Có nên xóa bỏ V.League 2020?

Thứ Năm, 26/03/2020, 08:08
Dừng V.League 2020 nếu thi đấu không khán giả, thậm chí bỏ hẳn giải đấu trong mùa dịch COVID-19. Đó là những ý kiến thiếu tính xây dựng của một số câu lạc bộ.

CLB Hà Nội là đội bóng có lượng khán giả nhiều thứ 2 ở V.League 2019. Đó cũng là mùa giải mà đội bóng thủ đô còn bị "treo sân" 2 trận đấu, mất đi một lượng lớn khán giả đến sân. Sau hơn 10 năm lên chơi ở V.League, Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc kéo khán giả đến sân.

Phải nhờ đến cú hích của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo tại Thường Châu năm 2018, Hà Nội mới thực sự nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Bởi đội bóng thủ đô có nhiều tuyển thủ góp mặt trong đội hình U23 Việt Nam.

Trong 2 mùa giải gần đây, sân Hàng Đẫy không còn trở thành sân nhà của các đội Hải Phòng, Nam Định, Sông Lam Nghệ An... Thế nhưng đến mùa giải 2020, Hà Nội cũng phải chịu chung tình cảnh với nhiều đội bóng khác là phải thi đấu trên sân không khán giả ở vòng đấu đầu tiên. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho đội bóng thủ đô phải chịu thiệt thòi lớn cả về mặt tinh thần và kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hội -Trưởng đoàn CLB Hà Nội cho biết: “Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, các câu lạc bộ đang phải chịu ảnh hưởng là điều thấy rõ. Bản thân chúng tôi cũng không hề muốn tạm dừng giải đấu hay diễn ra trên sân không có khán giả. Sức sống của một trận đấu chính là khán giả trên khán đài".

Trận Hà Nội và Nam Định diễn ra trên sân không khán giả. Ảnh: H.Đ

Trước vấn đề có ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn V.League 2020, ông Hội cho rằng: "Nếu xoá sổ giải đấu thì sẽ ảnh hưởng đến không chỉ câu lạc bộ mà còn kế hoạch tập trung của đội tuyển quốc gia. Chính vì vậy mà thời điểm này, chúng tôi cũng muốn chia sẻ với ban tổ chức. Việc quyết định thời gian thi đấu ra sao, thậm chí là trên sân có hay không khán giả đều phụ thuộc vào tính toán, cân nhắc của VPF sao cho phù hợp. Chúng tôi sẽ tôn trọng và chấp hành vì cái chung".

Còn ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF chia sẻ rằng, nhiều câu lạc bộ đã trao đổi và chia sẻ với ban điều hành V.League ở thời điểm hiện tại. Các đội đều muốn giải đấu được diễn ra khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. VPF cũng đang xây dựng nhiều phương án để đưa giải đấu được diễn ra sau khi dịch giảm xuống.

“Việc xoá bỏ giải đấu kéo theo nhiều hệ luỵ, đặc biệt là  hình ảnh giải đấu cũng như quyền  lợi của nhà tài trợ. Bên cạnh đó, kế hoạch tập trung của đội tuyển quốc gia cũng ảnh hưởng lớn khi chúng ta có những đợt tập trung quan trọng vào cuối năm” – ông Tú nói.

Một đội bóng có tiềm lực tài chính, có khán giả như Hà Nội vẫn muốn giải đấu được diễn ra vì cái chung. Thế nhưng, Chủ tịch câu lạc bộ Quảng Nam - Nguyễn Húp lại đưa ra những ý kiến: bỏ V.League 2020. Xoá sổ một mùa giải không khó, nhưng sau đó sẽ kéo theo hệ luỵ gì, ông Húp đã bao giờ tính đến?

Một đội bóng vì cầu thủ, vì khán giả, vì cái chung của bóng đá Việt Nam sẽ không đưa ra những ý kiến như vậy. Trong trường hợp mà tất cả cùng tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, vượt qua dịch bệnh thì trong vai trò một uỷ viên ban chấp hành VFF,  một lãnh đạo đội bóng như ông Húp lại có tư tưởng rã đám.

Lấy ý kiến của bầu Đệ trả lời báo chí để nói về trường hợp này thấm thía hơn hết. Ông chủ của Câu lạc bộ Thanh Hoá cho rằng: "Bỏ thì không được. Nói thế là không suy nghĩ cho người khác. Bỏ giải thì câu lạc bộ vẫn phải trả lương, lót tay cho cầu thủ vì hợp đồng đã ký rồi. Khi giải không diễn ra, các CLB làm sao để quyết toán được những khoản đó".

Sự vô cảm là điều không nên xuất hiện ở thời điểm mà V.League 2020 đang cần sự sẻ chia.

V.League có thể thi đấu tập trung tại một khu vực

VFF và VPF đã có buổi gặp mặt để đưa ra những phương án khác nhau nhằm có thể tổ chức trở lại V.League 2020.

Ông Trần Quốc Tuấn nêu ý kiến: “Vòng loại World Cup 2022 dự kiến trở lại trong tháng 10 và VCK AFF Cup 2020 được tổ chức vào cuối tháng 11. Đây là các nhiệm vụ hết sức quan trọng với ĐT Việt Nam. Việc thi đấu không khán giả hoặc lùi lịch thi đấu là biện pháp bất đắc dĩ, nhằm tránh tập trung đông người trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn tiếp tục bùng phát. Điều này cũng là một trong những cản trở đối với kế hoạch chuẩn bị cho các đội tuyển quốc gia.

V.League là giải đấu chuyên nghiệp và trong mọi hoàn cảnh, cầu thủ cũng cần phải có các hoạt động nghề nghiệp. Ngoài ra, các CLB cũng đang đứng trước khó khăn khi vẫn phải duy trì hoạt động cũng trả lương cho cầu thủ trong thời gian giải đấu tạm nghỉ. 

Việc này đồng thời cũng tạo ra những ảnh hưởng về mặt thương mại, về sự phát triển và sự ổn định của CLB. Nếu điều này diễn ra trong quá trình dài thì đó thực sự là một khủng hoảng đối với bóng đá thế giới nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng. Do vậy, chúng tôi đang rất cố gắng để đề ra các giải pháp, cũng như có sự tính toán thật kỹ, để đảm bảo cho các CLB, các cầu thủ duy trì hoạt động chuyên môn nghề nghiệp”.

Về phương án tổ chức V.League 2020, ông Tuấn nói: “V.League trải qua 2 vòng đấu với sự kiểm soát chặt chẽ của bộ phận y tế, sự quản lý của các CLB. Cầu thủ là tài sản của CLB, nên các CLB đều có nhận thức hết sức trách nhiệm. Tuy nhiên việc di chuyển liên tục theo cường độ hoạt động bóng đá dễ tạo ra tiếp xúc, viêm nhiễm trong quá trình di chuyển. 

Do vậy, khi dịch COVID-19 nâng lên đỉnh điểm, chúng tôi quyết định tạm dừng tất cả các giải đấu, đồng thời triển khai các giải pháp có thể áp dụng trong điều kiện mới. Ví dụ như trong thời gian tới nếu dịch COVID-19 giảm xuống, chúng tôi đang tính đến phương án tổ chức thi đấu tại một số địa điểm tập trung, làm sao để tạo điều kiện cho các CLB có thể di chuyển bằng ôtô, hạn chế tối đa việc di chuyển bằng máy bay”.

H.H

Hưng Hà
.
.
.