Lượt đi V.League 2017: Hỏng từ hệ thống hỏng ra

Thứ Bảy, 22/04/2017, 09:59
Phó chủ tịch VPF Nguyễn Công Khế viết những lời gan ruột: "Chúng ta làm phải quyết liệt, và phải cho giải sạch sẽ, nếu không làm được thì khó lòng đưa bóng đá phát triển. Các nhà tài trợ sẽ không đi cùng chúng ta nữa. Do đó, nếu không giải quyết được tình trạng này, tôi cũng sẽ xin rút khỏi VPF"…

"Chúng ta làm phải quyết liệt, và phải cho giải sạch sẽ, nếu không làm được thì khó lòng đưa bóng đá phát triển. Các nhà tài trợ sẽ không đi cùng chúng ta nữa. Do đó, nếu không giải quyết được tình trạng này, tôi cũng sẽ xin rút khỏi VPF" - đó là những lời gan ruột mà Phó chủ tịch VPF Nguyễn Công Khế viết trong biên bản họp Hội đồng quản trị VPF sau sự cố các cầu thủ Long An "đứng hình" để cầu thủ CLB thành phố Hồ Chí Minh thoả sức ghi bàn trên sân Thống Nhất, ở lượt đi V.League năm nay. 

Biên bản họp Hội đồng quản trị VPF với những lời gan ruột của ông Phó chủ tịch Nguyễn Công Khế.

Những lời gan ruột này nói lên điều gì? Nó nói rằng Hội đồng quản trị VPF thấy rõ những bất cập chết người ở một giải đấu do mình tổ chức, và phần lớn những thành viên chủ chốt trong hội đồng đều quyết tâm giải quyết ngọn ngành những bất cập này.

Nhưng có vẻ như một, hai cánh én - dù là những cánh én quyền lực cũng không thể làm nổi một mùa xuân, bởi nó gặp phải những lực cản đến từ những "nhóm lợi ích" đã và đang thao túng cuộc chơi ghê gớm. Đơn cử rõ nhất là vấn đề trọng tài - cái vấn đề khiến cho cả làng bóng phải đau đầu, tại sao phần lớn những cái sai của trọng tài ở lượt đi V.League năm nay đều giúp những đội bóng nhà giàu có lợi?

Tại sao các trọng tài khi vào cuộc cứ phải ngó trên ngó dưới xem trận đấu mình điều khiển có sự góp mặt của những đội bóng vốn có mối quan hệ thân thiết với chính một quan chức chóp bu ở VFF hay không?

Mặt bằng trọng tài V.League nói chung bị hạn chế về trình độ chuyên môn - cái đó là không thể phủ nhận. Nhưng năm nào cũng tập huấn trọng tài, mùa giải nào cũng hô hào phải nâng cấp công tác trọng tài, vậy thì tại sao vẫn còn nguyên cái hạn chế thâm căn cố đế đó?

Có một câu chuyện thuộc vào dạng bi hài kịch diễn ra hồi đầu mùa giải năm nay, đó là một trọng tài ở An Giang dù không có nổi cái bằng sơ cấp trọng tài nhưng vẫn được nhấc lên điều khiển giải hạng nhất. Ai ở Ban trọng tài nói riêng và VFF nói chung đã bất chấp luật lệ, nguyên tắc để sử dụng trọng tài theo cách đó?

May mà thời điểm đó, một trọng tài khác ở An Giang vì không được nhấc lên cùng đợt nên đã viết đơn tố cáo, và Ban trọng tài đã phải cuống cuồng sửa sai, loại vị trọng tài được ưu ái kia khỏi cuộc chơi trước khi quá muộn. Từ cái sai không tưởng này, người ta có quyền đặt ra câu hỏi: Trong số các trọng tài đã và đang điều hành ở V.League hiện nay, có bao nhiêu phần trăm giỏi nghề thực sự?

Có bao nhiêu phần trăm chỉ giỏi lạng lách, và được tạo điều kiện để lạng lách tới mức cho đến lúc này, những người ngoài cuộc không dễ gì... bắt lỗi? Hãy thử tưởng tượng, nếu không có lá đơn tố cáo thì chỉ vài năm nữa, vị trọng tài người An Giang kể trên hoàn toàn có thể được đôn lên bắt V.League, và với một trọng tài như thế, V.League không loạn mới là chuyện lạ.

Trách nhiệm của Ban trọng tài không chỉ nằm ở vấn đề phân công trọng tài qua từng vòng đấu - cái vấn đề đã khiến người ta tranh cãi rồi đấu nhau nảy lửa, mà còn nằm ở cách vận hành của cả một hệ thống với những lộ trình tuyển chọn, ban phát ngay từ khâu "đầu vào". Dân trong nghề ai cũng hiểu điều đó, nhưng có vẻ giải quyết điều đó lại không dễ vì nói như ông bầu, Phó chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức thì: "Bóng đá Việt Nam bây giờ lợi ích chồng chéo cả. Chỗ nọ chằng vào chỗ kia. Muốn thay đổi có lẽ chỉ còn nước xoá đi làm lại mà thôi".

Ai xoá? Ai làm lại? Trên VFF là Tổng cục Thể dục Thể thao, và thực tế là suốt lượt đi V.League vừa qua, Tổng cục đã hơn một lần gửi công văn đề nghị phải chỉnh đốn công tác tổ chức, giải quyết triệt để những vấn nạn bất cập, nhưng sự thực mọi thứ có được chấn chỉnh, giải quyết không thì cả làng đều hiểu.

Chưa bao giờ người ta chứng kiến một lượt đi V.League loạn lạc với hằng hà sa số những bạo lực, tranh cãi, nghi ngờ, thoá mạ nhau nhiều như thế. Chưa bao giờ, người ta thấy một V.League mất khách và mất điểm trong mắt các nhà tài trợ như thế.

Với những hỏng hóc từ hệ thống hỏng ra, không thể ảo tưởng tin rằng lượt về sẽ là một câu chuyện, một thế giới hoàn toàn khác.

Muốn từ chức nhưng... không được từ chức

Đó là câu chuyện của ông Trưởng ban Tổ chức Nguyễn Minh Ngọc. Trong lịch sử V.League xưa nay, ông Ngọc là vị Trưởng ban Tổ chức ít kinh nghiệm nhất, và thực tế cho thấy, vai trò của ông cũng mờ nhạt nhất.

Chính ông, chứ không phải ai khác đã ngồi im trên ghế VIP xem các cầu thủ Long An "ma nơ canh hoá" những đôi chân của mình để phản ứng trọng tài, thay vì đưa ra những nhắc nhở kịp thời. Không hiểu vì lý do gì mà khi ông Ngọc đệ đơn từ chức... Hội đồng quản trị VPF với ông Chủ tịch Võ Quốc Thắng lại làm cái việc gọi là "không cho từ chức".

Giới quan sát cho rằng, hành động làm đơn từ chức chỉ giống như một chiêu để đối phó lại những chỉ trích nặng nề từ bốn phía dư luận, chứ không phải là một kiểu... từ chức thực lòng? Thôi thì ngoài ông Ngọc ra, không ai hiểu chính xác điều này, chỉ biết rằng cái giải đấu mà ông Ngọc làm trưởng giải đã trôi đi trong sự ngao ngán khủng khiếp của người hâm mộ.

Ngọc Anh 

Phan Đăng
.
.
.