tài nhằm đạt được những quyết định có lợi cho mình.

Vẫn theo ông Mùi thì cũng nhờ chính đặc điểm này mà khi ra nước ngoài hành nghề, trọng tài Việt Nam cũng có thể làm nghề một cách thanh thoát hơn. Hẳn nhiên ở thời buổi bây giờ, giới trọng tài - cầu thủ, rất nhiều người biết và giỏi tiếng Anh, nhưng nói gì thì nói tranh cãi qua ngôn ngữ thứ ba cũng khó và bất tiện hơn so với ngôn ngữ bản địa của mình.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, câu chuyện ở đây không chỉ nằm ở phương diện ngôn ngữ. Ai cũng biết nhiều năm V.League đã qua, nhiều trọng tài hoặc đã bị xử công khai, hoặc bị xử âm thầm vì những sai lầm chết người, rất khó tin của mình. Như ở lượt đi mùa giải này, trọng tài Hà Anh Chiến từng biến một pha bóng bình thường thành một pha phạm lỗi trong vòng cấm của hậu vệ Sông Lam Nghệ An, từ đó "ép" Sông Lam phải nhận một quả 11m oan uổng trên sân Thanh Hoá.

Ở đây, không đủ bằng chứng kết luận xem trọng tài Hà Anh Chiến có mắc phải những vấn đề tế nhị về tinh thần, tư tưởng hay không, nhưng với thực trạng trọng tài như vậy, khi chưa vào cuộc, các đội bóng đã mang sẵn tâm lý hoài nghi, ngờ vực với "vua". Ở phía ngược lại, bản thân các "vua" cũng không ngừng rỉ tai nhau về những thứ bệnh đã trở thành mãn tính, di căn ở V.League qua gần 20 mùa qua: đó là bệnh đổ vấy lên trọng tài nhằm che đi bản chất thật, dối lừa nào đó. Từ đây, có thể nói, mối quan hệ giữa trọng tài Việt và các HLV, cầu thủ Việt luôn diễn ra trong cảnh mất niềm tin trầm trọng.

Trọng tài ngoại sang điều khiển V.League, xét cho cùng cũng chỉ để chữa bệnh niềm tin. Nhưng hết mùa này qua mùa khác, nếu cứ phải mời "bác sĩ ngoại" đến chữa niềm tin trong thân thể, ruột gan mình thì chắc chắn mọi thứ khó mà phát triển lành lặn, tử tế được.

Phải làm sao tạo ra những trọng tài nội đủ lì, đủ thép, đủ minh bạch để dần dần lấy lại vị thế đáng có và cần phải có của "vua" trong cuộc chơi bóng đá, đấy là câu chuyện mang tính chiến lược mà Ban Trọng tài Quốc gia lúc này cần nghĩ đến.

"Vua" nội bị hăm dọa?

Trong khi các trận đấu được điều khiển bởi trọng tài ngoại diễn ra xuôi chèo mát mái thì ở trận đấu Quảng Ninh - Cần Thơ, được điều khiển bởi "vua" nội Ngô Duy Lân lại xảy ra những chuyện rất phản cảm về văn hoá.

Theo tố cáo của ông Ngô Duy Lân thì trong trận đấu, hơn 2 lần ông nghe thấy trung vệ Chí Công (Cần Thơ) chửi thề rất tục, và khi trận đấu kết thúc thì ông thậm chí còn bị Chí Công doạ dẫm về tính mạng.

Từ đây Ban Kỷ luật VFF ra án phạt 15 triệu, treo 5 trận đối với cầu thủ vốn có nhiều tì vết về đá ẩu và phản ứng trọng tài này. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn một tờ báo, Chí Công cho biết sẽ viết đơn khiếu nại với lý do: "Những tố cáo ấy chỉ là một chiều, không bằng chứng". Bây giờ mà đòi hỏi tìm ra bằng chứng cho thấy Chí Công đã chửi thề, đe dọa trọng tài thì đúng là khó thật.

Ngọc Anh 

Diệp Xưa
.
.
.