Tết yêu thương nơi tâm lũ đi qua

Thứ Tư, 10/02/2021, 13:05
Chúng tôi về lại vùng cát Quảng Bình, nơi cơn đại hồng thủy vừa quét qua vài tháng trước. Sau lũ, nhiều người nhìn nhau tự hỏi không biết đến khi nào người dân vùng tâm lũ mới khắc phục được hậu quả lũ lụt để trở lại cuộc sống bình yên.

Nhưng bằng tình thương yêu của cả nước và sự quyết tâm của chính quyền và người dân, những nơi được xem là rốn lũ giờ lao động, sản xuất đã được phục hồi. Những ngôi nhà bị lũ cuốn đã được xây dựng lại; trường học, các điểm văn hóa thôn, xã luôn rộn rã tiếng nói cười của các em học sinh và người dân.

Ấm tình quân dân

Chúng tôi tìm về thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, đi trên con đường bê tông sạch sẽ để vào làng hôm nay, lại nhớ những giờ phút căng thẳng đến tột cùng khi đi thuyền máy giữa mênh mông biển lũ để vào cứu hộ, cứu nạn lúc đỉnh lũ dâng cao. Thôn Vinh Quang là điểm ngập lụt nặng nề thứ hai của huyện Lệ Thủy, thôn có 180 hộ với 720 nhân khẩu hoàn toàn bị lũ lụt chia cắt, biệt lập. Trên con thuyền chòng chành vượt lũ, khi vào gần đến thôn Vinh Quang do sóng quá lớn, con thuyền chúng tôi đi đã suýt bị sóng đánh chìm. Mọi người phải dùng mũ đang đội để tát nước ra khỏi thuyền.

Khi thuyền cập làng, nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an đã phải bơi để níu thuyền vào nhà dân, tìm nơi cao nhất để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm vào. Do mưa nặng hạt, đi giữa mênh mông nước lũ nên các thùng mì tôm, lương khô, nước chai… các thùng giấy đều bị bong ra gần hết. Chúng tôi phải dùng rổ của người dân để đựng mì tôm, lương khô đưa giúp đỡ bà con…

Lũ rút, người dân Vinh Quang nhiều người trở về làng với những giọt nước mắt xót xa vì tài sản bị lũ nhấn chìm hoặc cuốn trôi. Song “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” nay cuộc sống của người dân trở lại yên bình. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và người dân cả nước, sự nỗ lực không ngừng trong mỗi người dân, giờ đây nhiều hộ gia đình ở Vinh Quang đã dựng lại nhà cửa, mua sắm lại được đồ dùng sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, xe máy… Sau lũ, phù sa bùn bồi đắp nên ruộng nương, bờ bãi trồng lúa, trồng rau cũng nhanh lên xanh tốt.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cùng CBCS vượt lũ đi cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân.

Rời thôn Vinh Quang, chúng tôi về xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, một trong những nơi từng bị lũ lụt tàn phá nặng nề. Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, ông Nguyễn Văn Hoan nhìn xa xăm khi nói về lũ lụt quét qua địa phương mình. Chỉ ít tiếng đồng hồ, nước lũ đã nhấn chìm, làm ngập sâu cả 5 thôn của xã với 1.870 hộ dân, 6003 nhân khẩu. Nhiều nhà dân ngập sâu từ 3-4m.

Ngay trong đêm tối, giữa mênh mông nước lũ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an đã nhanh chóng vượt lũ đưa 150 người đến tầng 2 trụ sở UBND và 50 người đến Trạm y tế xã tránh lũ; hơn 2.200 người dân được di chuyển từ chỗ thấp lên chỗ cao, chạy tránh lũ an toàn. Bà con nhân dân vùng lũ xã Tân Ninh vẫn luôn cảm ơn CBCS Báo CAND, bởi ngay sau khi lũ rút, đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo đã về Tân Ninh chia sẻ khó khăn với bà con.

Xuân yêu thương gõ cửa từng nhà

Lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy chị Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình bớt căng thẳng khi nhắc đến hai từ lũ lụt. Hai tháng qua, tất cả cán bộ, nhân viên nơi chị Hân làm việc hầu như không có ngày nghỉ cuối tuần. Khi lo việc dựng lại nhà cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khi nhà bà con vùng lũ bị nước cuốn trôi, rồi đưa đón các cơ quan, đơn vị, cá nhân đến vùng lũ chia sẻ, hỗ trợ người dân, phân chia hàng hóa đưa về các thôn, bản, làng vùng lũ…

Được biết, nhiều anh chị làm công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiều ngày liền 21-22h đêm vẫn có mặt ở các kho, phòng của cơ quan để phối hợp đóng, phân chia từng thùng hàng để sáng sớm kịp đưa về các địa phương. Chúng tôi nghĩ chỉ có tình yêu thương và trách nhiệm cao cả với bà con mình, các anh, các chị mới vượt qua được bao công việc khó khăn chồng chất khi cơn đại hồng thủy quét qua tỉnh nghèo.

Bà con ở vùng nông thôn, ven biển vùng lũ Quảng Bình đẩy mạnh phát triển thủy hải sản để phát triển kinh tế sau lũ lụt.

Trên con đường làng bê tông, chúng tôi ghé vào thăm cụ Phan Mậu Hóa, 93 tuổi và cụ bà Phan Thị Phách, 92 tuổi cùng đứa con gái Phan Thị Phách bị bạo bệnh. Đợt lũ vừa qua, căn nhà xiêu vẹo của cụ Hóa bị lũ lụt làm hư hại nặng nề. Ngay sau lũ, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đang chung tay để làm lại căn nhà mới cho vợ chồng cụ. Cụ Hóa ứa nước mắt khi nói về cuộc đời mình và những tình cảm mà cộng đồng mang đến cho gia đình cụ.

"Chúng tôi nghĩ chỉ có tình yêu thương và trách nhiệm cao cả với bà con mình, các anh, các chị mới vượt qua được bao công việc khó khăn chồng chất khi cơn đại hồng thủy quét qua tỉnh nghèo".

Theo cụ Hóa, vợ chồng cụ không khi nào nghĩ có ai đến làm cho mình căn nhà mới, vì vậy khi nghe nói gia đình cụ được làm tặng nhà mới kiên cố, nhiều đêm cụ không ngủ vì mừng vui, phấn khởi. Cụ chỉ mong được đón Tết trong căn nhà mới với người bạn đời già cả và đứa con bạo bệnh của mình.

Trước Tết âm lịch gần một tháng, tỉnh Quảng Bình đã rà soát lại tất cả các hộ dân trên địa bàn để có các phương án giúp đỡ cụ thể từng làng quê, từng hộ dân với phương châm: Không để bất cứ một hộ dân nào thiếu đói trong dịp Tết. Đồng thời đề ra những chính sách phù hợp với thực tiễn từng xã để làm điểm tựa cho người dân phát triển kinh tế. Nhờ vậy, không lâu sau cơn đại hồng thủy, những cánh đồng ngô, khoai xanh đến mướt lòng.

Không còn thấy dấu hiệu của lũ lụt khủng khiếp vừa mới quét qua mảnh đất Quảng Bình. Dọc theo nhiều tuyến đường ở vùng cát Quảng Bình, người dân đã treo cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong gió, những chồi đào, chồi mai đã hé nụ. Mùa xuân đã gõ cửa từng nhà nơi đây chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy đến với mỗi người dân.

Dương Sông Lam
.
.
.