Tấm lòng một cựu chiến binh Mỹ với Làng Hữu nghị VN

Thứ Năm, 23/12/2004, 07:22

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Làng Hữu nghị Việt Nam, dù bị bệnh tim phổi nặng, là thương binh và bị chính quyền Mỹ cắt đứt mọi quyền lợi của một cựu chiến binh (CCB), nhưng George Mizo vẫn cố gắng vận động các nhà tài trợ ủng hộ 90 nghìn USD để công trình Làng Hữu nghị Việt Nam được hoàn thành.

George Mizo được đánh giá là một cựu chiến binh (CCB) phản chiến tiêu biểu ở Mỹ, có nhiều đóng góp vào sự phát triển trong quan hệ giữa các CCB tiến bộ Mỹ với CCB Việt Nam. Năm 1986, ông sáng lập Hội CCB vì hòa bình, gồm CCB Mỹ, Pháp, Canada, Nhật Bản và Anh.

Năm 1991, George Mizo có sáng kiến cùng với CCB các nước trên lập ra Ủy ban Quốc tế Làng Hữu nghị Việt Nam. Sau lần đến Việt Nam cùng phái đoàn Ủy ban Hòa bình thế giới, ông đã xây dựng Đề án Làng Hữu nghị Việt Nam với tổng dự toán lên đến 2,5 triệu USD trên diện tích 2,7 ha (tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) để nuôi dưỡng những người già và trẻ em gặp khó khăn do hậu quả của chiến tranh.

Bắt đầu hoạt động từ năm 1998 đến nay, Làng Hữu nghị Việt Nam (trực thuộc Trung ương Hội CCB Việt Nam) thường xuyên điều dưỡng luân phiên trên dưới 150 người (hơn 100 trẻ em khuyết tật, trung bình mỗi em từ 2 đến 3 năm, cá biệt có trường hợp ở làng từ khi thành lập đến nay và 40 CCB, thanh niên xung phong (từ năm 1998 đến 2000, trung bình mỗi người từ 3 - 6 tháng. Còn nay là 2 - 3 tháng) gồm nhiều thế hệ, cả nam và nữ của 34/64 tỉnh, thành từ Quảng Ngãi trở ra. Đây là những người đau yếu, bệnh tật do chất độc da cam gây ra, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Một số CCB nói, đến đây họ được nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo, được chữa trị bệnh tật, phục hồi chức năng. Những em khuyết tật được học văn hóa và hướng nghiệp dạy nghề (thêu ren, hoa nghệ thuật, cắt may) để sau này, khi sức khỏe đã được phục hồi, các em có thể về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, tự nuôi sống bản thân.

Ông Nguyễn Khái Hưng, Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam, cho biết, từ cuối năm 2003 đến nay, đã có 43 em tạm biệt làng, có việc làm bằng những nghề đã được học.

Người lính "phản chiến"

George Mizo sinh ngày 21/10/1945 ở Boston, Massachusette (Mỹ). Năm 1963, khi còn là sinh viên, ông đã gia nhập quân đội Mỹ với hàm thượng sĩ. Năm 1964, George Mizo được điều sang chiến đấu tại Việt Nam. Dù đời binh nghiệp không dài (chưa đầy 4 năm) nhưng ông đã được chính quyền Mỹ trao tặng 9 huân chương các loại, trong đó có Huân chương Trái tim đỏ dành cho thương binh Mỹ (George Mizo đã bị thương tất cả 3 lần và sau này bị nhiễm chất độc hóa học).

Tháng 2/1968, Geoge Mizo bị thương lần thứ 3 và được về nước. Với những gì được chứng kiến trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, George Mizo chợt nhận ra hậu quả nặng nề của cuộc chiến do Mỹ gây ra mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Vì thế, ông quyết định phản chiến, lên tiếng đấu tranh cho hòa bình và tự cam kết dành trọn thời gian còn lại của cuộc đời mình để giúp đỡ người dân Việt Nam, hàn gắn phần nào nỗi đau mà người Mỹ, trong đó có ông, gây ra. Cũng chính vì sự phản chiến này mà George Mizo bị quân đội Mỹ đưa ra xét xử ở Tòa án binh.

Sau một thời gian bị giam hãm (từ năm 1968 đến 1970), George Mizo được thả. Nhưng với quyết tâm cao, ông lại tiếp tục đấu tranh và chỉ chấm dứt sau khi Mỹ và Việt Nam “gặp nhau” tại Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam (ngày 27/1/1973).

Năm 1986, George Mizo đã tuyệt thực hàng chục ngày trước Trụ sở Thượng viện Mỹ để phản đối Mỹ xâm lược Nicaragua. Thậm chí, để tăng thêm sức nặng cho sự phản chiến của mình, ông còn vứt trả lại cho Chính phủ Mỹ tất cả các huân chương tại Đài tưởng niệm Việt Nam ở thủ đô Washington.

Sau khi George Mizo mất (năm 2002), vợ ông, bà Rozi Hohn Mizo đã được các Ủy viên Ủy ban Quốc tế Làng Hữu nghị Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch thay chồng.

Hai năm tới, cũng trên mảnh đất Vân Canh này, nhiều nhà trẻ sẽ mọc lên, trạm y tế hiện nay cũng sẽ được nâng cấp thành trung tâm khám chữa bệnh đa khoa..

.
.
.