Có VAR không đồng nghĩa trận đấu công bằng hơn

Thứ Năm, 09/07/2020, 17:55
Những ý kiến về việc nên sớm đưa công nghệ VAR vào áp dụng tại V.league lại xuất hiện sau hàng loạt các sai lầm từ trọng tài trong các vòng đấu vừa qua. Tuy nhiên thực tế vận hành VAR ở một số nước cho thấy đây chưa phải là một lời giải đầy đủ cho một giải đấu công bằng hơn.


Trợ lý trọng tài video - VAR (Video Assistant Referee) là một hoặc một nhóm trợ lý trọng tài bóng đá có nhiệm vụ trợ giúp trọng tài chính ra quyết định qua việc sử dụng các đoạn video quay lại những tình huống cụ thể. 

Giải đấu lớn đầu tiên mà VAR góp mặt là World Cup 2018. Trong trận chung kết của giải đấu trên, đội tuyển Pháp đã được hưởng một quả phạt đền sau khi trọng tài tham khảo VAR để vươn lên dẫn 2-1 và qua đó giành chiến thắng 4-2 trước Croatia.

Sau World Cup 2018, một loạt giải vô địch quốc gia lớn đã áp dụng công nghệ VAR tiêu biểu trong số đó là Ngoại hạng Anh và La Liga. Tuy nhiên ở chính hai giải đấu này cũng đang xuất hiện những ý kiến phàn nàn về cái cách mà các trọng tài sử dụng công nghệ này trong các tình huống nhạy cảm. 

Chủ tịch CLB Barcelona ông Josep  Bartomeu hôm 5/7 khi nhận xét về VAR đã cho rằng: "VAR không ở mức mà mọi người mong muốn. Hậu giãn cách xã hội, có nhiều trận đấu VAR thậm chí mất hút nhưng lại xuất hiện ở những trận đấu có cùng một đội. Nhiều CLB khác đã không gặp may". 

Lời phát biểu có phần gay gắt trên của vị chủ tịch Barca dường như nhắm tới trận đấu giữa Real và Athletic Bilbao khi mà công nghệ VAR đã đem đến quả phạt đền giúp "đại kình địch" của Barca giành chiến thắng 1-0 qua đó củng cố vững chắc ngồi đầu bảng. Điều đáng nói là quả phạt đền đó đến từ một tình huống mà Ramos của Real bị cầu thủ Bilbao giẫm vào chân trong vòng cấm, tuy nhiên các vị vua áo đen La Liga lại “bỏ qua” tình huống mà đội trưởng của “kền kền trắng” làm điều tương tự với cầu thủ đối phương. Cần nhắc lại là La Liga sử dụng công nghệ VAR cho 100% các trận đấu của mùa giải 2019-2020.

VAR chỉ cung cấp hình ảnh, còn quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính, do đó vẫn có thể còn những sai lầm đáng tiếc. Ảnh: Reuters.

Nếu tính trên bình diện toàn bộ giải La Liga mùa này thì đúng là ông Bartomeu có lý do để nghi ngờ sự công bằng mà VAR có thể đem lại cho bóng đá. Cụ thể theo thống kê từ đầu mùa giải đến nay, Real đã được hưởng 9 quả phạt đền và đều thực hiện thành công trong khi chỉ bị thổi 2 quả penalty. Ngược lại Barca được hưởng 6 quả phạt đền nhưng cũng bị thổi phạt đền tới 6 lần. Điều đáng chú ý nằm ở tính quyết định của những quả phạt đền này. 

Trong 3 vòng đấu gần đây, những tình huống phạt đền đã "giúp" Real bỏ túi 6 điểm. Đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha nhận bàn thua từ những tình huống phạt đền trong đa số các tình huống không tạo ra ảnh hưởng quá lớn tới kết quả trận đấu. 

Trong khi đó, Barca nhận được hưởng 6 tình huống phạt đền trong các trận đấu mà họ gần như đã nắm chắc chiến thắng tức là không còn mấy giá trị, còn khi đội bóng xứ Catalan bị thổi phạt đền lại thường ở trong những tình huống quyết định khiến cục diện trận đấu có sự biến đổi lớn. Mới đây nhất là trận hòa 2-2 trước Atletico khi mà đội bóng xứ Catalan có hai lần bị thổi phạt đền, trong đó có một tình huống được nhiều CĐV của đội bóng xứ Catalan cho là "cực kỳ vô lý" mà VAR không can thiệp.

Tây Ban Nha không phải là nước duy nhất áp dụng VAR cho giải đấu cao nhất của mình và cũng không phải là nơi duy nhất xuất hiện những lời phàn nàn về tính công bằng của VAR - một công nghệ mà khi áp dụng rất nhiều người đã hy vọng nó sẽ đem lại một kỷ nguyên công bằng hơn cho bóng đá. Như giải Ngoại hạng mùa này cũng ghi nhận hàng loạt ý kiến chỉ trích VAR. 

HLV Arsenal Mikel Arteta đã tỏ ra cực kỳ không hài lòng với quyết định của trọng tài Chris Kavanagh về việc truất quyền thi đấu của Nketiah trong trận đấu Leicester tại vòng 34 Ngoại hạng Anh tối 7/7. Vị vua áo đen khiến Arsenal chỉ còn 10 người trên sân ngay đầu hiệp 2 bằng một quyết định mà có sự tham khảo từ VAR nhưng ông này lại "quên" tình huống tương tự của Jamie Vardy bên phía Leicester ở cuối hiệp 1. Kết quả của trận này là Arsenal bị cầm hòa 1-1. 

Trước đó vào tháng 2, trong trận đấu giữa Tottenham và Man City, Raheem Sterling đã có pha đạp gầm giày vào ống đồng của Dele Alli. Tuy nhiên dù đã tham khảo VAR, trọng tài Mike Dean - một ông vua sân cỏ hàng đầu nước Anh vẫn quyết định chỉ phạt cảnh cáo chân sút của Man City bất chấp sự phản đối của các cầu thủ Tottenham. HLV Jose Mourinho của Tottenham sau đó đã tỏ ra cực kỳ phẫn nộ với quyết định này của trọng tài, vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha dẫn chứng lại rằng trong một tình huống tương tự như thế Son Heung-min đã bị truất quyền thì đấu nhưng ở trận này thì Sterling lại không.

Rõ ràng giải Ngoại hạng Anh La Liga đều là những giải đấu hàng đầu thế giới với công tác tổ chức cực kỳ chuyên nghiệp nhưng khi áp dụng công nghệ VAR vẫn nảy sinh các tình huống gây tranh cãi thậm chí làm biến đổi hẳn kết quả trận đấu. Nguyên nhân thì có rất nhiều song có một điều chắc chắn có một nguyên nhân đến từ cách thức vận hành công nghệ này hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan của con người. 

Tổ vận hành công nghệ VAR sẽ báo cáo với trọng tài chính về những tình huống được cho là “nhạy cảm” trên sân để từ đó vị vua áo đen này ra quyết định. Sử dụng VAR hay không hoặc xác định cầu thủ có cố tình hay trong một tình huống cụ thể hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của trọng tài chính. Đây được xem là một trong những nguyên nhân mà công nghệ này nhận phải sự chỉ trích vừa qua.

Từ thực tế trên, việc áp dụng VAR tại V.league là điều cần thiết cho sự phát triển của giải đấu tuy nhiên hy vọng công nghệ này sẽ đem tới sự công bằng tuyệt đối và loại trừ được tất cả những sai lầm từ trọng tài thì thực sự hơi viển vông.

Tại Việt Nam, Công ty VPF cũng từng lên kế hoạch áp dụng VAR cho những trận đấu ở V.league. Mức chi phí cho thiết bị là không quá lớn tuy nhiên vấn để chính nằm ở khâu nhân lực. Theo quy định FIFA, các nước muốn được cấp phép sử dụng VAR ở các giải đấu phải có ít nhất 100 trọng tài để đào tạo vận hành công nghệ này và hiện Việt Nam chưa có đủ số lượng nhân lực này.

Nguyễn Bình
.
.
.