Quần vợt Việt Nam vẫn trong sạch
Nếu thông tin trên chính xác thì suốt một thập niên qua, có đến 16 tay vợt từng nằm trong tốp 50 thế giới đã tham gia dàn xếp tỷ số. Hiệp hội quần vợt nhà nghề (ATP) đã nghi ngờ về nạn dàn xếp tỷ số ở quần vợt từ năm 2007, bắt nguồn từ việc có nhiều hoạt động cá cược đáng ngờ xoay quanh trận đấu giữa Nikolay Davydenko (người Nga, từng đứng hạng ba thế giới) và Vassallo Arguello (người Argentina) ở giải quần vợt Sopot (Ba Lan) tháng 8-2007. Quần vợt Việt Nam chưa một lần có trường hợp nào “dính chàm” nhưng nghi án thì từng có.
Nghi án vẫn chỉ là nghi án
Trưởng bộ môn quần vợt (Tổng cục TDTT) – ông Đoàn Quốc Cường, chia sẻ rằng có một số giải quần vợt thuộc hệ thống thi đấu quốc gia từng có nghi án dàn xếp tỉ số. Tuy vậy, tất cả vẫn chỉ là nghi án. “Phải có chứng cứ xác thực thì mới có kết luận còn không từ con mắt chuyên môn chỉ là nhận định phần nào”, ông Cường cho biết.
Làng quần vợt Việt Nam, chỉ tính riêng các giải quốc nội, trong một năm, các giải được tổ chức không dưới 10 giải lớn nhỏ. Đặc thù của quần vợt là những đơn vị mạnh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quân đội luôn đứng đầu đồng thời một số VĐV từng khoác áo đơn vị này khi không còn ở cơ quan chủ quản cũ đã gia nhập nơi quản lý mới. Do vậy, ông Cường phân tích, trong một số giải, VĐV là những đồng đội cũ gặp nhau nên khó tránh tình trạng “hòa hiếu” không quá ăn thua. Quần vợt là môn thể thao được nhiều người quan tâm. Nếu bóng đá từng phanh phui nhiều nghi án bán độ và cầu thủ phải ra tòa lĩnh các mức án tù khác nhau, quần vợt chưa dính chuyện đó.
Theo một số HLV trong làng quần vợt Việt Nam, môn này giống nhiều môn đề cao thành tích qua đối kháng nên tính ăn, thua trong thi đấu rất cao. Vì vậy, nếu không quản lý tốt VĐV, HLV thì khoảng cách từ thi đấu đơn thuần chuyên môn tới cá độ ngầm rất ngắn. Mặc dù vậy, một số đơn vị đang nỗ lực không để cá độ hoặc dàn xếp tỉ số trong thi đấu quần vợt len lỏi vào tư tưởng VĐV. Như ông Cường phân tích “liên đoàn quần vợt có ban kiểm tra kỷ luật là bộ phận kiểm tra công tác thi đấu và kỷ luật của VĐV.
Vai trò của ban này rất quan trọng để kiểm tra sự minh bạch của VĐV, HLV nên ít nhiều có tính răn đe nên các tay vợt không dính chàm trong thi đấu”. Tuy nhiên, do không có một văn bản chính thức hay trường hợp nào cụ thể về dàn xếp tỉ số, nhà quản lý quần vợt chỉ khẳng định ở tính ước chừng chứ không cam kết 100% không có tiêu cực.
Lý Hoàng Nam đang được xem là VĐV tiêu biểu trong chuyên nghiệp thi đấu, tập luyện. |
VĐV trẻ chứng minh được bản thân
Ông Cường chia sẻ hiện tại quần vợt nam nữ Việt Nam có các VĐV chuyên môn tốt như Lý Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Thiên, Trịnh Linh Giang, Phạm Minh Tuấn, Tâm Hảo, Đài Trang, Bội Ngọc…
“Các cháu đang có triển vọng chuyên môn tốt nên tôi khẳng định tất cả thi đấu vì màu cờ sắc áo và thương hiệu, chuyên môn bản thân, hoàn toàn không có nghi án bán độ hay dàn xếp tỉ số nào” – ông Cường cho biết. Đó là điều mừng. Rất lâu rồi, quần vợt Việt Nam mới được chú ý nhiều như lúc này. Chúng ta thấy rằng, VĐV phát triển hơn, tiếp cận sự chuyên nghiệp qua nhiều giải quốc tế và qua tập huấn nước ngoài nên họ ý thức phải phát triển chuyên môn. Bộ môn quần vợt (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn quần vợt Việt Nam trong các cuộc họp ban chấp hành đều đề cao giáo dục tư tưởng với HLV, VĐV. Vì thế, VĐV trẻ không bị sa ngã để làm hỏng cả sự nghiệp.
Lý Hoàng Nam là trường hợp điển hình. Tập luyện quần vợt từ nhỏ tại Bình Dương, đến giờ, Hoàng Nam trở thành VĐV có thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng chuyên nghiệp nam (vị tí 912). Chưa một lần, Hoàng Nam ca thán về cuộc đời VĐV.
Còn nhớ năm 2014, Hoàng Nam gặp án kỷ luật. Trong trường hợp như vậy, nhiều VĐV sẽ lấy cớ mà bê trễ tập luyện thi đấu. Hoàng Nam ý thức được sự chuyên nghiệp nên đều đặn tập luyện để có năm 2015 thành công. Đấy là một trong những lý do Lý Hoàng Nam được bầu vào danh sách 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc 2015 (Nam đứng vị trí thứ 3).
Kỷ luật nặng Lãnh đạo Tổng cục TDTT không ít lần khẳng định, chuyện dàn xếp kết quả ở thể thao Việt Nam từng diễn ra tại một số môn thể thao. Tuy nhiên, ngành Thể thao đã và đang có sự giám sát sát sao các môn thể thao để không xảy ra các sự vụ dàn xếp kết quả. Một trong những ví dụ cụ thể là môn bóng đá. Chính một số sự vụ dàn xếp tỉ số của VĐV bóng đá đã làm cho khán giả quay lưng lại với môn thể thao này. Trong các môn thể thao thành tích cao khác (ngoài bóng đá), chưa công bố cụ thể bao giờ, ngành Thể thao cũng không khẳng định 100% VĐV hoặc giải đấu đều trong sạch. Ý thức và nhận thức của VĐV về bản thân qua thi đấu vì màu cờ sắc áo đã và đang được các địa phương, đơn vị chủ quản giáo dục từng cá nhân. Rất nhiều địa phương đã có quy chế sẽ kỷ luật nặng với VĐV, HLV khi phát hiện dính tiêu cực thi đấu thể thao. Quản lý và kiểm soát VĐV, HLV không dễ dàng. Điểm quan trọng nhất là họ tự bồi đắp ý thức chính trị và tư tưởng cho mình thì mới không xảy ra các tiêu cực. D.P. |