Đấu kiếm Việt Nam khó giữ vị thế ở Đông Nam Á

Chủ Nhật, 05/03/2017, 09:32
Đấy là nỗi lo của những HLV Việt Nam đang cùng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam tham dự Giải vô địch đấu kiếm thiếu niên và trẻ châu Á 2017 tại Thái Lan. Những bước tiến vùn vụt của các kiếm thủ Singapore – đối thủ số 1 ở Đông Nam Á, nhờ một chiến lược đầu tư bài bản, dài hơi đang khiến những bước đi của đấu kiếm Việt Nam trở nên chậm chạp.


“Ta tiến 1, họ tiến 10”

Người trong nghề đã nói vậy khi ví von về sự đầu tư cũng như phát triển của đấu kiếm trẻ Việt Nam với Singapore. Trong vài năm gần đây, để giành vị trí số 1 Đông Nam Á cũng như châu lục, đấu kiếm Singapore đã thực hiện chiến lược đầu tư thực sự trong mơ với đấu kiếm Việt Nam. Chiến lược ấy lấy thực tế thi đấu, tập huấn tại các cường quốc về đấu kiếm thay vì lấy tập luyện trong nước để nâng trình độ VĐV. Như người trong nghề giải thích thì đó là cách làm “lấy thực chiến để nâng thành tích”.

Kiếm thủ Nguyễn Thị Luyến (ngoài cùng bên phải) nhận HCĐ ở Giải đấu kiếm trẻ châu Á 2017.

Theo đó, gần như mỗi tháng, từ đội tuyển quốc gia đến đội trẻ quốc gia với khoảng 25 đến 30 VĐV đều được dự một giải đấu quốc tế, diễn ra trên toàn thế giới, đặc biệt ở những khu vực và quốc gia phát triển mạnh nhất môn này. Sau mỗi chuyến thi đấu quốc tế, các kiếm thủ Singapore không về nước mà có khi ở lại chính quốc gia đó tập huấn 1-2 tuần trước khi dự  các giải quốc tế ở nước khác.

Trong khi đó, Ban huấn luyện của đội tuyển đấu kiếm Singapore cũng được đầu tư mạnh. Khi đấu kiếm Hàn Quốc thực hiện thay đổi cả dàn HLV đội tuyển quốc gia vào cuối năm 2016 để có bước phát triển mới thì đấu kiếm Singapore lập tức đón nhận Ban huấn luyện cũ của đội tuyển Hàn Quốc ở Olympic 2012, 2016. Thực tế, trình độ của những HLV Hàn Quốc này đã ở nhóm đầu thế giới bởi đã có học trò giành HCV tại Olympic 2012 lẫn 2016.

Cho nên, Singpore chiêu mộ được những HLV trên cũng chẳng khác gì bắt được “vàng”. Còn những HLV Hàn Quốc kia cũng có đất dụng võ ở một nền đấu kiếm đang được đầu tư mạnh mẽ với giấc mơ vươn lên nhóm đầu châu lục và số 1 Đông Nam Á.

Cách đầu tư của người Singapore trong thời gian qua đã được trả lời ngay ở các nội dung trẻ Giải đấu kiếm thiếu niên và trẻ châu Á 2017 ở Korat (Thái Lan). Các kiếm thủ Singapore cùng các kiếm thủ Hong Kong (Trung Quốc) cũng đang được đầu tư mạnh mẽ thi nhau loại khỏi cuộc chơi những tay kiếm của Hàn Quốc, Trung Quốc để lên ngôi vô địch. Chưa hết giải nhưng Hong Kong (Trung Quốc) đã chắc ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương, còn Singapore cũng trong nhóm đầu.

Việt Nam cử 18 kiếm thủ tham dự nhưng đến ngày áp chót của giải vẫn chỉ giành 1 HCĐ nội dung Kiếm ba cạnh nữ của kiếm thủ Nguyễn Thị Luyến. HLV Nguyễn Minh Quân của cô đều bảo rằng, giành HCĐ giải trẻ châu lục đã là quá tốt với mức đầu tư hiện tại của đấu kiếm Việt Nam, nơi các VĐV chỉ được tham dự 3-4 giải quốc tế/ năm.

Đã vậy, các nhà quản lý cũng phải nâng lên đặt xuống chán chê mới quyết dự giải bởi còn phụ thuộc vào kinh phí. Theo đó, chỉ những giải đấu gần Việt Nam mới được ưu tiên tham dự còn những giải đấu có chất lượng cao hơn, cơ hội cọ xát tốt hơn nhưng ở những nước có chi phí đắt đỏ cũng trở nên xa xỉ với đấu kiếm Việt Nam (thực tế đang dựa rất nhiều vào sự đầu tư của Hà Nội và phần nào là TP Hồ Chí Minh).

Lo gần, lo xa

Những bước tiến thần tốc của đấu kiếm Singapore khiến những người thuộc nằm lòng đấu kiếm Việt Nam không khỏi lo ngại. Họ đều khẳng định rằng, vị trí số 1 ở Đông Nam Á về trẻ của đấu kiếm Việt Nam đã thuộc về Singapore. Còn ở cấp độ đội tuyển quốc gia vẫn trong tình trạng 50-50 chứ chưa nghiêng hẳn về bên nào.

Nhưng chỉ cần đưa ra nhận định 50-50 trên cũng chẳng khác nào sự thừa nhận rằng đấu kiếm Việt Nam đang tiến chậm so với Singapore. Bởi đơn giản, vài năm trước đấu kiếm Việt Nam ở cấp độ đội tuyển quốc gia được đánh giá cao hơn hẳn đối thủ và tương quan ít nhất cũng phải là 60-40.

Ngay ở SEA Games 2017 tới ở Malaysia, câu trả lời về tương quan của hai đội tuyển quốc gia sẽ phần nào xuất hiện. Tại đó, sẽ chỉ có 6 bộ huy chương cá nhân. Khả năng giành 1 HCV còn trong tầm tay của đấu kiếm Việt Nam nhưng giành được 2 HCV lại là bài toán khó. Trong khi đó, nhiều người kỳ vọng đấu kiếm Việt Nam cũng phải giành được ít nhất 2 HCV. Đến lúc này, không thể không lo cho mục tiêu gần này.

Còn mục tiêu xa hơn sẽ là SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam. Cách đây 2 năm, ngay trên đất Singapore, các kiếm thủ Việt Nam đã vượt qua các kiếm thủ chủ nhà để giành 8/12 HCV tại SEA Games 28. Nhưng với đà thăng tiến của các kiếm thủ trẻ Singapore hiện nay, khả năng đấu kiếm Việt Nam bị tuột ngôi số 1 Đông Nam Á ngay trên sân nhà cũng hiển hiện. Thắng áp đảo ngay nơi đất khách nhưng thua thảm ngay trên sân nhà sẽ lại là nỗi đau không dễ nguôi ngoai.

Dù sao đấy vẫn chỉ là nguy cơ nhưng lo xa cũng không muộn. Giờ lại ở cách đầu tư cho bộ môn thế mạnh từng giúp thể thao Việt Nam có tới 4 vé trực tiếp tham dự Olympic 2016. Rõ là không thể đòi hỏi các kiếm thủ Việt Nam được đầu tư như các kiếm thủ Singapore hiện nay vì điều kiện không cho phép. Nhưng cũng không thể khoanh tay nhìn đối thủ vượt qua khi đã có con người để đầu tư.

Minh Nhật
.
.
.