Những cô gái quả cảm

Thứ Năm, 18/02/2016, 08:11
Ngày 25-2, đội bóng đá nữ Việt Nam sẽ đi Osaka (Nhật Bản) dự vòng loại thứ 3 của khu vực châu Á để tranh vé chính thức thi đấu Olympic 2016. Thời điểm này, nhiều thông tin truyền thông nhắc tới các vấn đề của đội tuyển bóng đá nam quốc gia nhưng nếu công bằng, đội tuyển bóng đá nữ đã và đang làm được thành tích hơn các đồng nghiệp nam.


Chúng tôi có mục tiêu cụ thể

“Di chuyển nhanh lên, phải áp sát chứ không để cầu thủ có khoảng trống. Chết thật! Tiền đạo phải dứt điểm cả 2 chân thì mới tận dụng được cơ hội. Không để sở trường bị bắt bài mà phải hiệu quả linh hoạt…”, đó là những bài chiến thuận dễ gặp được ở HLV Mai Đức Chung đang chỉ đạo đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam những ngày tập luyện tại Mỹ Đình (Hà Nội) lúc này.

Gặp ông Chung ngày đầu năm mới, ông cho biết, ngay từ mùng 4 Tết, đội đã hội quân và tập luyện luôn để không còn dư âm nghỉ ngơi. “Chúng tôi xác định đội tuyển nữ Việt Nam tại đấu trường châu Á còn nhiều học hỏi. Dự vòng loại thứ 3 của Olympic 2016 môn bóng đá nữ tới đây, mục tiêu cụ thể của đội tuyển là thi đấu đạt kết quả tối ưu, chứ không buông xuôi nếu có thất bại”, ông Chung cho biết.

Trong phân tích tại hội nghị triển khai công tác hoạt động ngành TDTT năm 2016 diễn ra tháng 1-2016, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn khẳng định, bóng đá nữ và bóng bàn chưa thể có cơ hội giành suất trực tiếp dự Olympic. Tuy nhiên, tập thể đội bóng đá nữ rất tin tưởng sẽ rút ngắn khoảng cách chuyên môn với các đội mạnh trong châu lục.

Mục tiêu mà HLV Mai Đức Chung đặt ra là “chúng tôi xác định các đối thủ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… tại vòng loại thứ 3 của khu vực châu Á tranh suất Olympic 2016 này là đối thủ lớn. Tuy vậy, làm gì cũng phải có chỉ tiêu. Chúng tôi động viên các cháu là thi đấu hết sức. Đi thi đấu bằng tiền của nhà nước không phải là chuyến du lịch, mà tất cả đều nỗ lực vừa tích lũy kinh nghiệm, nhưng cũng để rút ngắn dần khoảng cách trình độ trước đối thủ mạnh. Chúng ta phải tận dụng được những cơ hội này. Có thể thua về tỷ số nhưng ý chí, tinh thần của toàn đội chắc chắn là không nản lòng”.

Năm 2014, đội bóng đá nữ Việt Nam có cơ hội mười mươi để giành vé dự World Cup 2015. Chúng ta đã thất bại tại cuộc giành vé đó. Bây giờ, bóng đá nữ Việt Nam là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á góp mặt ở vòng tuyển chọn cuối cùng giành vé dự Olympic 2016 trong môn bóng đá nữ tại châu Á, đấy là niềm tự hào. Chúng ta thành công hay không, chờ vào kết quả thi đấu. Việc đã lọt vào vòng cuối tranh vé Olympic, bóng đá nữ Việt Nam đã làm được điều lịch sử.

Tuyết Dung (trái), Minh Nguyệt (phải) đang là những mũi nhọn của tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hải.

Nhân tố đặc biệt

HLV Mai Đức Chung là người rất đề cao tính tập thể trong một đội bóng. Tuy vậy, tại đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lúc này, ông Chung vẫn cần con bài chiến lược. Hai trong những người ấy là Nguyễn Thị Minh Nguyệt và Tuyết Dung. Minh Nguyệt là Quả bóng vàng nữ Việt Nam năm 2015, còn Tuyết Dung là Quả bóng vàng nữ Việt Nam năm 2014.

Gặp Minh Nguyệt những buổi đầu tập luyện trở lại sau nghỉ Tết, cô chia sẻ đang nỗ lực tập luyện để làm tiếp tục ghi bàn thắng tại cuộc đấu ở Osaka tới đây. Minh Nguyệt đã có 6 bàn thắng tại vòng loại tính đến lúc này, nên chắc chắn tiền đạo trên thuộc mũi nhọn số một của đội tuyển. Bóng đá mang lại sự thay đổi cuộc đời cho cả Minh Nguyệt và Tuyết Dung. Nếu không đam mê và theo tập bóng đá, Tuyết Dung giờ đã là một công nhân rồi. 

Minh Nguyệt chia sẻ, gia đình có truyền thống ngành giáo dục, nên học xong phổ thông, cô đã được mẹ định hướng làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng đam mê thể thao đã làm ngã rẽ cuộc đời. Cả Dung và Nguyệt đều có những nét riêng trong sự nghiệp bản thân, nhưng họ đều nỗ lực đạt được kết quả tốt nhất cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) sau đây một tuần.

Lương chỉ là thứ yếu

Thông tin nóng bỏng trong làng bóng đá Việt Nam là con số lương cho người được lựa chọn làm HLV đội tuyển nam – ông Nguyễn Hữu Thắng có phải là 200 triệu đồng/tháng hay không.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã bác bỏ thông tin mức lương trên dành cho ông Thắng. Tuy nhiên, giới thạo tin cho rằng, để đạt được thỏa thuận với HLV mời về làm HLV trưởng đội bóng đá nam Việt Nam, thì VFF cũng phải đưa mức lương hậu hĩnh mới có người chấp nhận.

Nhìn vào thực tế, trách nhiệm HLV trưởng một đội tuyển quốc gia như HLV đội bóng đá nữ Mai Đức Chung có mục tiêu, thành tích cụ thể, nhưng mức lương không phải vài trăm triệu đồng. Ông Chung là số ít người làm việc cùng đội bóng đá nữ Việt Nam thăng trầm nhiều giai đoạn. Chưa một lần mức lương của HLV trưởng đội bóng đá nữ Việt Nam được cho biết cụ thể bao nhiêu và chắc chắn là ít hơn so với các đồng nghiệp của đội nam quốc gia. Dù thế, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã có tất cả danh hiệu cao nhất như vô địch Đông Nam Á, vô địch SEA Games, vào vòng tuyển chọn cuối cùng tranh vé dự Olympic. Lương, thưởng với những HLV từng đảm nhiệm vị trí HLV trưởng tuyển bóng đá nữ không cao và họ xem là thứ yếu để đam mê chuyên môn nhưng có thể thấy vẫn còn khoảng cách về đầu tư.

D.P. 

Diệu Phương
.
.
.