Nhọc nhằn đời vận động viên

Thứ Ba, 25/04/2017, 08:01
Sau giải nghệ, không tới 10% vận động viên (VĐV) có việc làm, phần còn lại phải vất vả mưu sinh bằng đủ các nghề để kiếm sống. Không ít VĐV khi giã từ sàn đấu mang theo chấn thương bên mình, sức khỏe suy giảm nhưng không được chữa trị, hồi phục hoàn toàn.

Từng tỏa sáng trên các đấu trường quốc tế, mang vinh quang về cho nước nhà, thế nhưng ít ai biết, đằng sau ánh hào quang ấy là những số phận cơ cực.

Sau giải nghệ, không tới 10% vận động viên (VĐV) có việc làm, phần còn lại phải vất vả mưu sinh bằng đủ các nghề để kiếm sống. Không ít VĐV khi giã từ sàn đấu mang theo chấn thương bên mình, sức khỏe suy giảm nhưng không được chữa trị, hồi phục hoàn toàn.

Trong khi đó, chính sách đãi ngộ cho VĐV hiện còn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến cho nghề VĐV được coi là “nghề bạc bẽo” và chỉ dành cho “con nhà nghèo”.

Đại bộ phận VĐV đều xuất thân con nhà nghèo. Họ đến với thể thao cùng viễn cảnh về một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, với mức lương bèo bọt như hiện nay, phần lớn VĐV đều phải sống một cách chật vật.

Hết tháng, hết tiền

Giữa những ngày hè nắng nóng, đội tuyển taekwondo CAND vẫn hăng say tập luyện. Với chiều cao 1,70m, Lê Hồng Ngọc gây ấn tượng mạnh bởi vóc dáng nổi bật. Cô gái 17 tuổi, quê Bắc Giang đã có 4 năm gắn bó với thể thao CAND.

Được đánh giá là VĐV tiềm năng, Ngọc được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia và giành HCV giải trẻ toàn quốc khi mới 15 tuổi. Nói về cuộc sống sinh hoạt tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao CAND, Ngọc tâm sự: “Nhờ có HCV giải trẻ toàn quốc, lương em được 3 triệu. Hằng tháng, em chi tiêu tiết kiệm để gửi về cho bố mẹ 1,5 triệu. Ở đây, em được ăn ở miễn phí. Bữa sáng có bún, phở kèm theo sữa. Bữa trưa, bữa tối là cơm suất. Bố mẹ em ở quê vất vả lắm, nên em không dám chi tiêu nhiều cho bản thân. Nhiều bạn tập cùng với em còn không đủ tiền gửi cho bố mẹ vì lương thấp quá, chỉ hơn triệu/tháng thôi”.

Là một trong những tay vợt bóng bàn hàng đầu Việt Nam, từng giành HCĐ SEA Games, VĐV Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) tâm sự: "Vì tiền lương thấp quá nên bọn em phải thi đấu rất nhiều giải để có tiền thưởng hỗ trợ gia đình. Em nhớ rất rõ, món tiền thưởng đầu tiên từ bóng bàn là năm em 13 tuổi. Với ngôi vô địch giải trẻ thiếu niên nhi đồng toàn quốc, em được thưởng 7 triệu. Hồi đó, có tiền, em mua ngay cây vợt mới. Năm ngoái, với tấm HCĐ SEA Games, em được thưởng 50 triệu. Em giữ lại một ít để chi tiêu cá nhân, còn lại gửi về biếu bố mẹ. 12 năm gắn bó với bóng bàn, mong ước lớn nhất của em là có thu nhập ổn định, có việc làm sau khi nghỉ thi đấu. Em muốn gắn bó lâu dài với thể thao nhưng nghề này bấp bênh quá"...

Là người trực tiếp huấn luyện xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, HLV Nguyễn Thị Nhung (bắn súng) khẳng định, thu nhập của VĐV hiện nay quá thấp. Ngay đến xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mỗi tháng cũng chỉ còn 800.000 đồng sau khi trừ đi tất cả các khoản. 

Bữa ăn tập thể của VĐV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao CAND.

Chế độ dinh dưỡng chưa đảm bảo

Đại tá Nguyễn Hiền Lương, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao CAND cho biết, hiện trung tâm có 776 VĐV đang tập luyện cho 25 môn, chưa kể số VĐV năng khiếu, nghiệp dư đến tập để tuyển chọn.

Theo quy định, có 3 mức lương cho VĐV. VĐV tuyến thi đấu quốc gia được hưởng 80 nghìn đồng/ngày (26 ngày/tháng). VĐV tuyển trẻ được hưởng 40 nghìn đồng/ngày, trong khi tuyến năng khiếu được hưởng 30 nghìn đồng/ngày. Hiện cơ sở vật chất của trung tâm đang quá tải.

"Theo thiết kế, trung tâm chỉ đủ cho 200 VĐV nhưng đang có 450 VĐV ăn ở. Do quá tải, một số đội tuyển, chúng tôi phải gửi ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (Nhổn – Hà Nội) và Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh). Đội tuyển bóng đá nam cũng đang phải thuê sân tập và chỗ ăn nghỉ tại Thanh Trì" – Đại tá Lương nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, VĐV Việt Nam hiện có chế độ ăn 200.000 đồng/người/ngày. So với VĐV các nước, chế độ này thấp hơn rất nhiều (các nước trung bình từ 50 - 100 USD/người/ngày).  Mức chế độ này đã được áp dụng từ 5 năm nay không thay đổi trong khi trượt giá đã tăng lên gấp mấy lần.

Rất ít VĐV kiếm sống được bằng nghề

Một thực tế là, ở Việt Nam, rất ít VĐV sống được bằng nghề, ngoại trừ một số tên tuổi đã tạo dựng được thương hiệu cá nhân như Nguyễn Tiến Minh, Lê Quang Liêm, Nguyễn Thị Ánh Viên…

Trong năm 2015, Lê Quang Liêm nhận khoảng 1,5 tỉ đồng tiền thưởng nhờ thành tích cao tại các giải đấu. Năm 2017, với chức vô địch giải cờ vua HDBank, Lê Quang Liêm cũng ẵm trọn phần thưởng trị giá 13.000 USD.

Năm 2015, Nguyễn Thị Ánh Viên cũng gây sửng sốt khi giành tổng cộng khoảng 4 tỉ đồng tiền thưởng từ thành tích 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại SEA Games 28. Ánh Viên cũng được đầu tư hàng tỉ đồng để tập huấn nước ngoài mỗi năm. Từng giành HCĐ thế giới, Top 5 thế giới, Nguyễn Tiến Minh là hình mẫu của một VĐV chuyên nghiệp có thể kiếm tiền tỉ mỗi năm nhờ thành tích thi đấu và các hợp đồng tài trợ.

Trong năm 2013, VĐV này từng kiếm được trên 2 tỉ đồng nhờ đoạt HCĐ thế giới, vô địch giải Mỹ mở rộng… Kể từ năm 2009, bên cạnh mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, Tiến Minh nhận được hợp đồng tài trợ khủng từ Bicamex.

Trong số hàng vạn VĐV đang tập luyện, thi đấu, số được nhận lương, thưởng “khủng” như Tiến Minh, Ánh Viên, Quang Liêm…chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khánh Vy
.
.
.