Ước mơ của chàng trai khuyết tật
Không gục ngã
Ngay từ lúc mới sinh ra, Hồ Văn Long đã vinh dự được mang họ của bản làng… họ của Bác Hồ. Thế nhưng, so với bạn bè cùng trang lứa trong thôn bản thì số phận của cậu dường như lại kém may mắn hơn nhiều khi phải mang thân hình khuyết tật.
Lên một tuổi, cậu bé Hồ Văn Long đã sớm có những biểu hiện của căn bệnh bại liệt. Đôi chân cậu dần teo nhỏ lại, không cử động được, cũng không có cảm giác. Thôn làng nơi Long sinh ra cuộc sống vốn thiếu thốn đủ bề, gia đình Long thuộc diện "chạy ăn từng bữa" nên bố mẹ Long đành "bó tay" trước căn bệnh quái ác của con trai mình. Long lớn dần lên với thân hình… không nguyên vẹn.
Lên 2 tuổi, Long lại chịu cảnh mồ côi cha. Nỗi đau và gánh nặng như càng chồng chất lên đôi vai người phụ nữ gầy yếu - mẹ Long sớm trở thành trụ cột chính trong cái gia đình nghèo ấy. Thương con, mẹ Long sớm hôm tần tảo chắt chiu để nuôi Long khôn lớn, dạy cho Long nhận biết từng mặt chữ đầu tiên. "Nhiều hôm trong nhà không còn chi để ăn, chỉ còn mấy củ sắn nhưng mẹ vẫn động viên mình cố gắng ăn nhiều để… mau lớn mà đi học. Mẹ nói chỉ có con chữ mới giúp mẹ con mình thoát nghèo, thoát khổ được thôi", Long hồi tưởng.
Đến năm 13 tuổi, Long quyết định xin mẹ cho đi học. "Lúc đó mình ham học lắm, mình mong muốn được đến trường để được nghe tiếng thầy cô giảng bài… Dù thân thể khiếm khuyết lại lớn tuổi hơn các bạn trong lớp nhưng thầy cô và các bạn yêu quý mình lắm… Thế là mình được đi học từ đó", Long nhớ lại khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời mình.
3 con suối, 4 ngọn đồi cùng 17 cây số đường rừng: Đó chính là quãng đường mà cậu bé Long tật nguyền hằng ngày phải vượt qua để đến ngôi trường tiểu học ở xã Húc. Mỗi đoạn đường, mỗi con suối nơi Long qua đều in dấu bàn tay của anh. Nhiều lúc đến lớp mà máu ở 2 bàn tay thấm ướt cả 2 thớ gỗ (được dùng để di chuyển - NV) nhưng Long vẫn lẳng lặng vào lớp, ngồi vào chỗ "đặc biệt" của mình ở cuối lớp để lắng nghe lời cô giáo giảng bài.
Dù đến trường lúc nào áo quần cũng dính một màu đất đỏ nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo nên sau nhiều năm cần mẫn, Long đã hoàn thành chương trình cấp 1 rồi đến cấp 2.
Học thêm 3 năm liền ở Trường THPT Cam Lộ (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), sau khi tốt nghiệp, Long đã trúng tuyển vào lớp trung cấp tin của Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị. Năm 2007, Long tốt nghiệp và xin về dạy ở trường trẻ em khuyết tật của Quảng Trị.
Dù phải đi lại bằng đôi tay nhưng nghị lực của Hồ Văn Long khiến nhiều người phải cảm phục. |
"Mong một lần được đứng trên… bục giảng"
Sự học của "cậu bé khuyết tật" Hồ Văn Long vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2010, Long tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Trường CĐ Công nghiệp Huế với tấm bằng loại khá. Nhìn Long khuyết tật nhưng lại có nghị lực và rất hiếu học mà bạn bè, thầy cô của Long ai cũng vui mừng lẫn nể phục.
Hơn 14 năm đến trường là khoảng thời gian Long sống độc lập và tự túc lo mọi việc khi không có mẹ bên cạnh. Khát vọng con chữ và ước mơ được "gieo mầm" con chữ ở bản làng rừng núi xa xôi nơi anh sinh ra đã thôi thúc và cho anh một nghị lực phi thường để vượt qua tất cả những khó khăn trên cuộc đời.
"Nhìn lên thì thấy mình thiệt thòi thật, nhưng nhìn xuống thì thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều người. Mình không có chân nhưng mình còn đôi tay để cầm bút viết chữ và có thể đi lại được... Vậy là may mắn lắm rồi", nói đến đây, nụ cười lại rạng ngời trên khuôn mặt Long. Dù đôi chân tật nguyền nhưng chính cuộc đời đã cho Long nghị lực và niềm tin.
Thấy Long tật nguyền, đi bằng hai tay nên rất nhiều nơi đã từ chối anh khi anh đến xin việc. Long không buồn, trái lại Long còn cố gắng hơn nữa để làm sao học giỏi hơn, học cao hơn.
Để tiếp tục "chinh phục" cánh cửa giảng đường đại học, đầu năm 2011, Hồ Văn Long quyết định tạm gác công việc "mưu sinh" để trở lại "đời sinh viên". Hiện anh đang ôn thi vào hệ đại học của Trường Đại học Khoa học Huế. Mong muốn được trở thành thầy giáo để truyền dạy kiến thức, nhất là kỹ năng sống cho những trẻ em khuyết tật đã giúp anh có được một nghị lực phi thường mà hiếm người khuyết tật nào có được