Câu chuyện bóng đá: ‘Xé’ người sang Nhật

Thứ Ba, 03/11/2015, 08:41
Hình ảnh Công Phượng trên đất Nhật, "nói tiếng Anh như gió" sau khi xem xong trận chung kết Cúp Quốc gia Nhật và được các CĐV của CLB Mito - CLB mà Phượng sẽ đầu quân trong thời gian tới nhiệt tình chào đón đang gây sốt nhiều trang mạng.

Những thông tin từ CLB Hoàng Anh Gia Lai cho hay, nhiều khả năng, sau Công Phượng, những Tuấn Anh, Xuân Trường... cũng được xuất ngoại sang Nhật để chơi bóng ở giải hạng 2 Nhật Bản. Vì sao cầu thủ Việt Nam bỗng nhiên lại trở thành mối quan tâm của giải Nhà nghề Nhật Bản đến vậy? Thực ra thì không riêng gì cầu thủ Việt, mà cầu thủ Đông Nam Á nói chung, trong đó có cầu thủ Thái Lan, Malaysia... những năm gần đây đã được các CLB Nhật quan tâm nhiều hơn, bởi quy chế giải chuyên nghiệp Nhật quy định những cầu thủ Đông Nam Á đá ở giải đấu này được tính như những cầu thủ... quốc nội. Đấy là còn chưa nói, nhiều doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng thị trường và thương hiệu của mình tại Đông Nam Á, nên việc nhắm đến những cầu thủ Đông Nam Á với họ giống như một mũi tên trúng nhiều cái đích.

Nhưng ở vế ngược lại, cần phải đặt ra câu hỏi: vì sao bầu Đức lại đồng ý cho quân của mình sang Nhật? Thật dễ hiểu, bởi kể từ khi lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy... được trình làng thì U.19 Nhật nói riêng và bóng đá Nhật nói chung luôn là một cái đích phấn đấu của bầu Đức. Những năm 2014, 2015, U.19 Việt Nam đọ sức với U.19 Nhật Bản rất nhiều lần, và sau mỗi lần sự tiến bộ của cầu thủ Việt Nam là không thể phủ nhận. Ngoài ra, giải hạng 2 Nhật Bản chắc chắn cũng có tính chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn cao hơn hẳn V.League. Theo lời kể và đánh giá của Lê Công Vinh - người đã có một thời gian không nhỏ gắn bó với giải đấu này thì ngay cả khi sang Nhật chỉ để... ngồi dự bị, các cầu thủ Việt Nam cũng sẽ học được những bài học lớn về tư tưởng, tác phong chuyên nghiệp. Và đấy là những học hỏi rất cần thiết trong bối cảnh bóng đá Việt Nam nhìn đâu cũng hỗn hoang, loạn lạc như bây giờ.

Hy vọng Công Phượng sẽ xuôi chèo mát mái trên đất Nhật. Ảnh:H.M .

Lại còn một lý do ngoài lề không kém phần quan trọng khác là khi ở Việt Nam, những Công Phượng, Tuấn Anh... đã nhận được sự quan tâm chú ý quá đà của dư luận cũng như giới truyền thông, và sự quá đà này đôi khi dẫn tới tác dụng ngược, ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển nghề nghiệp của các cầu thủ trẻ. Chắc chắn là ở một môi trường mới như Nhật Bản, các cầu thủ sẽ tránh được vấn nạn này, và có thể thanh thản chơi bóng, học hỏi một cách thật sự bổ ích.

Tuy nhiên trong câu chuyện đưa người sang Nhật hiện nay, người ta cũng nhìn rõ một sự thay đổi mang tính chiến lược của bầu Đức, và có thể đó là một sự thay đổi tất yếu của hoàn cảnh, khác hẳn với những tính toán của ông ngày trước. Ai cũng biết, khi lứa U.19 xưng hùng xưng bá, bầu Đức luôn khăng khăng cái ý tưởng "đã sử dụng, phải sử dụng nguyên bộ, chứ nhất quyết không xé lẻ từng cầu thủ". Thoạt tiên cái ý tưởng này cũng đã được thường trực VFF thông qua với quyết định đưa cả một thế hệ U.19 đi dự SEA Games 28, nhưng sau đó, với tiếng nói từ Tổng cục TDTT và quan điểm cầm quân của HLV trưởng ĐT U.23 Toshiya Miura, ý định này đã không được thực hiện. Chỉ có một vài cầu thủ thuộc lứa U.19 như Công Phượng, Văn Toàn... được đưa vào ĐT U.23, và chắc chắn đấy là điều bầu Đức không hài lòng.

Ông bầu này chỉ có thể áp dụng cái ý tưởng "sử dụng nguyên bộ" ở sân chơi V.League, nhưng ai cũng thấy khi "sử dụng nguyên bộ" U.19, CLB Hoàng Anh Gia Lai đã thất bại liểng xiểng, và phải sau khi thầy ruột của lứa U.19 là Guillaume Graechen bị sa thải, thầy nội Quốc Tuấn lên thay thế, cũng đồng thời thay thế luôn cái chiến lược "sử dụng nguyên bộ" thì HA.GL mới hú hồn trụ hạng vào phút chót.

Bây giờ, với việc xé lẻ từng cầu thủ sang Nhật, chắc chắn bầu Đức đã có một cách nhìn, cách nghĩ khác về những sản phẩm đào tạo của mình. Và đó là những cái khác cần thiết, giúp ông có thể đề ra những chính sách phát triển cầu thủ thực sự hợp lý với các lứa học viên sau này.

Bất ngờ...

Đó là cảm giác mà Công Phượng chia sẻ với báo giới sau khi đặt chân tới Nhật. Đầu tiên là bất ngờ với phong cách cổ vũ của các CĐV Nhật, khi họ hát từ đầu đến cuối trận đấu, và đặc biệt là bất ngờ với việc nhiều CĐV của CLB Mito đã biết đến mình, và chào đón mình một cách nồng nhiệt.

Mặc dù chỉ mới trực tiếp xem 1 trận đấu tại Nhật Bản nhưng Công Phượng tự tin cho biết cá nhân mình nói riêng cũng như những cầu thủ được đào tạo ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn... có đủ khả năng chơi bóng tại Nhật. Công Phượng cũng cho biết là những nhắc nhở, góp ý của người đàn anh, cũng là người đồng hương - Lê Công Vinh sẽ giúp anh rất nhiều trong quãng thời gian sinh sống tại Nhật tới đây.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.