Tận cùng nỗi đau của người lính có hai con nhiễm chất độc da cam

Thứ Ba, 30/07/2013, 11:40
Tận cùng của cái nghèo, tận cùng của nỗi đau, ông Lại Văn Biên chôn giấu tất cả những khổ sở cùng cực đó vào đáy lòng để 33 năm qua chăm sóc cho hai “cây chuối” của mình. Người làng Tường An, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình gọi 2 người con trai của ông Biên là hai “cây chuối” bởi 30 năm qua các con ông chỉ nằm trên giường, ú ớ, ngây ngô và hiền như hai vật vô tri, vô giác. Nỗi đau da cam đã khiến người đàn ông sống gần hết cuộc đời nuốt nước mắt vào trong, bước qua cơn bĩ cực của cuộc đời để đi tiếp nuôi con.

Chúng tôi tìm đến thôn Tường An, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào một buổi chiều muộn. Cánh cửa sắt khóa im lìm, vợ chồng ông Biên đều đi làm đồng, để hai “cây chuối” ở nhà. Người hàng xóm tốt bụng mở cổng cho chúng tôi vào nhà và chạy ra đồng tìm ông Biên về. Nhìn qua khung cửa sổ, hai “cây chuối” của ông Biên nằm ngửa trên giường, thỉnh thoảng ú ớ những âm thanh khó hiểu, rồi lại cười khục khặc. “Hai anh em nó hiền lắm, chỉ nằm thế suốt ngày, tội lắm chị ạ”- người hàng xóm kể.

Ông Biên về, hai ống quần xắn đến gối, bùn lấm lem chân tay. Người đàn ông 61 tuổi mà già sọm, nước da đen đúa, khắc khổ bước vào nhà, việc đầu tiên là ông cẩn thận lật úp hai “cây chuối” xuống giường cho chúng thay đổi tư thế. Hai đứa con sau mấy tiếng phải nằm ngửa giờ được nằm sấp nên chúng ngọ nguậy như trẻ 3 tháng biết lẫy. Ông rửa mặt cho từng đứa, chúng cười hềnh hệch, thỉnh thoảng mỏi quá đập cả mặt xuống giường. Ông Biên phải lót tấm vải phía dưới để chúng đỡ bị đau.

Hai “cây chuối” có gương mặt biến dạng, khờ dại và  thân hình đều dị tật: bàn chân, đầu gối đều vặn ngửa, cột sống bị vẹo lệch hẳn sang một bên, ngực và phổi lép; khớp tay, khuỷu tay không cử động được và teo lại chỉ còn da bọc xương. Bàn tay, các ngón tay co quắp nên có cũng như không. Nằm liệt quá lâu nên mặt của hai “cây chuối” tím lại, da lưng và bụng bị loét.

Ngày nào vợ chồng ông bà cũng để hai “cây chuối” ở nhà để đi làm đồng. Âm thanh của hai “cây chuối” khiến người ngoài không hiểu được, nhưng họ lại hiểu với nhau và chỉ có ông bà hiểu. Ai nói gì, anh em họ nghe cũng hiểu, chỉ tội không cất được thành lời. “33 năm rồi đều thế này cô ạ. Không biết sau này tôi với bà ấy già yếu, chết đi thì ai chăm cho chúng” – ông Biên đau đớn nói.

Ông Biên đang chăm sóc hai con.

Năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Lại Văn Biên lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đơn vị ông đóng quân ở gần núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, khu vực mà Mỹ rải chất độc da cam nhiều nhất. Miền Nam giải phóng, ông về phục viên tại quê nhà. Tưởng rằng, sau những năm tháng chiến đấu ác liệt ngoài chiến trường, khi hòa bình rồi, được kết hôn với người con gái nết na, ngoan hiền là Vũ Thị Thắm thì cuộc đời ông sẽ vô cùng hạnh phúc. Nào ngờ, từ khi sinh con, vợ chồng ông bắt đầu bước vào cơn bĩ cực của cuộc đời.

Đứa con trai lớn chào đời năm 1980 với bao niềm hy vọng thì chân tay lành lặn nhưng trí nhớ kém, học đâu quên đấy, tính tình nóng nảy, hay nổi khùng và hung dữ. Hai năm sau, bà Thắm sinh người con trai thứ hai là Lại Văn Mạnh. Mạnh sinh ra bình thường, khỏe mạnh, nhưng được 3 tháng tuổi thì mắt cứ long sòng sọc như mắt búp bê cầm lắc mạnh. Bệnh viện bảo con ông bị long đao, hỏi ông có đi chiến trường không, nếu cháu qua 5 tuổi mà đi lại được bình thường thì tốt, còn không thì bệnh sẽ ngày một xấu đi. Nín thở chờ đợi con lớn lên và ông chết điếng khi thấy lời tiên đoán của người bác sĩ đã đúng. Lên 5 tuổi Mạnh tự dưng lười đi và không đi nữa. Hai chân Mạnh dần dần vắt chéo vào nhau cho tới tận bây giờ. Năm 8 tuổi thì chỉ nằm, gân, cơ, khớp hỏng và bó cứng lại. Hai chân teo dần và cuối cùng chỉ còn lại như ống tre.

Bao nhiêu hy vọng ông bà dồn cả vào người con trai thứ 3 là Lại Văn Đô. Đô sinh ra trắng trẻo, bụ bẫm và rất đáng yêu nhưng chỉ tội lên 4 tuổi mà vẫn không biết đi. Sốt ruột quá ông bà cho đi khám. Bác sĩ lại lắc đầu. “Khổ thân nhà tôi, bà ấy không chịu nổi, nhiều lúc hóa điên. Ngày đó đã ai biết về di chứng của chất độc da cam đâu nên dân làng chỉ đồn thổi, thêu dệt lên nhiều chuyện”- ông Biên chua xót nói.

Sau này, khi biết ông bị nhiễm chất độc da cam ngoài chiến trường, các con ông bị di chứng theo cha, dân làng Tường An đều cảm thông sâu sắc. Họ chia sẻ với ông bà những lúc khó khăn, hàng xóm có đồng quà, tấm bánh nào ngon cũng đem cho hai “cây chuối”. Không có người đỡ đần (người con trai lớn đã đi vào Nam), ngoài quần quật với 8 sào ruộng, về tới nhà ông bà phải chăm sóc hai “cây chuối” vô cùng vất vả. Nhìn họ tắm cho hai đứa con, họ bê chúng như hai thân chuối, trải vải nhựa xuống nền để kỳ cọ, vệ sinh cá nhân cho chúng, tôi hiểu chỉ có tình mẫu tử thiêng liêng mới giúp họ chịu đựng được hết tất thảy điều đó. Những hôm trái gió trở trời, chúng đau nhức kêu ăng ẳng suốt đêm, ông bà chỉ biết ôm con mà khóc.

“Nhiều người bảo tôi đưa chúng vào trung tâm bảo trợ người tàn tật, nhưng lương tâm nào mà làm thế. Số phận chúng nó đã không may nắn, nó là con mình sinh ra, mình phải yêu thương chúng nó nhiều hơn chứ” – ông Biên rơm rớm cho biết.

Nỗi niềm của người cha thật không gì đong đếm được. Nhưng điều ông bà lo nhất là khi ông bà già yếu không làm được việc, rồi ông bà chết đi thì ai nuôi và chăm sóc hai đứa con? Cả ông và bà đều đã đổ bệnh nhiều lần, thậm chí có lần bị xuất huyết dạ dày ông không dám nằm viện mà xin về ngoại trú. Ham việc, ông bà nuôi thêm đàn gà, nuôi bò để giảm nghèo nhưng bò vừa đẻ bê con thì trộm đã vào lấy mất. Chỉ vào đàn gà đang thơ thẩn ngoài sân, ông Biên buồn rầu: “Trộm mới nhảy tường vào lấy của tôi 16 con gà và 9 con ngan. Đúng là người nghèo chúng cũng không buông tha”.

Để giúp đỡ vợ chồng ông Biên vượt qua khó khăn, có điều kiện nuôi con, Báo CAND kêu gọi bạn đọc gần xa, các nhà hảo tâm hãy chia sẻ và giúp đỡ hai anh em Đô và Mạnh. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo CAND, 92 phố Nguyễn Du, Hà Nội, ĐT: 04.39420595

Trần Hằng – Việt Hà
.
.
.