Vợ chồng ông giáo già 17 năm gắn bó với lớp học tình thương

Thứ Ba, 22/11/2011, 19:00
Nhận thấy những đứa trẻ tại nơi mình sống (ấp Tân Lập xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) không ai trông nom dạy bảo, ông bà Huỳnh Văn Phê, Huỳnh Thị Lành mở lớp học tình thương và trực tiếp đứng lớp dạy dỗ các cháu trong suốt 17 năm qua.

Là nhân viên bảo vệ Công ty TNHH Đại Việt (TP Hồ Chí Minh), năm 1994 vợ chồng ông bà Huỳnh Văn Phê, Huỳnh Thị Lành được đưa về ấp Tân Lập (xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) trông giữ hơn 4 ha đất của công ty.

Nằm ở địa bàn giáp ranh giữa 3 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh nhưng hồi ấy ấp Tân Lập còn hoang sơ lắm. Cả ấp có gần 300 hộ dân thì đã có tới trên 200 hộ là dân nhập cư, đến làm thuê trong các lò gạch. Vốn dĩ đã nghèo nhưng đa số các hộ dân ở đây lại thường đông con. Cha mẹ các cháu ngày ngày lam lũ trong việc mưu sinh, con cái không ai trông nom, dạy bảo.

Để cứu vớt những đứa trẻ ở đây, chỉ có một cách duy nhất là phải dạy bảo các cháu cái chữ, bảo ban các cháu làm điều thiện, điều tốt. Nghĩ vậy, ông bà Huỳnh Văn Phê, Huỳnh Thị Lành mở lớp học tình thương, ngày ngày trực tiếp đứng lớp dạy dỗ các cháu.

Để có lớp học, ông bà Tư Phê đã dành cả căn chòi ọp ẹp của mình. Ngày ngày, ông bà Tư Phê thay nhau đi xin từng miếng ván, khúc gỗ về mua đinh, mua cưa búa tự đóng bàn ghế để có chỗ cho các cháu ngồi, có nơi để các cháu viết. Không có tập vở, phấn viết và sách giáo khoa, ông bà Tư Phê đã trích mỗi người mỗi tháng 150.000 đồng trong số tiền lương ít ỏi của mình để mua. Lúc đầu, lớp học tình thương chỉ có vài ba cháu sau đông dần, 20 rồi 30, 40 cháu. Thấy con mình đi học không tốn tiền lại biết cái chữ, ngày càng trở nên ngoan hiền nên cha mẹ các cháu rất vui.

Giờ lên lớp của ông giáo già Huỳnh Văn Phê.

Để đỡ đần cho vợ chồng ông giáo già, mỗi phụ huynh tự nguyện đóng mỗi tháng 15.000 đồng. Thấy tuổi đã già mà ngày phải lên lớp 2, 3 ca, tối phải soạn giáo án cho tới đêm khuya, sinh viên các Trường Đại học An ninh, Trung cấp Cảnh sát, Đại học Luật… đã tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ đến đứng lớp phụ giúp ông bà Tư, dạy các cháu múa hát, sinh hoạt tập thể, giáo dục công dân.

Em Nguyễn Văn Nam (14 tuổi) trước đây là một cậu bé ngỗ ngược, cả cha và mẹ đều phải vào tù vì tội mua bán chất ma túy. Ở lớp học tình thương, Nam được học về lòng nhân ái, biết giúp đỡ bạn bè, kính trọng người trên, yêu cái tốt, ghét cái xấu nên từ đó, Nam đã giúp các chú Công an điều tra, triệt phá thành công một số băng nhóm tội phạm ở địa bàn. Từ một đứa trẻ hư, Nam đã trở thành một học sinh ngoan, được cử đi Hà Nội dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, được Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương tặng bằng khen về phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc...

17 năm trôi qua, gắn bó với lớp học tình thương, ông bà giáo già Huỳnh Văn Phê, Huỳnh Thị Lành nay tóc đã bạc, sức khỏe yếu dần nhưng ông bà vẫn kiên trì bám lớp. Gặp chúng tôi, ông Tư Phê xúc động cho biết: "17 năm ở lớp học tình thương, vợ chồng tôi đã dạy trên 1.000 học sinh. Vợ chồng tôi rất vui vì tất cả các em đều đã trưởng thành. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì lớp học tình thương này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi".

Với những nỗ lực và thành tích của mình, vợ chồng ông bà Tư Phê đã được nhân dân tin yêu, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, được UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương tặng nhiều bằng khen, giấy khen

Ngọc Ánh
.
.
.