Vợ chồng cựu binh nuôi 3 con dị tật do nhiễm chất độc da cam
Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng cựu chiến binh Hồ Văn Ô nằm bên ngọn đồi cuối thôn Pơ Nghi. Khi chúng tôi tìm đến, vợ chồng họ đi làm rừng chưa về, trong nhà chỉ còn lại 2 người con gái khuyết tật và một người con trai bị nhốt trong chiếc chuồng nằm ngay trước sân nhà được đóng bằng mấy thân cây gỗ rắn chắc…
Trở về nhà sau nửa ngày làm rừng, già Ô không giấu được vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt già nua đã bước sang tuổi 65. Già kể, năm mới 20 tuổi, già gia nhập bộ đội du kích địa phương để đánh giặc Mỹ, bảo vệ làng bản Pơ Nghi rồi sau đó tập kết và tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
“Đất nước hòa bình, già trở lại bản làng nơi đây và lập gia đình với người con gái tên Kăn Đa, cũng là du kích ở cùng thôn. Tưởng chừng sẽ có được cuộc sống hạnh phúc, yên ấm nhưng ai ngờ từ đó đến nay, vợ chồng già luôn phải sống trong nỗi đau và sự bất hạnh khi liên tục sinh ra những người con dị tật và mắc chứng bệnh điên dại do bị di nhiễm chất độc dioxin...”, giọng già Ô chùng hẳn xuống.
Bà Kăn Đa bên 2 người con gái bị khuyết tật và con trai mắc bệnh điên dại (trong cũi) do nhiễm chất độc dioxin. |
Năm 1990, vợ chồng già Ô lại sinh một người con trai kháu khỉnh, bụ bẫm là Hồ Văn Ơi. Lên 5 tuổi, Ơi biết đi, biết nói và sau đó trở thành một thanh niên giỏi giang, phụ giúp bố mẹ chăm bẵm nương rẫy để nuôi 2 chị gái tật nguyền. Song, bi kịch lại đến với gia đình già Ô, khi năm 22 tuổi, Ơi bỗng dưng mắc chứng bệnh điên dại, chạy khắp làng bản quậy phá và đập phá đồ đạc trong nhà.
Thương con, vợ chồng già Ô đành vay mượn tiền bạc để đưa Ơi về TP Huế chữa bệnh, nhưng không thành công. Hết tiền, vợ chồng họ đành lặng lẽ đón xe đò đưa con về quê và đóng một chiếc chuồng bằng gỗ để nhốt lại.
Ông Hồ Văn Hạnh, Chủ tịch xã A Ngo cho biết: “Mặc dù là bệnh binh, nhưng nhiều năm qua, vợ chồng già Ô đã nghị lực vượt lên khó khăn để chăm sóc nuôi dưỡng 2 người con gái khuyết tật và người con trai mắc bệnh điên. Hiểu được hoàn cảnh ấy nên xã A Ngo đã làm các thủ tục để xác nhận 3 người con già Ô là nạn nhân bị di nhiễm chất độc da cam để có chế độ trợ cấp hằng tháng”.
Trước lúc chia tay, nghe những lời tâm sự từ đáy lòng của đôi vợ chồng cựu binh Hồ Văn Ô và Kăn Đa mà người viết bài thầm ước có một phép mầu nào đó giúp đỡ họ vượt qua được nỗi đau da cam, để có một cuộc sống giản dị như bao người bình thường khác ở vùng sơn cước này.