Nhìn lại bóng đá Việt Nam năm Ất Mùi: Lại mơ...

Thứ Hai, 08/02/2016, 22:18
Nếu năm con ngựa (2014), bóng đá Việt Nam mơ mộng đặc biệt vào một lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) JMG mới trình làng thì năm 2015, vẫn với những con người ấy, bóng đá Việt Nam lại buộc phải mơ theo dạng khác.


Năm 2014, khi ông thầy Nhật Toshiya Miura đem quân dự SEA Games 28, và tạo nên chiến thắng nức lòng với tỷ số 5-1 trước "đối thủ trực tiếp" U.23 Malaysia ở vòng đấu bảng thì nhiều quan chức VFF đã nổ rất to. 

Người đứng đầu Liên đoàn hết lời khen ngợi Miura là "thầy xuất sắc", hệt như trước đó ông từng khen và từng kỳ vọng lứa U.19 HA.GL rồi sẽ giúp bóng đá Việt Nam được "tham dự sân chơi World Cup". 

Tuy nhiên, đến bán kết SEA Games, khi đối thủ chỉ là kèo dưới U.23 Myanamr, và khi Miura quyết cho quân "đè" đối phương ra đá thì chúng ta lại thua nghẹn ngào. Hình ảnh Huy Toàn, Mạc Hồng Quân, Quế Ngọc Hải... ôm mặt khóc như mưa sau một trận cầu - một kỳ SEA Games vỡ mộng đủ nói lên tất cả. Với cá nhân ông Miura, từ thất bại tại AFF Suzuki Cup 2014 đến bán kết SEA Games 2015 dường như đã chỉ ra giới hạn của nhà cầm quân này.

Đấy là chuyện ở ĐT U.23, còn ở ĐTQG, Miura còn thất bại nặng nề hơn. ĐT Việt Nam do ông dẫn dắt không những không hoàn thành mục tiêu đứng thứ 2 tại bảng đấu của mình trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018, mà còn có 2 trận thua ê chề trước Thái Lan. Trận lượt đi thua 0-1 ở Bangkok, và trận lượt về thua 0-3 tại Hà Nội - trận đấu mà người Thái đã ghi tới 2/3 bàn thắng bằng những pha đan lát nhuần nhuyễn hệt như trong đá tập. 

Bầu Đức (trái) năm nay nói nhiều và nói mạnh đến phát sốc.

Chính từ hai trận thua chí tử này mà cả một làn sóng chống đối Miura do PCT tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức dẫn đầu đã xuất hiện. Ông Đức bảo, thứ bóng đá "chọc sâu chạy dài" quá nghiêng về thể lực và sự cơ bắp của Miura không phù hợp với bóng đá Việt Nam, rồi ông bảo: "Nếu không sa thải Miura, bóng đá Việt Nam không phát triển". Đỉnh cao của đòn tấn công nằm ở cuộc họp ban chấp hành VFF vào những tháng cuối năm, khi ông Đức "chơi bài ngửa" theo kiểu: nếu sa thải Miura, và nếu lấy quân Hoàng Anh làm nòng cốt ĐT U.22 tham dự SEA Games 2017 thì ông sẽ mang về Liên đoàn những bản hợp đồng tài trợ giá cao.

Phải nói, chưa bao giờ một HLV trưởng ĐT Việt Nam lại bị chính một lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam "tấn công" liên tục, nặng đô như thế. Vấn đề là khi ông Đức "công" thì những người từng ủng hộ và từng ca ngợi Miura hết lời như Chủ tịch Lê Hùng Dũng hoặc Phó chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn lại không thể giúp Miura tạo nên một thế "thủ" vững chắc nào. 

Từ đây, người ta cũng lại nhìn ra vấn nạn chia năm xẻ bảy trong nội bộ VFF. Cái vấn nạn mà trong khi ông chủ tịch đang phải mất thời gian chữa trị những vết thương ngoài bóng, còn những ông phó thì mỗi người theo đuổi một giấc mơ. Ở Đại hội thường niên VFF diễn ra vào những ngày cuối năm, thậm chí đã có những lời năn nỉ ông chủ tịch tuyệt đối "đừng rút tên", vì ông mà rút thì... hỗn loạn trường đua ngay tức khắc.

Rõ ràng, năm con dê tưởng là lành lặn, hiền hoà nhưng hoá ra lại khiến bóng đá Việt Nam bị "xé" theo nhiều dạng. Thế nhưng chẳng nhẽ cả một năm chỉ toàn gam màu xám?

Thật may là trong khi thất bại với cấp độ ĐTQG và ĐT U.23 QG thì năm con dê, bóng đá Việt Nam lại bất ngờ thành công toàn diện với các lứa U.16, U.19, U.23, khi cả 3 đội này đều xuất sắc đoạt vé tham dự VCK châu Á ở lứa tuổi của mình. Vẫn trong năm con dê, bóng đá Việt Nam chứng kiến 3 vụ xuất ngoại, mà nói theo ngôn ngữ của người đứng sau cả 3 vụ này - ông chủ HA.GL Đoàn Nguyên Đức thì đó là "thuyền theo lái, gái theo chồng". 

Ông bầu vốn rất giỏi rất kiếm nhưng không giỏi chữ nghĩa này từng cao hứng ví von: "Có ai như tôi không, một năm gả tới 3 cô gái về nhà chồng, mà toàn là chồng "Tây". Rồi trong cái ngày "con gái cả" Công Phượng chính thức làm lễ ra mắt, báo cáo với bàn dân thiên hạ về "lễ cưới" của mình, ông Đức còn cao hứng đặt lên Công Phượng một nụ hôn. 

Vẫn trong buổi báo cáo này, ông chủ CLB Nhật Bản Mito Hllyhock đã thẳng thắn ngả bài: "Chúng tôi hy vọng với sự góp mặt của Công Phượng, sẽ có nhiều người Việt Nam đến địa phương của chúng tôi du lịch hơn". À, hoá ra chuyến "xuất ngoại lấy chồng Tây" này không hoàn toàn nằm ở việc "cô dâu" xứ mình đáng giá? 

Vụ Tuấn Anh sang Nhật cũng thế, khi giữa HA.GL với CLB chủ quản của Tuấn Anh là Yokohama FC có hợp đồng hợp tác chiến lược, trao đổi cầu thủ với nhau. Chỉ riêng trường hợp Xuân Trường sang đá giải nhà nghề Hàn Quốc là có vẻ mang nhiều màu sắc của giá trị nội tại - giá trị tự thân "món hàng". Phía Hàn Quốc bảo, họ đã âm thầm theo dõi một số cầu thủ trẻ Thái Lan, Singapore, và cuối cùng họ quyết định chọn Xuân Trường của Việt Nam.

Vậy là cái lứa U.19 HA.GL và U.19 ĐT Việt Nam (nơi HA.GL làm nòng cốt) bây giờ đã giúp cho ông chủ Đoàn Nguyên Đức được đánh bóng theo một cách riêng. Nếu trước đó là hình ảnh của cả một tập thể chơi bóng ăn ý, nhuần nhị với nhau (nhưng cũng chỉ đạt được hiệu quả ban đầu ở phạm vi ĐNA, chứ ra đến châu Á là vỡ), và từng khiến bầu Đức quả quyết: "Đã dùng phải dùng cả đội, chứ không bao giờ "xé lẻ" từng người" thì bây giờ nó thực chất đã bị "xé lẻ", và nhờ chính những đốm sáng "xé lẻ" ấy mà bầu Đức mới có thể gỡ gạc lại chút tham vọng của mình.

Xuân Trường (giữa) sang Hàn dệt ước mơ.

Bây giờ thì bóng đá Việt Nam lại mơ theo những bước chân xuất xứ. Những bước chân mà theo quảng cáo và hy vọng của người trong cuộc thì nó sẽ không giống với bất cứ những cuộc xuất xứ nào trước đó, từ việc Huỳnh Đức sang Lifan (Trung Quốc) với một bản hợp đồng nặng tính thương mại hay Công Vinh sang Lexoies (Bồ Đào Nha) với quan hệ cá nhân của cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Henrique Calisto...

Nhưng sự thực ra sao, giấc mơ xuất ngoại rồi có giúp một ông bầu, một nền bóng đá rẽ qua hướng khác, sán lạn và tươi tắn hơn không?

Thôi thì cứ mơ những giấc mơ cá nhân, sau khi giấc mơ tập thể đã chết chìm!

Ảo!

Đấy là trạng thái mà nhiều người nghĩ đến khi hay tin Quế Ngọc Hải phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa bệnh cho Anh Khoa sau khi đá gãy chân cầu thủ này.

Đấy cũng là trạng thái mà nhiều người nghĩ đến khi cựu bầu Hoàng Mạnh Trường (Ninh Bình) đòi đưa quân trở lại V.League sau một thời gian dài không làm bóng đá.

Ở câu chuyện thứ nhất, phải nói bản án của ban Kỷ luật VFF không sai, vì nó dựa trên nhưng quy định, luật lệ đàng hoàng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ: đấy là những luật lệ rất ảo, và vì nó ảo nên mới đây người ta đã phải nhanh chóng thay đổi, sửa sai. Còn ở câu chuyện thứ hai, ông chủ Ninh Bình cứ vin vào lời hứa của chủ tịch Lê Hùng Dũng, rằng: "Cứ mạnh tay xử lý tiêu cực, tôi sẽ giữ lại suất chơi V.League cho anh". Đúng là chỉ ở bóng đá Việt Nam người ta mới hứa "ảo" và mới tin vào những điều rất "ảo" như thế này!

Phan Đăng
.
.
.