Hỗ trợ an cư cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 21/03/2024, 08:34

Thời gian qua, bên cạnh tập trung triển khai các biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, lãnh đạo huyện Nam Giang còn đặc biệt chú trọng vận dụng nhiều nguồn hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, giúp đồng bào an cư để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Nam Giang là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Nam; có 12 xã, thị trấn (trong đó có 6 xã biên giới); hơn 80% dân số toàn huyện là người dân tộc thiểu số, phần lớn là dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng có đời sống còn nhiều khó khăn.

Thời gian qua, bên cạnh tập trung triển khai các biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, lãnh đạo huyện Nam Giang còn đặc biệt chú trọng vận dụng nhiều nguồn hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, giúp đồng bào an cư để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Theo chân một cán bộ xã Cà Dy, huyện Nam Giang, chúng tôi đến thăm căn nhà được xây kiên cố, khá khang trang của gia đình bà Bnướch Thị Nhân (trú thôn Bến Giằng, xã Cà Dy). Căn nhà khang trang được xây dựng trên khuôn viên khoảng 80m2, được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 5/2023.

xoa nha tam-ngoc thi.jpg -0
Cán bộ xã Cà Dy, huyện Nam Giang thăm hỏi, trò chuyện với bà Alăng Ngơi (trái) trong căn nhà được xây mới từ nguồn hỗ trợ.

“Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước 60 triệu đồng, vợ chồng tôi đã vay mượn thêm bà con, Ngân hàng chính sách xã hội huyện và sự giúp đỡ ngày công của bà con hàng xóm mà chúng tôi đã làm được căn nhà này với tổng kinh phí khoảng 180 triệu đồng. Từ khi có nhà mới đã giúp gia đình tôi làm ăn kinh tế ổn định hơn, con cái cũng được chăm sóc đầy đủ, học tập tốt hơn”, bà Nhân chia sẻ.

Cũng như bà Nhân, được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng căn nhà cấp bốn kiên cố trong năm 2023, bà Alăng Ngơi (trú thôn Cà Lai, xã Cà Dy) bộc bạch, trước khi được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà mới, gia đình bà ở trong căn nhà tạm, không đảm bảo an toàn mỗi khi mùa mưa bão đến. Do đó, khi được duyệt danh sách hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà ở, gia đình bà Ngơi đã mạnh dạn vay mượn thêm bạn bè, người thân để làm căn nhà kiên cố có tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Cà Dy, huyện Nam Giang cho biết, Cà Dy là xã miền núi có đến 99% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Cơ Tu, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao - 55,6%. Do đó, những năm qua, chính quyền xã Cà Dy rất quan tâm đến công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã. Theo thống kê, trong năm 2023, từ nhiều nguồn khác nhau, 41 căn nhà tạm của hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn tại xã Cà Dy đã được hỗ trợ kinh phí để xây mới và sửa chữa, qua đó giúp các hộ dân an cư hơn, có thêm điều kiện thuận lợi để làm ăn sinh sống, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo ngày càng bền vững. Trong năm 2024, dự kiến xã Cà Dy sẽ có khoảng 100 hộ có nhà tạm, nhà dột nát được xem xét hỗ trợ kinh phí để xây mới và sửa chữa nhà cửa.

Theo ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, trong những năm qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước để chăm lo, cải thiện đời sống cho người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách từng bước đã được cải thiện, nâng lên.

Chẳng hạn như đối với việc thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 11/2019 và Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2022, đến nay, đã tổ chức hỗ trợ xây dựng và đưa vào sử dụng 243 nhà (trong đó 226 nhà xây mới, 17 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 9,35 tỷ đồng. Hiện nay, qua rà soát còn lại 94 nhà cần được hỗ trợ (trong đó 93 nhà xây mới và 1 nhà sửa chữa). Đối với thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo (theo Quyết định 90/TTg của Thủ tướng Chính phủ), từ năm 2023 đã thực hiện hỗ trợ cho 238 hộ, trong đó nhà ở xây mới là 225 nhà và nhà ở sửa chữa là 13 nhà; tổng kinh phí hơn 10,6 tỷ đồng...

Lãnh đạo huyện Nam Giang nhận định, trong quá trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện thời gian qua đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, trong đó có việc các đối tượng thuộc gia đình chính sách, là hộ nghèo, hộ cận nghèo nên nguồn lực đối ứng của các hộ gia đình khó khăn, bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu cao, chi phí vận chuyển đến các xã rất xa, giá nhân công tăng cao trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ hạn chế. Thêm nữa, có nhiều hộ nghèo để hoàn thiện nhà ở phải vay thêm ngân hàng hoặc người thân. Thống kê đến cuối năm 2023, Nam Giang còn 1.553 nhà cần được hỗ trợ xây dựng để bà con có nơi sinh hoạt, an cư, lạc nghiệp; trong đó 94 nhà người có công cách mạng; 383 nhà hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 1.076 nhà tạm. Theo kế hoạch, các hộ được hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/nhà.

“Nhằm đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, lãnh đạo huyện Nam Giang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các địa phương cần chủ động, tích cực huy động mọi nguồn lực, chung tay đóng góp của cả cộng đồng, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp. Bên cạnh đó đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, qua đó tạo sự lan tỏa trong cộng đồng để cùng chung tay, góp sức giúp người nghèo có nhà ở vững chắc hơn và đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Nam Giang vào cuối tháng 6/2024 tới đây”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ngọc Thi
.
.
.