Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam: Không bớt nóng!
Bộ Thông tin & Truyền thông mới đây đã có công văn gửi một loạt các nhà đài, chỉ đạo việc kiên quyết không mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa 2016 - 2019 bằng mọi giá, và kiên quyết không cạnh tranh, đẩy giá bản quyền lên cao, gây thất thoát ngoại tệ cho nền kinh tế nước nhà.
Vẫn cần nhắc đi nhắc lại rằng giải Ngoại hạng Anh lên sóng VTV lần đầu tiên vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, và khi ấy cái giá mà VTV phải trả đơn giản chỉ là một thời lượng quảng cáo nhất định trên sóng của mình. Phải đến mùa giải 2002 - 2004, VTV mới phải trả gần 1 triệu USD tiền bàn quyền, và thời điểm ấy tất cả đều tin rằng vấn đề bản quyền không phải là vấn đề lớn với chúng ta. Nhưng mọi sự thay đổi khi VTC ra đời, và để tạo cú hích cho riêng mình, đơn vị này đã mua độc quyền bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh trong 3 mùa 2007 - 2010 với cái giá lên tới gần 4 triệu USD.
Sau đó, khi K+ ra đời, thì giải ngoại hạng Anh vẫn được xem là một cái cần hữu hiệu để "câu" khán giả, nên bằng mọi giá K+ đã liên tiếp sở hữu độc quyền các trận đấu ngày chủ nhật - các trận đấu thực sự đáng xem của giải đấu này. Gần đây nhất, để có được gói bản quyền kéo dài trong 3 mùa giải 2013 - 2016, các đơn vị truyền hình của VTV, đứng đầu là K+ đã phải bỏ một mức giá kỷ lục lên tới 38 triệu USD.
Vấn đề bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam luôn nóng bỏng. Ảnh: H.M . |
Nhìn lại lịch sử mua - bán bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh, ai cũng thấy rõ hai vấn đề. Một: giá bản quyền đã tăng nhanh, tăng mạnh, tăng phi mã, và theo tính toán của dân kinh doanh truyền hình thì cứ với đà này, thậm chí giá bản quyền cho gói mới nhất, kéo dài trong 3 mùa 2016 - 2019 có thể lên tới tròm trèm 50 triệu USD. Trong thời buổi kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nếu đúng là chúng ta phải mất một con số khủng khiếp như vậy chỉ để xem đá bóng thì đúng là cực kỳ lãng phí. Hai, từ xưa đến nay không có bất cứ nhà đài Việt Nam nào có thể mua trực tiếp bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh từ gốc, nghĩa là từ chính BTC giải đấu này hoặc những đơn vị truyền hình - truyền thông được BTC giải đấu này uỷ thác vấn đề bản quyền truyền hình. Tại sao vậy? Tại trong những cuộc đấu thầu có sự tham gia của rất nhiều đơn vị kinh doanh bản quyền truyền hình quốc tế - những đơn vị có mối quan hệ, kĩ thuật đấu thầu, và đặc biệt là tiềm lực kinh tế rất lớn, tất cả các nhà đài Việt Nam nói riêng và các đơn vị kinh doanh bản quyền truyền hình Việt Nam nói chung đều không có cửa cạnh tranh.
Hiện tại, đối tượng nắm giữ bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa 2016 - 2019 là hai hãng truyền hình lớn Sky Sports và BT Sports, và ngày 3 tháng 11 vừa qua, hai hãng này đã mở hồ sơ mời thầu, trong đó dĩ nhiên có gói thầu bản quyền truyền hình giải Anh tại thị trường Việt Nam. Kịch bản dễ xảy ra nhất là một đơn vị trung gian nào đó chẳng hạn như MP & Silva hay IMG sẽ trúng gói thầu này và sau đó sẽ chia gói thầu của mình thành các gói nhỏ (trận đấu ngày chủ nhật, trận đấu ngày thứ bảy...) rồi bán lại cho các nhà đài Việt Nam.
Với sự chỉ đạo mới đây của Bộ Thông tin & Truyền thông, có thể tin rằng các nhà đài Việt Nam sẽ đoàn kết một lòng trong "trận đấu" với những đơn vị trung gian này, thay vì mỗi người một kiểu, mỗi người một cửa, để những đơn vị này thoả sức ép giá như những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng trong gói thầu giải Ngoại hạng Anh 2013 - 2016 vừa qua, không có bất cứ nhà đài Việt Nam nào trúng gói quan trọng, bao gồm các trận đấu ngày chủ nhật và các trận đấu sớm ngày thứ bảy. Cái gói này lại được IMG bán cho một đài truyền hình của Pháp là Cannal +, và sau đó thì Cannal + lại chuyển giao cho đơn vị con của mình là K+.
Và như thế, câu chuyện bản quyền vẫn cực kỳ nóng bỏng.
Đại diện cho các nhà đài Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Huy, Trưởng ban Thể thao của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC nhấn mạnh vào chi tiết: "Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo các nhà đài đoàn kết để mua lại bản quyền truyền hình, nhưng vấn đề là đối tượng đại diện cho các nhà đài là ai". Theo lời ông Huy, trước đây, đơn vị đại diện thường là Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam hoặc VTV, nhưng lần này cần thiết phải có sự thay đổi, và thật lý tưởng nếu người đứng đầu là một đại diện của Bộ Thông tin & Truyền thông. Ngọc Anh |