Hai giờ với ông "Tư lệnh" Thể Công

Chủ Nhật, 13/01/2008, 15:30
Cái biệt danh vừa yêu quý vừa tôn trọng này gắn liền với Thiếu tướng Hồ Tri Liêm kể từ ngày nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thông tin chuyển về nắm trọng trách mà đúng ra là "gánh nặng": Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Thể Công.

Nói gánh nặng cũng chẳng ngoa bởi vào thời điểm đó, mới vừa dứt niềm tự hào 50 năm thành lập, câu lạc bộ lâu đời và giàu truyền thống nhất Việt Nam ấy phải xuống đá hạng nhất... 3 năm gồng gánh dưới đủ mọi sức ép, mọi áp lực, vị cựu Tư lệnh ấy đã đưa Thể Công trở lại giải chuyên nghiệp, và món quà đầu tiên của giải chuyên nghiệp lần đầu ông tham gia mới đây là trận thắng ấn tượng trước đương kim vô địch Bình Dương...

Đã gần 1 tuần rồi mà những lời chúc mừng chiến thắng trong trận khai mạc V-League 2008 vẫn dồn dập đổ về máy điện thoại của ông Liêm, xé vụn cuộc trò chuyện hiếm hoi của chúng tôi. Nói hiếm hoi kể cũng không quá, bởi với cương vị Chủ tịch một câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng gắn liền một nhà tài trợ cũng nổi tiếng là Viettel, việc xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông là chuyện tất yếu và có lợi cho cả đôi bên, nhưng nó lại không xảy ra với ông Liêm.

Họa hoằn lắm mới thấy thi thoảng trong các cuộc họp báo chính thức, sau những trận cầu, Chủ tịch Hồ Tri Liêm mới đưa ra một vài câu phát ngôn điềm đạm, ít tính từ, rất chừng mực. Các đồng nghiệp thiên về ngạch bóng đá cũng đã khá ngại ngần áng chừng trước là may ra tôi cũng chỉ có thể "quấy" ông được nửa tiếng là cùng, và trong cách nói chuyện cũng phải hạn chế bớt những câu hỏi quá tọc mạch kẻo ông Liêm sẵn sàng bộc lộ ngay cái chất lính thẳng băng mà ngừng luôn câu chuyện.

Ông Liêm cười khà khà khi nghe tôi kể lại và khẳng định luôn điều đó là có thật. Chuyện xảy ra cách đây cũng chưa lâu, và xảy ra đúng thời điểm khá nhạy cảm khi Thể Công mới bước lên hạng chuyên nghiệp sau 3 năm chờ đợi.

Khi đó, từ những luồng thông tin một chiều từ chính trong nội bộ đội bóng bay ra, một bài báo có cái tít giật mình "Thể Công có "bom nổ chậm”?" xuất hiện, rồi tiếp theo là cơ man vòng vây điện thoại của báo chí. "Các ông can thiệp quá sâu vào nội bộ của tôi rồi đó", câu cảnh cáo thẳng băng của vị Chủ tịch Hồ Tri Liêm đối với một cú điện thoại khi ấy quả thực là khá sốc, thậm chí là chưa có tiền lệ trong cách hành xử của các vị chủ tịch câu lạc bộ bóng đá đối với báo giới.

Không ngại ngần, ông lý giải rằng bản chất của đội bóng Thể Công là một đơn vị quân đội, và cái đơn vị ấy phải có kỷ luật nghiêm túc, và cái đơn vị ấy dù có được báo giới "săn sóc" đến nhường nào cũng vẫn phải giữ được cái chất "văn hoá lính".

Bao nhiêu năm làm Tư lệnh của một Bộ Tư lệnh lớn trong quân đội, ông hiểu rõ tầm quan trọng của sự đoàn kết nội bộ, của sự thống nhất trên dưới như một cả về cách nghĩ và cách làm, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm và khó khăn. "Cứ để những tin tức như vậy tác động đến đội bóng, sẽ là rất không tốt đối với các cầu thủ trẻ của đội, tới sự đoàn kết đã và sẽ là bản chất của những người lính", ông Liêm tâm sự.

Câu chuyện của ông thoắt đã trôi về những ngày đầu tiên chuyển sang nắm quyền Chủ tịch Thể Công. Khi ấy, nhiều vị tướng lĩnh trong quân đội và các bạn thân đã khuyên ông Liêm: "Ông việc gì phải để danh dự của ông chết ở đấy".

Lời khuyên chân thành và lo lắng này vào thời điểm ấy không phải không có lý, khi tất cả những tồn tại tích tụ bao năm lúc đó bùng phát ra cả, biến đội bóng có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam khi đó trở thành một mớ bòng bong. Lại cũng vì danh dự và cái chất lính đã ăn sâu vào máu, ông dũng cảm bước vào ngôi nhà Thể Công đã giao về cho Viettel.

"Về đây tôi mới biết đây là một đơn vị nhỏ mà phức tạp, mọi vấn đề cũng có nhiều ý kiến trái ngược từ cả trong ra ngoài, từ cả trên lẫn dưới, và tất yếu là nảy sinh mâu thuẫn", ông Liêm nhớ lại.

Cứ lẳng lặng và kiên trì, ông phác ra một kế hoạch cụ thể, đều đặn như nhịp "tịch-tà" đặc trưng của lính thông tin, cụ thể đến từng năm, từng mục tiêu: 2005 phải ở vị trí thứ 6 giải hạng nhất, 2006 phải ở vị trí thứ 4, 2007 ở vị trí thứ 2, nghĩa là lên hạng. Bảo vệ "lộ trình" của riêng mình cũng lắm thứ gian nan, bởi tâm lý của nhiều người cho rằng để Thể Công ở lại giải hạng nhất lâu như vậy là không ổn, là ảnh hưởng đến tiếng tăm của đội nói riêng và quân đội nói chung, nhất là người hâm mộ vô cùng sốt ruột và cấp trên cũng thúc giục.

Trước ý kiến ấy, ông thẳng thắn trả lời: "Tôi phải có thời gian, phải nắm được tổ chức của tôi chứ, phải hiểu được quân của tôi chứ. Bây giờ bỏ tiền ra thuê nhiều cầu thủ giỏi về đá để lên hạng ngay, điều này không dễ dàng chút nào, vì cầu thủ nội giỏi có ít và họ không muốn xuống đá ở giải hạng Nhất, quan trọng hơn là lên rồi thì mình có kiểm soát được những "công thần" ấy không, có tạo ra được một phong cách Thể Công không, anh em có hiểu mình không?", và rốt cuộc, quan điểm của ông đã nhận được sự ủng hộ.

Giải quyết vấn đề lên hạng theo đúng lộ trình vạch ra, tỉnh táo và quyết đoán, ông Liêm cũng đề ra một lộ trình tương tự khi Thể Công có mặt ở V-League.

"Mình phải xác định mình là yếu nhất, phải kiếm từng điểm, phải cào cấu bấu víu để trụ hạng bởi Thể Công toàn cầu thủ trẻ, chưa có kinh nghiệm, chưa chuyên nghiệp. Tôi rất mừng vì đường đi nước bước của mình luôn nhận được sự đồng cảm và ủng hộ hết mình, ngay cả khi xác định mục tiêu năm nay chỉ là trụ hạng với vị trí khiêm tốn ở khoảng giữa", ông thẳng thắn.

Còn nhớ bài phát biểu của Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Viettel trong lễ mừng công hồi tháng 9 năm ngoái, đã cụ thể hoá những tính toán chậm mà chắc của vị "Tư lệnh" Thể Công này. Có thể nói hiếm có một nhà tài trợ nào như Viettel, ngoài sự hào hiệp chưa từng xảy ra trong làng bóng đá là đã tách thương hiệu của mình trả lại cái tên lịch sử cho Thể Công, còn chấp nhận các bước đi từ tốn theo lộ trình cần thiết để vươn tới giấc mơ vô địch V-League bởi quãng đường càng kéo dài cũng đồng nghĩa với việc càng tốn kém.

Cái duyên hay là sự đồng cảm đôi khi cũng có thể sự thấu hiểu và nhất trí ấy có cội rễ từ trong quá khứ, khi thuở nào một Viettel non trẻ đã ra đời từ trong lòng Bộ Tư lệnh Thông tin để rồi vươn mình lớn mạnh trở thành một tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, và họ đã có một quãng thời gian gắn bó đủ để hiểu nhau tạo nên sự đồng lòng, đồng tâm, ra đời một cơ chế đủ để tạo nên một sư bứt phá.

"Chúng tôi cùng gặp nhau ở một điểm là phải tạo dựng nên một phong cách Thể Công của những những người lính, chú trọng đào tạo lớp trẻ. Mục tiêu là có một câu lạc bộ bóng đá nền tảng truyền thống của QĐND Việt Nam để cụ thể hoá tinh thần ấy, dù có lâu đến đâu, có tốn kém đến như thế nào. Đội Thể Công vô địch trong tương lai phải là đội Thể Công được xây dựng có kế hoạch, ý định chu đáo từ ngày hôm nay", ông Liêm hào hứng.

Thể Công đã gây bất ngờ khi vượt qua Bình Dương ngay tại vòng 1 V.League 2008.

Đưa cho tôi xem bản fax chi chít tiếng Đức nhưng nổi bật lên một dòng tiếng Việt in đậm với phông chữ to chạy một câu chúc mừng đội Thể Công đã chiến thắng, ông Liêm cười không giấu được niềm tự hào: "Đây là bản fax chúc mừng của Trung tâm Huấn luyện thể thao Uckley, Berlin, nơi đội đã tập huấn 5 tuần trước khi giải diễn ra".

Nhớ lại những ngày ở nước Đức, vị "Tư lệnh" bộc bạch tưởng mọi chuyện thuận lợi thì hoá ra đấy lại là một trong những thời điểm khó khăn trong tháng ngày cầm binh của ông. Thời tiết thì lạnh buốt. Dự định tận dụng cơ hội để cọ xát và tuyển dụng ngoại binh, đội Thể Công chủ định mời một số cầu thủ châu Phi sang thử việc tại trại huấn luyện ở Đức, nhưng đến phút chót bạn nhất định không chịu cấp visa vì sợ họ trốn ở lại Đức. 35 ngày hợp nhất 2 đội (một đội đang tập huấn dài ngày ở đó) lại để chọn ra một đội hình hợp lý nhất, ngay khi trở về nước, trận đấu không thành công đầu tiên đã lại làm dấy lên nhiều luồng dư luận cả từ bên ngoài lẫn bên trong về hiệu quả của đợt huấn luyện và chọn tuyển ngoại binh tồi.

Lúc đó nhiều người khuyên ông Liêm: "Thôi, đội bóng lên hạng thì giờ ông giao lại là vinh quang nhất". Vị Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, kiêm luôn cả Trưởng đoàn, kiêm luôn cả người xây dựng hệ thống huấn luyện và đào tạo này cũng nghĩ lung lắm, nhưng tình cảm và sự mong đợi của toàn câu lạc bộ, nhất là một số cộng sự chân tình hiện tại, rồi lại quả quyết tiếp tục kiên trì công việc của mình chỉ với một lý do duy nhất: danh dự và trách nhiệm.

Những cú điện thoại liên tục thúc giục khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi đành phải tạm dừng khi câu chuyện đang mặn mòi. Những ngày này, ông Liêm đang vùi đầu vào chuẩn bị cho kế hoạch năm 2008, các chính sách và quy chế cho câu lạc bộ để báo cáo cấp trên và cho trận đấu tiếp theo sẽ diễn ra dưới Hải Phòng vào chủ nhật này, và người cầm quân của đội bạn chẳng phải ai xa lạ mà chính là HLV Vương Tiến Dũng, người cũ của Thể Công.

Chiến thắng trước ĐKVĐ Bình Dương làm cho ông vừa mừng vừa lo, mừng vì chiến thắng trong khi giới chuyên môn nhận định 95% là thua, lo vì ngại các cầu thủ trở nên chủ quan. "Tôi phải liên tục làm công tác tư tưởng và chấn chỉnh cho các em các cháu, không thì chiến thắng này khéo lại là nguyên nhân tâm lý để Thể Công bước vào một chuỗi sa sút ngay", vị "Tư lệnh" có tiếng là sâu sát với câu chuyện tay cầm kéo tay cầm tông đơ đích thân cắt tóc cho cầu thủ để đảm bảo sự nghiêm túc và chất lính của Thể Công, nồng ấm bắt tay tiễn khách rồi lại tất tả quay vào bàn làm việc, nơi tiếng chuông điện thoại đang rúc lên găn gắt từng hồi

Việt Đông
.
.
.