Vợ nuôi chồng câm điếc và hai con dị tật

Thứ Hai, 06/08/2012, 10:14
Chồng chị bị bệnh câm điếc bẩm sinh, sức khỏe yếu. Hai người con trai dị tật không đi lại được. Cô con gái duy nhất khỏe mạnh thì lấy phải người chồng nghiện ngập, chia tay chồng, dắt díu con về nhà nương tựa nhà ngoại. Chăm chồng chăm con, một mình chị là trụ cột, chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình. Đó là hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Cử, 54 tuổi, thôn Đìa, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Giữa trưa nắng của tháng bảy, chúng tôi dừng chân tại con ngõ nhỏ nhà chị Cử, vừa hỏi thăm đến nhà, một người phụ nữ dáng vóc nhỏ bé, đen nhẻm bước ra nói vọng: "Ai hỏi nhà tôi đấy". Dưới cái nắng bỏng rát dưới nền sân gạch, chị đang bê những tải thóc ra sân phơi. Ngừng tay mời chúng tôi vào nhà tránh nắng, đôi mắt đượm buồn, chị nói: "Sáng giờ tôi đi lên bệnh xá khám, đêm qua bị đau bụng, người yếu hẳn. Thóc vụ này đáng ra phải vào thùng cất rồi, mà không có ai làm đỡ". Trong căn nhà mái ngói cũ kĩ đã 40 năm, hai người con trai của chị vẹo vọ ngồi trên giường, mỗi người mỗi góc.

Chị Cử nhớ lại 27 năm về trước, chị lên xe hoa với anh chồng Phạm Đình Thơ (sinh năm 1966). Nồi nào úp vung đấy, mọi người trong gia đình khuyên chị, nên kiếm một tấm chồng đẻ con, sau này lấy chỗ nhờ cậy. Thế là đến gần 30 tuổi, chị mới có đứa con đầu lòng, và lấy người chồng kém mình đến gần chục tuổi. Anh Thơ mắc bệnh câm điếc bẩm sinh nên không có công việc ổn định, sức khỏe lại kém nên chỉ đi làm thuê làm mướn quanh làng thu nhập cũng không đều.

Người con gái đầu lòng của chị tên Phạm Thị Vân, sinh năm 1988 nay đã lấy chồng và có một đứa con trai. Vân lấy phải người chồng nghiện ngập nên cuộc sống của chị đã nghèo khó lại càng vất vả hơn. Chồng đi cai nghiện, Vân dắt díu con về nương tựa nhà mẹ đẻ.

Chị Nguyễn Thị Cử và hai người con tật nguyền.

Người con trai thứ hai của chị là Phạm Đình Toàn, năm nay đã 22 tuổi nhưng không thể đi lại được bình thường. Mới sinh ra là một cậu bé bụ bẫm đáng yêu nhưng chưa đầy một tuổi, Toàn ốm một trận rồi chân tay teo nhỏ, người yếu ớt, không đi lại được. Đến năm 1997, chị và anh lại sinh thêm một người con nữa, người con thứ ba tên Phạm Đình Quyền cũng mắc căn bệnh như của anh trai.

Cuộc sống với người chồng khó giao tiếp đã vất vả, chị lại phải gánh vác thêm nỗi đau bệnh tật của hai người con trai. Chị Cử chia sẻ: "Cũng không ngờ cuộc đời mình lại như vậy, nhà không ai ốm đau bệnh tật, đẻ đứa nào ra cũng ốm yếu, chẳng được nhờ cậy gì. Sức khỏe của tôi ngày càng kém, không biết khi tôi nằm xuống ai là người nuôi nấng con tôi".

Hiện nay, gia đình chị Cử chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Nhìn hai người con ốm yếu, chị Cử không kìm được nước mắt: "Tôi cũng không muốn mấy đứa con của mình mù chữ như tôi, tuần ba buổi, tôi dắt chúng đi đến trung tâm cứu trợ trẻ tàn tật huyện Thanh Oai học chữ. Không biết đi xe đạp nên chị dắt thôi, mà tôi có biết đi thì chúng cũng chẳng ngồi vững được".

Sức khỏe mỗi ngày một kém đi, nhưng chị chưa ngày nào ngơi tay làm việc, ai có việc thuê mướn chị cũng làm, tích cóp chút tiền để sau này con cái chị có cái trông cậy khi chị ốm yếu. Nhìn những đứa con ốm yếu, tật nguyền chị không kìm nổi nước mắt. Mong bạn đọc hảo tâm chia sẻ khó khăn cùng gia đình chị Cử. Mọi giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Quỹ XHTT Báo CAND số 66 phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại: 04.39420595

Thanh Hòa
.
.
.