Xung quanh lệnh cấm dùng loa điện cổ vũ bóng đá của VPF
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, mặc dù loa điện công suất lớn, âm thanh vang vọng nhưng không làm ảnh hưởng tới diễn biến và chất lượng trận đấu.
Không chỉ các CĐV và cầu thủ Quảng Ninh, ngay cả một cầu thủ khách, chẳng hạn như Văn Quyết (Hà Nội.T&T) cũng cho biết là anh không bị tác động tiêu cực bởi những chiếc loa điện khi thi đấu ở sân Cẩm Phả.
Nhưng luồng ý kiến thứ hai cho rằng, không loại trừ khả năng âm thanh của loa điện sẽ làm ảnh hưởng tới tiếng còi trọng tài, và đặc biệt, nếu ai đó sử dụng loa điện để thực hiện những phát ngôn thiếu văn minh thì sân bãi sẽ bị "ô nhiễm" trầm trọng.
Mà mọi chuyện không chỉ dừng lại ở mức có thể xảy ra, thực tế nó đã xảy ra, khiến VPF phải có nhiều động thái nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Rốt cuộc, luồng ý kiến nào đúng, luồng ý kiến nào sai?
Các cổ động viên Quảng Ninh luôn cực kỳ sôi động. Ảnh: H.M. |
Trước khi trả lời câu hỏi, có thể kể lại câu chuyện gây tranh cãi một thời ở World Cup 2010 tại Nam Phi. Hồi đó, các CĐV bóng đá Nam Phi thường sử dụng những chiếc kèn Vuvuzela trên các khán đài, tạo ra một kiểu âm thanh khiến rất nhiều người cảm thấy... ong tai.
Nhiều cầu thủ, nhiều trọng tài cho biết chất lượng công việc của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những âm thanh không khác gì tiếng vo ve của nhiều bầy ong cộng lại. Khán giả truyền hình cũng cảm thấy khó chịu khi những âm thanh này lên sóng.
Người ta phản ứng Vuvuzela tới độ FIFA cũng phải đứng trước câu hỏi: Có nên cấm hình thức cổ vũ này không?
Sau khi nâng lên đặt xuống, FIFA trả lời là không với lý do: đấy là một công cụ cổ vũ - một sản phẩm văn hoá đặc trưng của địa phương, và quan trọng là những âm thanh tuy có khiến ai đó "khó nghe" thì nó vẫn là thứ được tạo nên bởi miệng của các CĐV nhiệt thành, chứ không phải bởi bất cứ công cụ nhân tạo nào.
Hậu World Cup 2010, Vuvuzela thậm chí đã đi vào các sân bóng và sân tenis châu Âu, nhưng ở rất nhiều nơi ở châu Âu nó đã bị cấm cửa không thương tiếc.
Tạm dừng câu chuyện về những chiếc kèn ở đây để trở lại với chuyện cổ vũ bóng đá bằng loa điện và dàn âm thanh, theo các quan chức VPF thì FIFA có văn bản hẳn hoi quy định việc loại bỏ những âm thanh tiêu cực, có nguy cơ tác động tới những âm thanh cơ bản của một trận đấu (tiếng còi của trọng tài, tiếng gọi nhau của các cầu thủ, tiếng chỉ đạo của các HLV...) khỏi sân bóng đá.
Còn theo một thành viên của Hội cổ động viên Việt Nam thì khi ra một số nước Đông Nam Á cổ vũ cho ĐT Việt Nam, việc Hội CĐV Việt Nam mang gì vào sân để cổ vũ cũng phải thông báo trước cho BTC chủ nhà, và khi chúng ta đăng ký "loa điện", "dàn âm thanh" thì những thiết bị này đã bị từ chối thẳng thừng.
Và như thế, việc VPF đề nghị các CĐV Quảng Ninh không tiếp tục cổ vũ bóng đá với những dụng cụ - hình thức này là điều hoàn toàn có cở sở.
Phải nói kể từ khi Quảng Ninh xuất hiện trên bản đồ V.League, các CĐV đã gây ấn tượng đặc biệt bởi một phong cách cổ vũ đồng bộ và cực kỳ chuyên nghiệp. Thế nên trong những năm gần đây, họ đã hơn một lần được bầu chọn là hội CĐV ấn tượng nhất V.League.
Vậy nên, hy vọng hình ảnh những CĐV nơi đây bịt khẩu trang phản đối lệnh cấm của VPF trong trận Quảng Ninh - Cần Thơ trên sân Cẩm Phả vừa rồi sẽ chấm dứt. Mong các CĐV lấy đại cuộc và cái chung làm trọng mà chấp nhận hy sinh một phần thói quen cổ vũ, vốn đã gắn bó với mình vài năm nay.
Hy vọng là không có loa điện và dàn âm thanh thì hình ảnh các CĐV Quảng Ninh vẫn hiện lên thật đáng yêu và đúng luật.
Vẫn có thể dùng loa cầm tay Sau khi xuất hiện lệnh cấm của VPF, CLB Quảng Ninh đã có công văn đề xuất vẫn cho phép Hội CĐV nơi đây sử dụng loa điện và dàn âm thanh để tiếp tục duy trì không khí sôi động của các trận đấu bóng đá. Tất nhiên, đề xuất này đã không được chấp nhận, và thông báo của VPF nêu rõ: lệnh cấm này không chỉ áp dụng với riêng các CĐV Quảng Ninh, mà với tất cả các hội CĐV khác trong cả nước. VPF cũng cho biết không được sử dụng loa điện nhưng các CĐV vẫn được sử dụng loa pin cầm tay, và vì thế có thể loa pin sẽ xuất hiện trên sân Cẩm Phả trong những vòng đấu tới đây của Quảng Ninh. Ngọc Anh |