Bầu Đức, bầu Hiển và thế thời của bóng đá

Thứ Sáu, 21/09/2018, 09:04
Trận thua tan nát của HAGL trước đội hình 2 của CLB Hà Nội ở vòng 23 V.League 2018 không chỉ được nhìn dưới góc độ một trận bóng đá. Đó là cách phản ánh rõ rệt nhất thế thời trên con đường làm bóng đá của bầu Đức, bầu Hiển cũng như thế hệ các ông bầu Việt Nam.


1. Năm 2003, 2004 khi bầu Đức vung tiền làm bóng đá và trở thành một thế lực lớn của làng túc cầu Việt Nam với hai chức vô địch liên tiếp thì bầu Hiển vẫn chưa dấn thân vào làm bóng đá. 

Bầu Đức có danh tiếng và được nhiều người biết đến. Tất nhiên, điều đó khiến cho công việc làm ăn cũng được hưởng lợi. Bầu Đức từ chỗ là doanh nhân đã được biết đến là ông bầu làm bóng đá một cách căn cơ bài bản.

Bầu Đức dốc hầu bao đưa những ngôi sao đình đám như Kiatisak, Lee Nguyễn cũng như các tuyển thủ quốc gia về phố núi. Chính điều đó đã khiến cho HAGL gặt hái những thành công ngay từ mùa giải đầu tiên sau khi thăng hạng. Đó là một mô hình điển hình cho việc đầu tư tiền làm bóng đá trong thời đại của những ông bầu.

Thế nhưng bước ngoặt trong định hướng làm bóng đá của bầu Đức đã thay đổi khi ông đưa quân sang tập huấn tại Châu Âu và gặp gỡ HLV Wenger của Arsenal năm 2007. 

Chính lời khuyên của “giáo sư” đã khiến bầu Đức hy sinh những cánh rừng cao su để xây học viện HAGL-Arsenal-JMG. Thế là từ chỗ dốc tiền mua ngôi sao, bầu Đức quyết tâm đầu tư bài bản để ươm mầm tài năng trẻ.

Bầu Hiển đã có 4 chức vô địch V.League với riêng Hà Nội FC. Ảnh: MH.

Suốt một khoảng thời gian kéo dài 10 năm HAGL không có danh hiệu. Thế nhưng, bù lại bầu Đức đã có một thế hệ trẻ đầy tài năng của khoá 1 Học viện HAGL. Đó là những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh, Hồng Duy, Văn Toàn… Những cầu thủ đã tạo ra một cơn sốt lớn cho bóng đá Việt Nam kể từ khi trình làng ở giải U19 Đông Nam Á 2014. 

2. Năm 2006, khi bầu Hiển bắt đầu xuất hiện trên bản đồ bóng đá khi gắn với CLB Hà Nội T&T. Đội bóng đã thăng 3 hạng liên tiếp để chính  thức có mặt ở V.League 2009. Và cũng chỉ 1 năm sau đó, bầu Hiển đã có chức vô địch vào năm 2010.

Giống như bầu Đức, bầu Hiển cũng vung tiền làm bóng đá với việc chiêu mộ nhiều cầu thủ giỏi, cầu thủ chất lượng trong và ngoài nước để có danh hiệu. Thế nhưng, ông bầu này lại chú trọng song song với công tác đào tạo trẻ. Tuy nhiên, bầu Hiển lại đầu tư cho hơn một đội bóng ở V.League. 

Ngoài Hà Nội T&T (bây giờ là CLB Hà Nội) thì SHB. Đà Nẵng là đội bóng thứ 2 của bầu Hiển. Câu chuyện một ông chủ 2 đội bóng này sinh nhiều tranh cãi. 

Cuối cùng là năm 2012, ông Hiển tuyên bố thoái vốn khỏi cả 2 công ty cổ phần thể thao T&T và SHB Ðà Nẵng. Thế nhưng, thực tế thì bầu Hiển vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến hai đội bóng này.

Tuy nhiên, mặc dù chính danh chỉ còn lại Hà Nội, thế nhưng câu chuyện đến thời điểm hiện tại là bầu Hiển lại có sự liên quan đến nhiều đội bóng khác. 

Ngoài Hà Nội còn có SHB.Đà Nẵng, Sài Gòn, Quảng Nam. Có những trận đấu, bầu Hiển được ví như vị CĐV đặc biệt khi sẵn sàng xuống sân tặng tiền mặt cho những đội bóng được cho là ảnh hưởng của mình.

Cũng vì thế mà trong 10 năm kể từ khi lên chơi V.League, bầu Hiển đã có 7 chức vô địch V.League  nếu tính cả những đội bóng ông có liên quan là Hà Nội (2010, 2013, 2016, 2018), Đà Nẵng (2009, 2012) và Quảng Nam (2017). 

Cũng giống như bầu Đức, bầu Hiển được biết đến nhiều hơn nhờ bóng đá và cũng có ảnh hưởng sâu rộng hơn đến bóng đá Việt Nam. Điều này phần nào đã khiến công việc kinh doanh hưởng lợi.

3. Sau 10 năm, khi các ông bầu rút khỏi bóng đá bằng những cách khác nhau thì cả bầu Đức và bầu Hiển vẫn là những người có tầm ảnh hưởng lớn. Lúc này, cả Hà Nội và HAGL đều được biết đến như những nơi có công đóng góp cho bóng đá Việt Nam những tài năng chất lượng. 

Bằng chứng là ở giải U23 Châu Á 2018 và ASIAD 18, quân Hà Nội và HAGL đóng góp lực lượng chính trong thành tích ấn tượng của U23 Việt Nam. Dù không ồn ào từ việc xây học viện đến trình làng lứa cầu thủ khoá 1 như bầu Đức, bầu Hiển âm thầm cống hiến những cầu thủ chất lượng không kém.

Thế nhưng, trở lại sân chơi V.League, dường như thế thời đã khác. Trận thua tan nát của HAGL trước đội hình 2 của CLB Hà Nội ở vòng 23 V.League 2018 không chỉ được nhìn dưới góc độ một trận bóng đá. Nó phản ánh rõ nhất bức tranh của nền bóng đá dưới thế lực của hai ông bầu đình đám. 

Thực tế thì trong 3 năm trở lại đây, HAGL không được xếp chung mâm với Hà Nội. Bởi nếu như “những đứa trẻ nhà bầu Đức” được đôn  lên V.League  một cách ồ ạt thì quân Hà Nội lại được kèm cặp dìu dắt bởi các cầu thủ có kinh nghiệm để trưởng thành. Đó là sự khác biệt trong hai con đường làm bóng đá của hai ông bầu.

Trong đội hình U23 Việt Nam từ sân chơi U23 Châu Á đến ASIAD 18, quân HAGL cũng đã lép vế dần so với quân Hà Nội. Tại ASIAD 18, chỉ có Văn Thanh thường xuyên được thi đấu chính thức, số còn lại chỉ được vào sân từ ghế dự bị hoặc thi đấu không thường xuyên. Đây là cơ sở để nhìn nhận đúng giá trị hiện tại của quân Hà Nội và HAGL.

HAGL cạnh tranh suất trụ hạng

Sau trận thua trước Hà Nội ở vòng 23 V.League, HAGL rơi xuống vị trí thứ 11 với 27 điểm. HAGL đã để thua tới 49 bàn sau 23 trận đấu, là đội bóng duy nhất ở V.League để thủng lưới trung bình hơn 2 bàn mỗi trận. HAGL chính thức trở thành đội bóng có hàng phòng ngự tệ nhất V.League 2018.

HLV Dương Minh Ninh cho biết: “Sau những trận thua liên tiếp, chúng tôi hiện giờ đang rất khó khăn. Mục tiêu của HAGL ở thời điểm này là trụ hạng thành công. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, chúng tôi cần phải tập trung ở 3 trận đấu cuối, đặc biệt là chuyến làm khách trên sân Thiên Trường của Nam Định ở vòng 24 tới”.

Hưng Hà
.
.
.