Từ hàng loạt phán quyết bất cập của Ban Kỷ luật VFF: Đến người nhà cũng nản

Thứ Tư, 08/11/2017, 08:04
Lần đầu tiên trong lịch sử, Hội đồng quản trị VPF - Công ty tổ chức, điều hành các giải bóng đá trong nước Việt Nam có văn bản chính thức phản đối cách làm việc của Ban Kỷ luật VFF do ông Nguyễn Hải Hường làm Trưởng ban.

Sau rất nhiều bức xúc dồn nén, trong cuộc họp Hội đồng quản trị VPF tại TP Hồ Chí Minh ngày 3-11, một thành viên VPF đã đứng dậy chỉ rõ những bất cập của Ban Kỷ luật. 

Thành viên này phân tích rất rõ và rất thuyết phục tình huống một tiền đạo ngoại của Sông Lam Nghệ An đã đánh nguội cầu thủ Khánh Hoà trong trận đấu giữa hai đội này tại vòng 23 V.League trên sân Nha Trang, từ đó kiến nghị Ban Kỷ luật phải có hình thức xử lý thích đáng, thế mà Ban Kỷ luật lại bỏ qua. 

Việc Ban Kỷ luật nhắm mắt, nói không với một tình huống bạo lực sân cỏ mười mươi như thế khiến không chỉ dư luận, người hâm mộ, mà ngay cả những nhà tổ chức giải thấy vô cùng bức xúc. 

Bởi lẽ, trong bối cảnh mùa nào V.League cũng phải đối diện với tình trạng bạo lực, bối cảnh mà Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch cùng Tổng cục Thể dục Thể thao liên tục nhắc VFF phải mạnh tay xử lý tiêu cực thì phán quyết của Ban Kỷ luật đã đi ngược lại tất cả. Những phán quyết như thế chắc chắn sẽ làm cho tình trạng bạo lực gia tăng.

Những phán quyết của Ban Kỷ luật VFF do ông Nguyễn Hải Hường làm Trưởng ban khiến chính "người trong nhà" bức xúc.

Sau những phân tích này, toàn bộ Hội đồng quản trị VPF kiến nghị một thành viên của Hội đồng cũng đồng thời là Phó chủ tịch chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn phải có hình thức nhắc nhở, xử lý các thành viên của Ban Kỷ luật. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Ban Kỷ luật là do Ban chấp hành VFF bầu ra, nên mọi hình thức nhắc nhở, xử lý Ban Kỷ luật phải thông qua Ban chấp hành. 

Thế nên chỉ sau cuộc họp này một ngày, VPF đã chính thức có văn bản gửi Ban chấp hành VFF, trong đó khẳng định: "Ban chấp hành phải quan tâm hơn nữa đến hoạt động của Ban Kỷ luật, đặc biệt là việc giới thiệu nhân sự tham gia vào Ban Kỷ luật ở nhiệm kỳ mới. Ngoài các cá nhân có chuyên môn về Luật, Ban Kỷ luật cần có người am hiểu sâu về bóng đá nói chung và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói riêng, qua đó đảm bảo có được những quyết định kỷ luật chính xác, công tâm, phù hợp với các quy định hiện hành, nhận được sự đồng thuận cao từ các đội bóng và người hâm mộ".

Phải nói, chưa bao giờ VPF có văn bản phản ứng chính thức, với những lời lẽ quyết liệt, đanh thép, không ngại va chạm như thế. Và theo thông tin của chúng tôi, sáng 7-11, văn phòng VFF đã gửi văn bản phản ứng của VPF đến tất cả các uỷ viên Ban chấp hành để xin ý kiến. 

Cuối tháng 12 Ban chấp hành sẽ họp, và đến tháng 3 năm tới VFF sẽ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VIII, có thể đấy sẽ là lúc những kết luận cuối cùng về cách làm việc của Ban Kỷ luật VFF trong suốt thời gian qua sẽ chính thức được đưa ra. Và đấy cũng là thời điểm mà các thành viên của Ban chấp hành rút ra những bài học lớn để giới thiệu nhân sự cho Ban Kỷ luật nhiệm kỳ VIII một cách hợp tình hợp lý.

Thực ra không chỉ riêng vụ bỏ qua lỗi đánh người mười mươi của cầu thủ Sông Lam Nghệ An ở mùa giải năm nay, nhiều mùa giải gần đây, các quyết định xử phạt của Ban Kỷ luật VFF thường xuyên gây tranh cãi. Từng có chuyện CLB Hải Phòng và Ban tổ chức sân Lạch Tray vi phạm quy chế ở sân chơi V.League nhưng sau đó Ban Kỷ luật lại phán xử CLB này chịu phạt ở mặt trận Cúp Quốc gia - cái mặt trận mà phần lớn các đội bóng Việt Nam đều không thiết tha đến cùng. 

Hay như việc ông Trưởng ban Nguyễn Hải Hường lúc nào cũng lặp đi lặp lại cái mệnh đề "án tại hồ sơ", nhưng đầu mùa giải năm nay, sau khi nhận những áp lực mạnh mẽ từ dư luận và những cơ quan có trách nhiệm, ban này xử phạt cầu thủ Hoàng Vũ Samson của CLB Hà Nội mà không cần hồ sơ do VPF gửi cho mình.

Rõ ràng là khi VPF phải chính thức ra văn bản phản ứng thì ai cũng hiểu những quyết định của Ban Kỷ luật đã khiến ngay cả những người trong cùng một nhà với mình bức xúc, chán nản lắm rồi.

Kiến nghị cả công tác trọng tài

Trong văn bản kiến nghị gửi Ban chấp hành VFF, bên cạnh những vấn đề của Ban Kỷ luật, Hội đồng quản trị VPF cũng nhắc rất nhiều đến công tác trọng tài. Theo VPF ở một số vòng đấu gần đây, có những sai sót của trọng tài cứ lặp đi lặp lại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của bóng đá Việt Nam nói chung và các giải vô địch quốc gia nói riêng. VPF đưa ra một con số giật mình: V.League hiện nay chỉ có 22 trọng tài, 27 trợ lý, trong đó 3 trọng tài và 2 trợ lý không đạt yêu cầu ở kỳ kiểm tra thể lực, và năm tới cũng sẽ có 2 trọng tài, 3 trợ lý hết tuổi làm nhiệm vụ. Do vậy VPF kiến nghị Ban chấp hành và Ban Trọng tài quốc gia phải đặc biết chú trọng tới công tác đào tạo các trọng tài kế cận.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.