Thiên tài cờ vua Bobby Fischer qua đời

Chủ Nhật, 20/01/2008, 17:23
Ngày 17/1, tại một bệnh viện tại Reykiavik (Iceland), Bobby Fischer, con người được coi là huyền thoại cờ vua thế giới, đã trút hơi thở cuối cùng.

Ông đã trải qua một cuộc đời nhiều vinh quang và cũng nhiều tình tiết ly kỳ. Sau khi đánh bại nhà vô địch thế giới Xôviết Boris Spassky năm 1972, Fischer đã tình nguyện từ bỏ vương miện và lao vào cuộc viễn du đầy bất trắc cho tới cuối đời mình.

Fischer sinh ra tại khu vực đông người Do Thái định cư ở Chicago ngày 9/3/1943. Cha ông là nhà vật lý sinh học người Đức, mẹ ông là một phụ nữ Do Thái tới từ Thụy Sĩ. Bobby được một người chị gái dạy chơi cờ vua.

Năm 14 tuổi, cậu bé lần đầu tiên giành được chiến thắng ở vòng thi đấu vô địch nước Mỹ. Sau đó một năm, Fischer trở thành đại kiện tướng cờ vua quốc tế trẻ nhất thế giới nhờ biết lao động cật lực cộng với tài năng thiên phú.

Năm 1958, Fischer đã buộc cả thế giới phải nhắc tới mình khi thi đấu rất xuất sắc trong đội hình đội tuyển Mỹ tại cuộc thi Olympic quốc tế được tổ chức tại Liên Xô. Ngay từ khi ấy, các chuyên gia đã tiên đoán cho Fischer một tương lai rạng rỡ trong cờ vua và gọi chàng trai là nhà vô địch của tương lai.

Dường như Fischer đã nắm chắc mọi lý thuyết để tiến tới mục đích này. Tuy nhiên, năm 19 tuổi, tham gia vòng tỉ thí của các ứng cử viên cho ngôi vô địch cờ vua, Fischer đã không giành được chiến thắng. Chính khi ấy, thiên tài cờ vua mới bắt đầu bộc lộ tính cách dữ dội khác người của mình. Anh không chịu công nhận sự thất bại của mình có thể do những lý do chủ quan mà đổ hết cho các điều kiện khách quan.

Fischer thậm chí còn tuyên bố sẽ không tham gia thi đấu nữa. Sau đó, quả thực Fischer đã im hơi lặng tiếng một thời gian. Tuy nhiên, tới cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Fischer lại bắt đầu tham gia thi đấu để giành ngôi vô địch cờ vua thế giới.

Trông bên ngoài Fischer có vẻ là một người bình thản, biết chờ đợi thời cơ và đặc biệt là biết im lặng. Đại kiện tướng người Mỹ này đã vượt qua được tất cả các vòng đấu loại, trong trận thi đấu mang tính quyết định đã đánh bại kỳ thủ Xôviết vĩ đại Tigran Petrosian và giành được quyền tỉ thí với Boris Spassky trong trận chung kết giành vương miện kỳ vương.

Trận đấu này diễn ra tại Raykiavich từ tháng 7 tới tháng 9/1972. Fischer làm tất cả phải kinh ngạc không chỉ bởi lối chơi tuyệt kỹ mà còn bởi những trò đồng bóng không ngừng mà thực ra, đã được sắp đặt kỹ lưỡng để làm mất tinh thần đối thủ. Fischer cảm thấy khó chịu với mọi thứ, từ ánh đèn bàn tới những khán giả ngồi xem. Cuối cùng Fischer đã giành được chiến thắng. Và được tung hô đủ kiểu.

Nhiều người trong làng cờ vua thế giới coi ông là người sáng lập ra môn cờ vua chuyên nghiệp. Thậm chí có dư luận còn cho rằng chỉ số thông minh (IQ) của Fischer sau trận thắng đó còn cao hơn của Albert Einstein. Tuy nhiên, thái độ hợm hĩnh ngày một quá đà của nhà vô địch mới đã khiến anh mất gần hết bạn bè.

Ba năm liền Fischer sống phóng túng chơi bời và tới năm 1975, đã bị mất danh hiệu vô địch cờ vua thế giới. Fischer đã đưa ra những đòi hỏi vô tiền khoáng hậu để đồng ý thi đấu cùng kỳ thủ Xôviết Anatoly Karpov. Hiệp hội Cờ vua thế giới (FIDE) đã không thể thỏa mãn được các yêu cầu phần nhiều vô lý đó. Thấy vậy, Fischer từ chối thi đấu với Karpov và sau đó, biến mất vô tăm tích.

Chỉ 20 năm sau khi đoạt được danh hiệu vô địch, Fischer mới đồng ý lại ngồi vào bàn thi đấu trước công chúng. Ông nhận lời tái hội ngộ với Boris Spassky tại Nam Tư. Động lực chính của quyết định này là số tiền thưởng cho người thắng cuộc lên tới 3,35 triệu USD. Thêm vào đó, ông muốn bộc lộ thái độ phê phán của mình đối với chính sách đối ngoại của Washington, lúc đó đang tiến hành chính sách thù địch đối với Nam Tư.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đe dọa sử dụng những biện pháp nghiêm khắc chống lại Fischer nếu ông tham gia trận đấu đó. Tuy nhiên, kỳ vương tỏ ra không sợ hãi. Ông đã giành được chiến thắng, nhận tiền và lại đi ở ẩn.

Từ đó tới nay, thỉnh thoảng Fischer lại xuất hiện với những tuyên bố trái khoáy động giời rồi lại biến mất. Chính quyền Mỹ đã tiến hành truy đuổi Fischer và nhà cựu vô địch phải lẩn trốn ở nhiều nơi. Nơi định cư cuối cùng của ông là Reykjavik. Và ông đã chết ở đây

Minh Tự
.
.
.