Cầu thủ nhập tịch vào Đội tuyển: Một câu chuyện dài
Nhiều người đặt vấn đề: Chỉ cần Đỗ Merlo (Đà Nẵng) hoặc Hoàng Vũ Samson (Hà Nội) khoác lên mình màu áo đỏ, và dẫn đầu hàng công là ngay lập tức bài toán ghi bàn của HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng sẽ được giải quyết trọn vẹn.
Lại có người đưa vấn đề đi xa: nếu cả Đỗ Merlo, Hoàng Vũ Samson, và khoảng 4,5 cầu thủ nhập tịch nữa cùng xuất hiện thì Đội tuyển Việt Nam có thể trở thành ứng cử viên lớn cho ngôi vô địch Đông Nam Á.
Hoàng Vũ Samson - một cầu thủ nhập tịch của CLB Hà Nội. |
Sau đó tại Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh, vì lý do "vợ sắp sinh con" mà Phan Văn Santos đã chủ động bỏ Đội tuyển, khiến HLV Calisto - người thầy ruột, gắn bó với Santos từ thời còn ở CLB Đồng Tâm Long An phải bực bội thốt lên: "Không bao giờ, tôi gọi cậu ấy vào Đội tuyển".
Chính những vết nứt đầu tiên ấy đã khiến cánh cửa Đội tuyển khép lại với những cầu thủ nhập tịch. Nói như cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thì: "Chúng tôi rất sợ khi khoác trên mình màu áo Việt Nam nhưng họ lại có những hành động đi ngược lại với văn hoá và bản sắc Việt Nam".
Ông Hỷ cũng nói rằng, lệnh cấm cầu thủ nhập tịch chỉ là "lệnh miệng", và đến tận lúc này thì "lệnh miệng" vẫn chưa được gỡ bỏ. Xét về lý, một cầu thủ nước ngoài đã nhập tịch Việt Nam thì đương nhiên đã trở thành người Việt Nam, và vì thế xứng đáng được khoác áo Đội tuyển Việt Nam.
Nhưng trên thực tế có một thời gian rất dài, vì quyền lợi của mình mà các CLB thi nhau Việt hoá cầu thủ ngoại, và tìm mọi cách, gõ mọi cửa để quá trình Việt hoá ấy diễn ra nhanh chóng.
Xong khi đã được Việt hoá thành công, các cầu thủ này ai cũng nói những điều rất đẹp như: "Tôi rất yêu Việt Nam", "Tôi sẵn sàng gắn bó với Đội tuyển Việt Nam", nhưng khi khúc mắc xảy ra thì lại có những sự thực khiến cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc phải ôm đầu xấu hổ.
Như chuyện một cầu thủ nhập tịch của CLB Ninh Bình (CLB giờ đã giải thể), sau khi được một đội bóng nhà giàu vung tiền mời về, cầu thủ này đã tìm đủ mọi lý do để rời khỏi Ninh Bình.
Quá uất ức, phía Ninh Bình công bố một sự thực: Trước đó họ đã cho cầu thủ này một khoản tiền rất lớn gọi là "phí hỗ trợ" để cầu thủ này đồng ý nhập tịch Việt Nam. Nói trắng ra thì đến khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, CLB Ninh Bình mới chứng minh cầu thủ kia nhập tịch chẳng qua vì tiền.
Nhận ra hàng loạt những hệ luỵ này nên những năm gần đây, việc nhập tịch cầu thủ đã bị "siết" lại. Chính vì thế những cầu thủ nhập tịch sau này có chất lượng tốt hơn và đáng tin hơn rất nhiều. Sự thay đổi đó có thể là cơ sở để trong tương lai cái “lệnh miệng” quanh việc không gọi cầu thủ nhập tịch vào Đội tuyển Quốc gia sẽ được xem xét lại.
Nhưng đấy vẫn là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, để đảm bảo chỉ số an toàn, chắc chắn cả VFF lẫn cấp trên của VFF đều giữ một thái độ hết sức thận trọng quanh vấn đề này.
Bầu Đức phản đối Bóng đá Đông Nam Á trong khoảng 15 năm qua đã có nhiều biến động quanh vấn đề cầu thủ nhập tịch. Cụ thể, bốn chức vô địch AFF Suzuki Cup của Singapore đều có sự đóng góp mang tính quyết định của các cầu thủ nhập tịch. Một Philippines luôn đóng vai "lót đường" bỗng vùng lên trở thành một trong những đội bóng mạnh mẽ, giàu sức cạnh tranh cũng là nhờ mở cửa cho các cầu thủ nhập tịch vào Đội tuyển. Nhưng VFF lại có một cách nhìn khác, mà nói như Phó chủ tịch tài chính Đoàn Nguyên Đức thì: "Vô địch bằng những cầu thủ nhập tịch thì có gì hãnh diện?". Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới mới đây, ông bầu này vẫn một mực giữ quan điểm, Đội tuyển Quốc gia phải nói không với cầu thủ nhập tịch, và đấy cũng là quan điểm chung của dàn lãnh đạo VFF ở nhiệm kỳ này. (Ngọc Anh) |