Bóng chuyền đang mất dần những cái tên

Thứ Năm, 05/11/2015, 09:00
Tại Việt Nam, sau bóng đá, bóng chuyền là môn thể thao mang tính cộng đồng cao nhất được đông đảo người dân quan tâm. Tuần tới, vòng 2 giải toàn quốc 2015 chính thức khởi tranh (bắt đầu từ ngày 14/11 tại Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh) qua đó sẽ xác định được đội nào vô địch và đội nào xuống hạng. Thế nhưng, bóng chuyền đang trong nỗi ưu tư riêng khi đang dần bị mất đi những đội bóng vốn có truyền thống từ rất lâu…


Mặt trái của cơ chế phải tự chủ

Câu chuyện một số đội bóng sẽ không tồn tại sau năm 2015 sẽ rơi phần lớn vào các CLB thuộc bóng chuyền Quân đội. Ngay từ đầu năm 2015, đội bóng đầu tiên là Quân khu 5 chính thức giải thể dù họ vẫn có suất thi đấu giải toàn quốc. Nối tiếp theo đội bóng này, sau giải toàn quốc năm nay, có thể sẽ là đội nam Quân đoàn 4, đội nữ Phòng không Không quân.

Một cái tên khác được nhắc tới là đội nam Quân khu 9 (đang thi đấu tại hạng A) khi số phận gần như được định đoạt sẽ không tồn tại nữa. Một trong những nguyên do tiến tới sự giải thể này là ngành thể thao Quân đội chủ trương không bao cấp tài chính các đội. Các đội bóng sẽ phải tự chủ tự quản về tài chính. Vì thế, đội bóng nào nếu tự chủ được kinh phí duy trì, họ hoàn toàn được tồn tại độc lập. Bằng không, tự thân sẽ phải giải thể.

Bóng chuyền Việt Nam trong quá khứ đã mất đi rất nhiều đội bóng làm nên thương hiệu một thời như Seaprodex, Dệt Thành Công, Bưu điện Hà Nội, Dệt Nam Định…

Trong 3 năm trở lại đây, một cuộc giải thể ồ ạt tương tự thuộc về các đội bóng của ngành dầu khí như đội nam Tập đoàn dầu khí VN, nữ Vietsov Petro, nữ Dầu khí Thái Bình Dương. Tất cả đều nằm ở vấn đề tài chính. Khi hỏi về cơ chế hoạt động của một đội bóng chuyền trong một năm sẽ tiêu tốn khoảng bao nhiêu tiền, nhiều đội bóng chia sẻ mức chi phí trong khoảng 3-4 tỉ đồng/năm. Đem con số này so với mức 30 tỉ đồng để duy trì một đội bóng đá là nhỏ hơn rất nhiều. Thế nhưng, bóng chuyền hoàn toàn chưa thể so với bóng đá và nhà đầu tư cũng như số đông người hâm mộ luôn hướng tới bóng đá. Trong cơ chế hoạt động của bóng chuyền Việt Nam vào lúc này, hiện duy nhất có 2 đội thuộc doanh nghiệp quản lý là nam Đức Long Gia Lai và nữ Ngân hàng Công Thương. Các doanh nghiệp này tự chủ tài chính cho đội bóng ngay từ đầu nên cầu thủ khi về khoác áo đều biết đây là sự vận hành theo cơ chế thu-chi chứ không phải ngân sách. Số đông những đội bóng khác hiện đều thuộc đơn vị ngành hoặc Sở VH-TT-DL địa phương. Vì thế, hoạt động đều chờ tiền đầu tư hằng năm. Nếu hỏi các đội bóng có muốn tự chủ tài chính hay không thì có ý kiến muốn, có ý kiến không. Nếu có nhà tài trợ dài hơi, các đội bóng rất muốn tự mình quản lý không phải phụ thuộc rồi rơi cảnh “ăn đong” từng năm. Như trường hợp của đội nam Quân đoàn 4, với bề dày hơn 30 năm tồn tại, lãnh đạo và cầu thủ đội bóng chưa một lần tin mình có thể bị giải thể do khó khăn kinh tế. Giờ, điều ấy đang dần hiển hiện.

Hai đội VTV Bình Điền Long An và Thông tin lienvietpostbank luôn là điểm đến lý tưởng vào lúc này.

Lúc này cầu thủ cần đội bóng

Chính việc nhiều đội bóng không còn tồn tại, thị trường cầu thủ không quá nhộn nhịp. Cách đây khoảng 5 năm, mỗi khi mùa giải mới diễn ra, các đội bóng đôn đáo tìm thuê cầu thủ tốt nhất cho mình. Khi ấy, số lượng vận động viên (VĐV) muốn rời CLB không nhiều nên thị trường khan hiếm nhân lực và xảy ra tình trạng có đội “đi đêm” đẩy mạnh lót tay mời cầu thủ về.

Bây giờ, nhiều đội giải thể, cầu thủ bị thất nghiệp nhiều. Điều quan trọng của họ chỉ là muốn có đội bóng về đầu quân. Chính thế, các đội bóng hiện tại lại có cái thế riêng của mình.

Quả thật, trong làng bóng chuyền nói chung, không nhiều đội bóng có ổn định về tài chính lẫn cách huấn luyện thi đấu. Có thể kể tới những đội như Sanest Khánh Hòa, Maseco TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Công Thương, VTV Bình Điền Long An, Thông tin lienvietpostbank, Biên phòng… Đây đang là địa chỉ vàng mà các cầu thủ bị thất nghiệp muốn tìm về. Tiếc rằng, mỗi đội bóng tối đa chỉ nuôi được 15 đến 16 cầu thủ nên họ không thể nhận đông đảo người về đầu quân.

Bóng chuyền của lực lượng CAND cũng có nhiều đơn vị phải nỗ lực mới đủ ngân sách nuôi nổi đội bóng. Tuy nhiên, được khoác áo một đội bóng của lực lượng là niềm vinh dự của các cầu thủ nên rất ít khi VĐV muốn rời đội. Năm nay, bóng chuyền CAND không có đội nào thi đấu giải toàn quốc.

Năm 2016, đội Công an TP Hồ Chí Minh là đại diện của bóng chuyền lực lượng thi đấu giải toàn quốc. Tuy nhiên, dù rất lạc quan nhưng ai cũng hiểu, xét về lâu dài, nếu tất cả các đội bóng có thêm tài trợ là điều đáng quý. Với thể thao nói chung, vấn đề tài chính (dù rất tế nhị) nhưng lại quyết định sự tồn tại và duy trì cũng như tâm lý VĐV không bị xao động.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.