Bóng đá Việt Nam có cách Nhật Bản đến 30 năm?

Thứ Sáu, 11/09/2020, 08:47
Giám đốc kỹ thuật VFF Yusuke Adachi đã thực sự nghiên cứu kỹ bóng đá Việt Nam khi nói rằng, 30 năm nữa chúng ta mới có thể thắng Nhật Bản?

Đó là câu hỏi được đặt ra sau khi Giám đốc kỹ thuật VFF Yusuke Adachi đã có những phát biểu đáng chú ý khi ra mắt bóng đá Việt Nam. Ông nói rằng: “Mục tiêu đánh bại Nhật Bản là giấc mơ của tôi. Đó không phải là mục tiêu dễ thực hiện trong ngắn hạn. Nhưng trong 30 năm tới, tôi nghĩ đội tuyển Việt Nam có thể đánh bại Nhật Bản. Tôi không phải nhà ảo thuật nhưng mục tiêu ấy có thể thực hiện được với tiềm năng to lớn của bóng đá Việt Nam”.

Trước đó, khi trả lời truyền thông Việt Nam, ông  Yusuke Adachi thậm chí còn mạnh dạn đề ra mục tiêu giúp Việt Nam vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc trở thành số 1 châu Á và lọt vào top 8 châu Á. Đây được xem là những mục tiêu quá tầm.

Câu hỏi được đặt ra cho ông Yusuke Adachi là, liệu rằng Việt Nam có đang cách Nhật Bản một khoảng quá xa đến 30 năm? Và liệu rằng trong thời gian đó, bóng đá Nhật Bản sẽ giậm chân tại chỗ để Việt Nam bắt kịp?

Thực tế, bóng đá Việt Nam đã có nhiều cuộc đối đầu với Nhật Bản ở các cấp độ khác nhau trong những năm gần đây. Việt Nam  đã vào đến tứ kết Asian Cup 2019 (Top 8 đội mạnh nhất). Trong trận đấu với Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam chỉ để thua 0-1. Tại ASIAD 2018, U23 Việt Nam thậm chí đã đánh bại được U23 Nhật Bản ở vòng bảng.Khoảng cách thắng - thua của chúng ta với Nhật Bản đang thu hẹp dần. Và nhìn vào những trận đấu đó thì bóng đá Việt Nam không thua quá nhiều về mặt đẳng cấp với người Nhật như nhiều năm trước đây.

Liên hệ sang HLV Park Hang-seo để thấy rằng, những mục tiêu của ông thiết thực hơn nhiều. Khi nhậm chức HLV trưởng ĐT Việt Nam, ông Park đưa ra hai mục tiêu trước mắt là tạo địa chấn tại giải U23 châu Á 2018 và đưa bóng đá Việt Nam lọt top 100. Và chỉ trong vòng 2 năm, ông Park đã hoàn thành mục tiêu của mình. HLV người Hàn Quốc còn giúp bóng đá Việt Nam có thêm được 1 chức vô địch AFF Cup và lần đầu tiên giành Huy chương Vàng SEA Games.

Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi ra mắt VFF. Ảnh: H.Đ

Trong suốt quá trình HLV Park Hang-seo dẫn dắt Việt Nam, ông luôn bị đặt một câu hỏi rằng, bao giờ Việt Nam vượt qua Thái Lan. Bởi chúng ta mới chỉ dám lấy một đối thủ mạnh nhất ở khu vực để làm cái đích vượt qua. Ông Park đã trả lời bằng những chiến thắng trước Thái Lan từ cấp độ đội tuyển quốc gia và U23. Và cho đến thời điểm hiện tại, ông Park vẫn bất bại trong tất cả những lần đối đầu với Thái  Lan.

Sau những thành tích mà HLV Park Hang-seo giành được cùng U23 và đội tuyển quốc gia tại đấu trường châu lục, ông Park cũng định hướng rằng, đối thủ của Việt Nam không chỉ còn là một Thái Lan trong khu vực, đó là những đội ở tầm cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Ông nói rằng, xác định như thế để chúng ta có động lực phấn đấu, và quan trọng hơn cả là để đưa nền bóng đá phát triển thì phải vượt qua được những đối thủ tầm châu lục. Đó là một tầm nhìn thực tế. Ông Park đề cao tất cả những nền bóng đá đang phát triển nhưng không vì thế mà muốn tạo ra một khoảng cách quá lớn với bóng đá Việt Nam.

ĐT Việt Nam đang có nhiều cơ hội lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Đó sẽ là cơ hội để chúng ta chạm trán với nhiều anh tài của bóng đá châu Á, trong đó có thể sẽ là Nhật Bản. Lúc đó, mỗi chiến thắng chỉ còn có khoảng cách 90 phút chứ không thể kéo dài đến 30 năm.

Đấy là nói về trận đấu cụ thể, còn thực tế nền bóng đá của chúng ta vẫn có những khoảng cách lớn với Nhật Bản, Hàn Quốc. So sánh dễ thấy nhất là chất lượng các giải bóng đá chuyên nghiệp. Chúng ta vẫn đang kém xa so với những quốc gia này. Việc các cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại vẫn chưa đủ tầm để toả sáng ở K.League hay J.League là một vấn đề phản ánh rõ nhất sự chênh lệch này.

Theo Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 - tầm nhìn 2030, mục tiêu cho giai đoạn 2 năm 2021 - 2030, bóng đá nam phải nằm trong top 10 châu Á, nữ top 6 châu Á. Căn cứ vào hiện tại, Việt Nam đang lọt top 100 thế giới và top 15 châu Á. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này trong vòng 10 năm tới. Còn chiến thắng Nhật Bản không khó, nhưng chiến thắng cả nền bóng đá của họ để vươn lên số 1 châu Á thì 30 năm có thể vẫn  là chưa đủ.

Theo đánh giá của ông Yusuke Adachi, cầu thủ Việt Nam có kỹ năng, nhưng hiện tại, nếu so với cầu thủ châu Âu thì Việt Nam vẫn chưa đến tầm. Tuy nhiên, ông cho rằng “Người Việt Nam làm việc rất chăm chỉ, đoàn kết. Đó là cơ sở cho sự phát triển trong tương lai. Tôi nghĩ rằng, bóng đá Việt Nam có tiềm năng lớn hơn sơ với các nước khác. Nhìn vào Nhật Bản, sau 30 năm, từ quốc gia không thể thắng được Hong Kong, Malaysia thì hiện giờ, Nhật Bản đã đánh bại được hầu hết các quốc gia tại châu Á. Đó là thành quả của sự chăm chỉ, cần cù. Tôi không rõ khi nào Việt Nam có thể làm được như vậy, nhưng với đức tính của mình, chúng ta sẽ làm được điều đó, chỉ là sớm hay muộn”.

Mong rằng, nền bóng đá Việt Nam sẽ có những bước phát triển để thu hẹp khoảng cách càng nhanh càng tốt với một đối trọng mới là Nhật Bản. Muốn thế, chúng ta hãy nhìn vào bài học từ người Nhật.                      

Hà Nội phải thay đổi phương án vì Văn Hậu

Chiều nay (11-9), 2 trận tứ kết Cúp Quốc gia  Bamboo Airways 2020 sẽ chính thức trở lại. Trên sân Hàng Đẫy, Hà Nội sẽ đón tiếp Cần Thơ, trên sân Bà Rịa, đội chủ nhà Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đón tiếp TP Hồ Chí Minh.

Do Bà Rịa Vũng Tàu và Cần Thơ là hai đội bóng ở hạng Nhất nên cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải sử dụng 100% nội binh để thi đấu Tứ kết Cúp Quốc gia. Đây là mùa giải mà Hà Nội đang quyết tâm bảo vệ chức vô địch Cúp Quốc gia. Chính vì thế mà mọi sự chú ý sẽ được đổ dồn về sân Hàng Đẫy.

Hà Nội gặp tổn thất lớn khi Đoàn Văn Hậu gặp chấn thương nặng trong buổi tập vào chiều 8-9. Anh bị phù dập dây chằng chéo và gân cơ khoeo, dập sừng sau sụn chêm trong và sừng chêm ngoài độ 1 gối phải. Văn Hậu dự kiến nghỉ thi đấu ít nhất 1 tháng, đồng nghĩa với việc sẽ vắng mặt trong trận đấu tứ kết Cúp Quốc gia và một số trận đấu ở V.League.

HLV Chu Đình Nghiêm từng xây dựng rất nhiều phương án cho hàng thủ của Hà Nội khi Văn Hậu trở về từ Heerenveen. Bằng chứng là việc ông thường xuyên xếp Văn Hậu chơi ở vị trí trung vệ lệch trái trong những trận giao hữu. Việc Hậu chấn thương khiến mọi tính toán của ông Nghiêm phải thay đổi.

Ngoài Văn Hậu, Hà Nội cũng sẽ không có sự phục vụ của hậu vệ Văn Dũng vì lật cổ chân trong trận giao hữu với câu lạc bộ Viettel. Từ đầu mùa giải Hà Nội đã mất hai trung vệ là Duy Mạnh và Đình Trọng vì chấn thương. Do đó mà khó khăn tiếp tục nối dài với đội bóng thủ đô.                                                                  

H.H

Hưng Hà
.
.
.