Thấy gì từ việc VPF tìm nhà tài trợ mới cho V.League 2020?
Trước thềm mùa giải 2019, VPF đã chính thức ký kết với Masan về việc đơn vị này sẽ tài trợ cho V.League trong thời gian dài 5 năm. Được biết, số tiền mà giải đấu nhận được trong 1 mùa khoảng trên 40 tỉ đồng và có luỹ tiến theo từng năm. Đó là thời điểm mà nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh V.League sẽ thoát khỏi cảnh “ăn đong” theo từng mùa giải.
Tuy nhiên, trước mùa giải 2020 thì Masan và VPF đã không tìm được tiếng nói chung khi ngồi lại đàm phán cho mùa giải kế tiếp. Nên nhớ rằng, hợp đồng giữa VPF và Masan dù được công bố kéo dài 5 năm nhưng có điều khoản là đàm phán theo từng mùa giải để đi đến quyết định có tiếp tục ký tiếp. Đây là điều từng diễn ra với Nutifood sau khi kết thúc mùa giải 2018.
Cuối cùng, VPF đã chọn Tập đoàn LS là đơn vị tài trợ chính thức cho cả V.League và hạng Nhất ở mùa giải 2020. Đây là đơn vị từng tham gia tài trợ cho giải hạng Nhất 2019. Giá trị hợp đồng mới có thời hạn 1 năm và tăng hơn so với mùa giải 2020. Đây được xem là cú hích lớn của VPF trước thềm mùa giải mới.
Khi thông tin LS sẽ trở thành nhà tài trợ chính cho cả V.League và hạng Nhất 2020, nhiều người đã đặt nghi vấn rằng: Đây là tập đoàn cung cấp thiết bị điện cho nhà phân phối chính thức ở Việt Nam là Công ty Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc do ông Trần Anh Tú làm chủ. Việc này đặt ra một câu hỏi rằng, phải chăng một lần nữa ông Tú lại phải mang tiền nhà ra để “chữa cháy” trong bối cảnh V.League thiếu nhà tài trợ?
Nhưng thực tế chỉ ra, chính hiệu quả từ giải hạng Nhất 2019 đã khiến LS tiếp tục đồng hành với VPF tại V.League 2020. Nên nhớ rằng, chính Masan vẫn bày tỏ mong muốn tiếp tục được tài trợ cho giải đấu số 1 quốc gia. Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, cách tiếp cận của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài khi tài trợ cho giải đấu có những quan điểm khác nhau, vì thế mà VPF đã chọn đối tác phù hợp nhất.
V.League 2020 có nhà tài trợ mới. Ảnh: H.Đ. |
Ông Trần Anh Tú – Chủ tịch VPF cho biết: “Trước khi ký hợp đồng với nhà tài trợ mới, chúng tôi đã có thời gian khá dài đàm phán với đơn vị cũ. Nhưng do không thống nhất được một số điều khoản, đôi bên quyết định dừng hợp tác nhưng vẫn để ngỏ cơ hội trong tương lai. Sau đó phía đối tác Hàn Quốc đã đề nghị và đôi bên đạt được thoả thuận”.
Tại lễ ký kết giữa VPF và LS diễn ra ngày 6-2, đại diện LS đã nói rằng, lý do khiến đơn vị này đồng hành với cả V.League và hạng Nhất mùa giải 2020 là vì họ coi thị trường Việt Nam rất quan trọng. LS muốn thông qua giải đấu nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu hơn nữa. Cái mà tập đoàn Hàn Quốc hướng đến là giá trị thương hiệu chứ không phải hiệu quả bán hàng cụ thể thông qua giải đấu. Đây là quan điểm khác với cách thức tiếp cận của nhiều doanh nghiệp tham gia tài trợ cho các giải đấu thể thao quốc gia.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn LS Ahn Won Hyung còn cho rằng: “HLV Park Hang-seo đang cùng bóng đá Việt Nam trải qua thời kỳ hoàng kim. Tuy nhiên, để bóng đá Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới cần thêm nhiều đóng góp hơn nữa, mà nền tảng chính nằm ở giải vô địch quốc gia. Chúng tôi muốn thông qua việc tài trợ cho V.League, hạng Nhất để đóng góp vào sự phát triển đó”.
Đã có những thời điểm trước mùa giải, VPF đứng trước nhiều sự lựa chọn khi có nhiều nhà tài trợ, thế nhưng thực chất lại không có nhiều mối “ngon” thực sự. Bởi chính cách mà các nhà tài trợ tiếp cận giải đấu với những mục đích thương mại nhiều hơn là thương hiệu. Những giá trị mà nhà tài trợ thu được ở V.League đôi khi được quy ra định lượng cụ thể là một trở ngại.
Dẫn ra một ví dụ cụ thể, khi các đội tuyển quốc gia tốt lên, VFF sẽ hưởng lợi trực tiếp khi có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Lẽ ra, các câu lạc bộ cũng phải có lợi từ hiệu ứng khán giả, V.League phải thu hút nhiều hơn tài trợ. Thế nhưng điều này không diễn ra như logic. Có thể chỉ ra trường hợp điển hình nhất là CLB Hà Nội, dù thành tích trong nước của họ là vô đối, thế nhưng phải từ năm 2018, họ mới thực sự có khán giả. Bởi chính hiệu ứng mà U23 Việt Nam tạo ra ở Thường Châu, sức hút từ những ngôi sao của đội bóng này đã kéo khán giả đến sân. Vấn đề nằm ở chỗ, từ các câu lạc bộ đến VPF đều chưa tạo thành một hệ thống bài bản trong việc thương mại hoá hình ảnh giải đấu.
Hy vọng, với sự hợp tác mới này, V.League sẽ từng bước được nâng tầm trong tương lai. Quan trọng là tiến tới thay đổi tư duy của các đối tác tài trợ cho một giải đấu thể thao tầm cỡ quốc gia.
V.League cần nhà tài trợ dài hạn V.League lên chuyên nghiệp từ mùa giải 2000-2001 đến nay đã 20 năm, gắn bó với 11 nhà tài trợ. Giai đoạn đầu, có những doanh nghiệp đã gắn bó dài hạn trong 3-4 mùa giải như PetroVietnam Gas (2007-2010), Eximbank (2011-2014) và Toyota (2015-2017), còn lại các thương hiệu lớn chỉ gắn tên và chỉ xuất hiện 1 mùa giải rồi “đường ai nấy đi”. Doanh thu năm 2019 của VPF đạt 109,87% tăng 9,87% so với năm 2018. Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF cho biết, trong năm 2020, đơn vị này cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Nguồn thu chính của VPF không chỉ nằm ở đơn vị tài trợ chính cho V.League, hạng Nhất mà còn cả những đơn vị tài trợ đồng hành lâu dài. Bên cạnh đó là doanh thu đến từ các hoạt động thương mại khác. H.H |