Số phận long đong sau giải nghệ

Thứ Tư, 26/04/2017, 08:11
Với nhiều VĐV, giải nghệ là thất nghiệp, giải nghệ là đi kèm chấn thương đau đớn thể xác nhưng phần lớn không được điều trị dứt điểm.

Giải nghệ là ra về tay không, mọi quyền lợi của một VĐV đều không có. Lãnh đạo ngành TDTT cũng phải chua chát thừa nhận, ở Việt Nam, VĐV không phải là một nghề.

Xoay trần đủ nghề...

Được mệnh danh “nữ hoàng judo” song Văn Ngọc Tú đã từng phải viết đơn cầu cứu tới Tổng cục TDTT sau những lùm xùm với đơn vị Gia Lai.

Điều này xảy ra ngay trước thềm SEA Games 27. Do đơn vị này chậm trễ làm thủ tục thanh lí hợp đồng nên Văn Ngọc Tú không ký được hợp đồng với đơn vị thể thao khác để được hưởng các chế độ đối với VĐV.

Hợp đồng giữa Văn Ngọc Tú và Gia Lai có hiệu lực từ ngày 1-6-2011 đến hết năm 2014. Tại đây, Tú được nhận mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng. Những tưởng cô gái sinh năm 1987 đã tìm được bến đỗ ổn định trong sự nghiệp thi đấu của mình nhưng chỉ được hơn 2 năm, phía Gia Lai bắt đầu chậm lương.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố bị ung thư phải xạ trị tốn kém, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của Tú, do vậy, Tú buộc phải chấm dứt hợp đồng với phía Gia Lai để tìm nơi khác ổn định hơn. Văn Ngọc Tú từng được coi là thế hệ vàng của thể thao Việt Nam khi sở hữu 5 tấm HCV SEA Games, HCĐ trẻ châu Á 2005, HCĐ châu Á 2011 và 3 HC vàng môn Kurash ở Asian Indoor Games 2009, Asian Indoor Martial Arts Games 2013 và Asian Beach Games 2014.

Cô gái này đã từng có 10 năm cống hiến cho Sóc Trăng, nhưng không được vào biên chế, trong khi chế độ đãi ngộ rất thấp. Hiện nay, Tú đã trở lại quê nhà Sóc Trăng để mở lớp dạy võ, vừa là để thỏa đam mê vừa là để mưu sinh.

Không chỉ Văn Ngọc Tú, nhiều VĐV tài năng, từng một thời tiếng tăm lẫy lừng cũng đang phải làm những công việc mưu sinh cực nhọc.

Nhà vô địch điền kinh SEA Games 22 Nguyễn Thị Nụ phải đi nhổ cỏ, chăm sân bóng; HLV bóng chuyền Vũ Thị Huệ phải đi quét rác; cựu tiền vệ Quách Thanh Mai (bóng đá nữ) phụ gia đình sửa chữa xe máy; cựu tuyển thủ Bùi Tuyết Mai đi bán mĩ phẩm; thủ thành nổi tiếng Kim Hồng (bóng đá nữ) cũng từng phải đi bán bánh mì…

Đô vật Lê Thị Huệ điều trị phục hồi chức năng sau chấn thương.

Bi kịch từ chấn thương

Tuổi nghề của VĐV thường rất ngắn. Sau khi giải nghệ, không ít VĐV mang theo mình chấn thương, không được điều trị phục hồi và không có chế độ gì hỗ trợ. Từng 2 lần đoạt vé tham dự Olympic, kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung hiện không thể thi đấu vì chấn thương sụn.

Với chấn thương này, nếu chữa trị tại Việt Nam, cơ hội phục hồi chỉ là 50-50. Nếu được phẫu thuật tại Singapore, khả năng phục hồi hoàn toàn là rất lớn, tuy nhiên chi phí cho ca phẫu thuật lên tới 600 triệu đồng.

Sau nhiều lần đề xuất nguyện vọng, cuối năm 2016, Lệ Dung đã có được quyết định đi phẫu thuật tại Singapore. Tuy nhiên, cho đến nay, quyết định đó vẫn chưa được thực hiện. 

Lê Thị Huệ từng là VĐV vật hàng đầu Việt Nam. Sau khi giành HCV giải vô địch quốc gia (2003), chị bị chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm trong một buổi tập đối kháng để chuẩn bị cho SEA Games.

Do bị dập tuỷ sống, chị bị liệt tứ chi, trở về quê nhà trên chiếc xe lăn. Kể từ đó đến nay, ngày qua ngày, chị vẫn phải chịu nỗi đau thể xác. Gia cảnh khó khăn, chị phải mở quán nước nhỏ trước nhà, buôn bán lặt vặt để có tiền sống qua ngày.

“Nữ hoàng karatedo” Vũ Thị Nguyệt Ánh từng làm rạng danh thể thao Việt Nam. Do tập luyện cường độ quá mạnh trong một thời gian dài, chị bị chấn thương khớp gối. Rất nhiều lần chị và HLV Lê Công gửi đơn đề nghị lên Tổng cục TDTT mong được chữa trị sớm nhưng liên tục bị trì hoãn.

Chị vật lộn với chấn thương trong suốt nhiều năm, cuối cùng được phẫu thuật tại Singapore nhờ sự giúp đỡ của nhiều đơn vị, cá nhân và một phần kinh phí của HLV Lê Công.

Theo ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, nền y học thể thao của Việt Nam còn non kém, do vậy, nhiều VĐV chữa trị rất lâu nhưng cũng không dứt điểm được chấn thương. 

Điển hình như lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn chấn thương 3-4 năm mà vẫn chưa phục hồi. Ngoài ra, với cơ chế hiện nay, không phải VĐV nào gặp chấn thương cũng được phẫu thuật do nguồn kinh phí không đủ.

"Bản thân tôi đã từng kí quyết định mổ chấn thương cho một VĐV cầu mây. VĐV này khi lên đội tuyển thì gặp chấn thương, được ban huấn luyện trả về địa phương. Lẽ dĩ nhiên, năm sau, VĐV này sẽ không được gọi lên, như thế sẽ không được mổ. Lúc ấy, tôi phải kí quyết định để cho VĐV ấy được mổ mặc dù VĐV này không còn ở trên đội tuyển. Điều này về luật thì sai, nhưng về tình là hợp lí. Chi phí cho ca mổ lên tới hơn 60 triệu, nếu ở nhà thì VĐV đó không thể có tiền để phẫu thuật" – ông Hổ kể lại.

Khánh Vy
.
.
.