Sưởi ấm những phận người quạnh hiu
Tiếp chúng tôi, ni trưởng Thích Nữ Bửu Lý – trụ trì chùa Liên Bửu (tọa lạc tại xã Hòa Lợi, Châu Thành, Trà Vinh) cho biết, bà thật sự xót xa khi thấy có cụ già ngủ ở đình, sạp chợ; có cụ chống gậy, run rẩy một mình lần từng bước dưới trời mưa; thậm chí có cụ chết có lẽ do bị trúng gió khi ngủ ở một ngôi miếu thờ mà chưa ai hay.
Biết được ước mơ của phía nhà chùa, một phật tử đã hỗ trợ tiền xây dựng một nhà dưỡng lão khá khang trang ngay trong khuôn viên chùa…
Những tình nguyện viên Công an với các cụ ông, cụ bà tại nhà dưỡng lão chùa Liên Bửu. |
“Khi căn nhà dưỡng lão hoàn chỉnh, làm lễ nhận nuôi các cụ già neo đơn xong, chúng tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng là kể từ hôm nay, các cụ già sẽ không phải ngủ đình, ngủ miễu; còn lo là khi nghĩ đến chuyện chăm sóc các cụ như thế nào cho thật tốt, nhất là những khi trái gió trở trời trong khi điều kiện của chùa còn nhiều khó khăn” – ni trưởng Thích Nữ Bửu Lý bộc bạch.
Biết được việc làm ý nghĩa của ni trưởng và với mong mỏi góp phần chia sẻ phần nào sự hiu quạnh, cô đơn của các cụ đang ở tại nhà dưỡng lão, cuối năm 2008, các tình nguyện viên (TNV) là đoàn viên, hội viên thuộc chi đoàn và hội phụ nữ Phòng Công tác chính trị và Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh xin phép và đã được ni trưởng chùa Liên Bửu cho mượn bếp của chùa mỗi tháng một lần để nấu bữa ăn có thịt, có cá phục vụ các cụ.
Cứ đều đặn vào mỗi sáng thứ 7 cuối tháng, các TNV trẻ sẽ tính toán thực đơn hôm đó hợp lý cho các cụ. Thông thường các món ăn được lựa chọn là cháo thịt heo bằm, cháo thịt bò vò viên, súp cua trứng cút, bánh canh, phở gà, bún riêu, nui, bánh mặn… Ban đầu, với số tiền chỉ 300.000 đồng cho mỗi kỳ nấu ăn, TNV nào được phân công phải ra chợ thật sớm, chọn hàng tươi sống nhưng đảm bảo dinh dưỡng cho đủ 40 phần.
Những TNV còn lại thì đến nhà dưỡng lão trước để vệ sinh khu vực khuôn viên, thăm hỏi, trò chuyện, đọc báo cho các cụ nghe. Đến khi “bếp trưởng” mua nguyên liệu về, tất cả bắt tay vào nhóm lửa, vo gạo, luộc trứng, gọt rau củ, bằm thịt… Khi thức ăn chín, các TNV múc ra thành từng suất ăn, phân phát cho các cụ. Với những cụ bị bệnh, đi lại khó khăn, các TNV sẽ mang thức ăn đến tận phòng. Nhìn các cụ ăn ngon miệng, hân hoan trao nhau những câu chuyện thường ngày, các TNV cảm thấy vui, xúc động đến khó tả.
Một TNV trong nhóm là cán bộ Đội tuyên truyền Phòng Công tác chính trị cho biết, phần lớn cụ vào nương nhờ ở đây không có con cái, một số trường hợp có nhưng con lại nghèo khó, phải đi làm ăn xa, không có điều kiện chăm sóc cha, mẹ.
Tôi được nghe kể về trường hợp cụ bà gần 60 tuổi, quê ở thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần. Bà chỉ có mỗi một đứa con gái nhưng do con gái bà quá lười biếng, lại tiêu xài phung phí nên đẩy bà đến tình cảnh cùng cực, phải đi xin ăn ở ngoài góc chợ quê. Vậy mà số tiền rất ít ỏi bà có được mỗi ngày, con gái bà “trấn lột” hết. Có người phát hiện lối cư xử quá tệ bạc này của đứa con gái nên tìm cách đưa bà lên nhà dưỡng lão này. Vậy mà người con ấy vẫn chưa chịu “buông tha” cho bà.
Một lần lên thăm, biết bà dành dụm được ít tiền do các tấm lòng hảo tâm cho, người con gái ấy đã tìm cách móc hết. Đến khi các cụ chung phòng biết được và lên tiếng, ni trưởng cũng dọa sẽ “báo cho Công an…” thì từ đó đến nay, người con ấy biệt dạng, không vào thăm mẹ mình nữa.
Hiểu được tình cảnh của các cụ sau mỗi câu chuyện như vậy, tình cảm giữa các TNV Công an Trà Vinh với các cụ lớn dần theo thời gian. Còn đối với các cụ, hình ảnh các “cháu Công an” nhễ nhại mồ hôi sau khi vào bếp, rửa chén, dọn dẹp giúp nhà dưỡng lão trước và sau bữa ăn; hay nghe qua cách xưng hô đến cách trò chuyện, các cụ cảm giác như đang chung sống cùng con, cùng cháu ruột rà của mình; đặc biệt các cụ như quên mặc cảm đang sống tại nhà dưỡng lão.
Lãnh đạo Phòng Công tác chính trị cho biết nghĩa cử của các các chiến sĩ trẻ thuộc hai đơn vị đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Hiện số TNV đến với nhà dưỡng lão chùa Liên Bửu đã đông lên với thành phần còn có “lính” của Phòng Tham mưu Công an tỉnh, các đoàn viên thuộc chi đoàn Phòng 2, Cục An ninh Tây Nam Bộ, và một số cá nhân ngoài ngành Công an. Chất lượng bữa ăn cũng được nâng lên đáng kể do số tiền đi chợ tăng lên hơn gấp đôi so với ban đầu.
Sau khi phục vụ các cụ ăn uống, những TNV Công an còn ca hát giúp vui. Đáp lại tình cảm đó, nhiều cụ ông, cụ bà cũng “xung phong” đơn ca, kể chuyện vui với các cháu Công an. Không khí nhà dưỡng lão vào mỗi sáng thứ bảy của tuần cuối tháng ấm cúng đến khó ngờ…