Vụ SADECO, luật sư đề nghị chuyển đổi tội danh cho bị cáo

Thứ Năm, 06/01/2022, 02:34

Gây thiệt hại cho Nhà nước 1.103 tỷ đồng, khai báo quanh co, cố tình né tránh trách nhiệm, không thể hiện thái độ ăn năn, hối cải là muốn “hợp tác” với Cơ quan điều tra để tìm ra… sự thật khách quan.

Sau khi đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án cho từng bị cáo với từng tội danh, phiên tòa xét xử cựu Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang cùng các đồng phạm về các hành vi “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư và tự bào chữa của các bị cáo.

Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn – SADECO (Công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC) đã chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược, Công ty Nguyễn Kim với giá 40 ngàn đồng/ cổ phần mà không thông qua thẩm định giá và đấu giá, khiến SADECO thất thoát 1.103 tỷ đồng.

Vụ SADECO, luật sư đề nghị chuyển đổi tội danh cho bị cáo -0
Các bị cáo trong phiên xét xử ngày 5/1

Theo các luật sư, ông Tất Thành Cang không phải là người được giao quản lý tài sản nhà nước nên không phải là chủ thể của tội danh bị truy tố, xét xử. Bị cáo Tất Thành Cang bút phê “đồng ý vào tờ trình (số 1148) là do việc làm, báo cáo không trung thực, gian dối của đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO.

Trong quá trình xét xử, bị cáo Tất Thành Cang đã phủ nhận lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng (SN 1981, cựu Tổng giám đốc Công ty IPC và cựu Chủ tịch HĐQT SADECO) và phủ nhận trách nhiệm, không thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu.

Theo nhận định của đại diện VKS, bị cáo Tất Thành Cang có thái độ khai báo quanh co, cố tình né tránh trách nhiệm, không thể hiện thái độ ăn năn, hối cải cần phải có của một người từng là lãnh đạo, dám làm dám chịu, nên VKS đề nghị HĐXX cần có một bản án nghiêm khắc với đủ tính răn đe đối với bị cáo. Bị cáo Tất Thành Cang bị đề nghị 12 – 14 năm tù.

Nghĩ khác, các luật sư cho rằng, việc “không thừa nhận trách nhiệm” của bị cáo Tất Thành Cang là muốn “hợp tác” với cơ quan điều tra để tìm ra sự thật khách quan, chứ không phải quanh co, chối tội. Đồng thời các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thất Thành Cang… không phạm tội.

Vụ SADECO, luật sư đề nghị chuyển đổi tội danh cho bị cáo -0
Bị cáo Tất Thành Cang bị đề nghị 12-14 năm tù

Với bị cáo Tề Trí Dũng (bị đề nghị 20 -22 năm tù), luật sư bào chữa cho rằng một số chứng cứ chưa được cơ quan công tố ghi nhận. Luật sư chỉ ra sự khác nhau giữa vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước và tài sản Nhà nước. Theo luật sư,  doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào đơn vị  khác (ở đây là IPC đầu tư vào SADECO) không phải là vốn Nhà nước mà là vốn của doanh nghiệp Nhà nước.

Trích dẫn bút lục, luật sư kết luận IPC không phải là công ty mẹ của SADECO vì sở hữu dưới 70% cổ phần.  UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan đại diện vốn Nhà nước đầu tư vào IPC, không đầu tư vào SADECO. Cho nên theo quy định, SADECO có quyền tự quyết, độc lập...  Và tính tới thời điểm này, sổ cổ phần IPC ở SADECO còn nguyên, không xê dịch

Tại tòa, bị cáo Tề Trí Dũng thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi, nhưng thực hiện theo sự đồng ý và chỉ đạo từ cấp trên, ở đây là bị cáo Tất Thành Cang, khi đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Luật sư của bị cáo Tề Trí Dũng cũng cho rằng, cấp trên chỉ đạo không rõ ràng tạo ra nhận thức là đồng thuận của bị cáo Tề Trí Dụng cũng như những thành viên đại diện vốn khác tại IPC, SADECO.

Sau khi thanh tra ra sai phạm, bị cáo Tề Trí Dũng cũng những bị cáo khác báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh, nỗ lực khắc phục hậu quả. SADECO và Nguyễn Kim đã chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại phần thiệt hại trong vụ án, cũng như xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Vụ SADECO, luật sư đề nghị chuyển đổi tội danh cho bị cáo -0
Bị cáo  Hồ Thị Thanh Phúc bị đề nghị 19 - 21 năm tù
Với các bị cáo đồng phạm khác, các luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc SADECO bị VKS đề nghị từ 19-21 năm tù về 2 tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí và tham ô”.

Theo luật sư, bị cáo được thuê (trong phần xét hỏi, Phúc cũng thự nhận mình chỉ là người làm thuê) thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Tề Trí Dũng cùng các bị cáo khác hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng 9 triệu cổ phần mà không thông qua đấu giá dẫn đến thất thoát số tiền lớn của Nhà nước.

Đối với việc chiếm hưởng 4,6 tỷ đồng tiền quỹ khen thưởng của công ty, bị cáo Phúc là người có vai trò chính, ký duyệt danh sách và phân chia cho các cá nhân khác. Tuy nhiên các luật sư bào chữa cho Phúc tỏ ra băn khoăn về cáo buộc Phúc tội “tham ô tài sản”.

Theo luật sư phân tích tội tham ô thì phải chiếm đoạt tài sản. Nhưng hành vi Phúc thực hiện lại theo chỉ đạo của bị cáo Dũng, Phúc thực hiện hành vi sửa chữa các chứng từ, hồ sơ để điều chỉnh lại theo ý muốn của cựu chủ tịch HĐQT Dũng nhằm che dấu sự kiểm tra của cơ quan chuyên môn do vậy, Phúc có dấu hiệu của hành vi che dấu tội phạm. Qua đó, luật sư đề nghị thay đổi tội danh từ “tham ô tài sản” sang “che giấu tội phạm” cho bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc.

Bùi Thanh
.
.
.