Suất cơm 2.000 đồng ấm lòng bệnh nhân nghèo

Chủ Nhật, 29/09/2013, 10:01
Không khó lắm để tìm đến quán cơm 2.000đ/suất vì nó nằm tại khu bệnh viện xã hội nổi tiếng của tỉnh Nam Định. Nổi tiếng vì chỉ trên địa bàn của một khu dân cư Đệ Tứ, phường Lộc Hạ mà có tới 5 bệnh viện: Lao và Bệnh phổi, Mắt, Thần kinh, Đông y, Ung bướu với hàng ngàn bệnh nhân, đa số là những người nghèo khó, hoàn cảnh vì điều trị kéo dài.

Khi chúng tôi đến nơi thì trời đổ mưa, chị Nguyễn Thị Chung, sáng lập viên "Nhóm thiện nguyện người Nam Định" chỉ chào vội một tiếng rồi quay ra thúc giục mọi người căng, sửa lại bạt, lẩm bẩm một mình: "Đang điều trị mà gặp mưa thế này cơm chả bõ, bệnh nặng thêm thì khốn".

Dưới tấm bạt to rộng phủ cả ra đường, hơn một trăm người dìu nhau, tựa nhau, lặng lẽ đưa "phiếu cơm" để được nhận suất ăn. Có khoảng mươi bàn ăn trong căn nhà thuê tại địa điểm 31 Phạm Ngọc Thạch - con đường chính vào 3 bệnh viện - đã chật kín người, phải kê thêm bàn ở vỉa hè thì mới đủ chỗ cho bà con ngồi ăn. Cũng có khoảng vài chục người đến đây không ăn mà để "mua" cơm mang về bệnh viện vì người nhà bệnh quá nặng không thể tự mình đi đến quán cơm.

Anh Lưu Văn Sáng, người rất dễ bắt chuyện và phụ trách công tác truyền thông của nhóm thì không thể tiếp chuyện vì đang... bịt khẩu trang, xới cơm và chia phần cho các suất ăn. Câu chuyện bắt đầu từ những thực khách. Cụ bà tên Hồng, 86 tuổi quê ở Vụ Bản  cho biết: "Tôi già rất khó trong việc ăn uống, nhưng cơm ở đây rất thơm, dẻo, thức ăn luôn đổi món". Bà cụ chỉ tay vào suất cơm đang ăn dở trước đếm được 6 món không tính cơm: Khoai tây xào, su su luộc, đậu kho thịt băm, thịt lợn kho, canh rau ngót và 2 quả trứng...chim cút. Bằng này nếu ăn ở quán bình thường dễ đến 15-20.000đ.

Bữa cơm 2.000đ của bệnh nhân nghèo tại Nam Định.

Cụ Thanh, 73 tuổi, bệnh nhân thể nhẹ nhưng điều trị quanh năm tại bệnh viện Thần kinh tâm sự: "Hồi đầu nghe mọi người nói có các bác mở quán cơm từ thiện giá 2.000đ mỗi suất tôi không tin. Họ đến tận nơi điều trị thăm hỏi, phát phiếu và động viên nên đến đó để ăn tôi cũng không tin. Chỉ đến khi người cùng phòng ăn rồi về kể lại đúng như thế tôi mới đi. Hôm nay là lần thứ 5 tôi ăn tại đây. Với những người bệnh nghèo như chúng tôi, đừng hỏi cơm ngon hay dở, bữa nào cũng như đại tiệc, ăn xong như có lửa ấm trong lòng. Cầu chúc các anh chị ấy (chỉ nhóm thiện nguyện) ở hiền gặp lành".

Cụ Lại, bệnh nhân lao biến chứng sang viêm khớp kể, cụ chỉ một thân một mình, bệnh tật đầy người sống bằng trợ cấp xã hội, ai cho gì ăn nấy đã bao năm rồi, thậm chí đã ngán ngẩm, chỉ muốn sớm về với tiên tổ. Nhưng từ khi có quán cơm 2.000đ, đã thay đổi ý định, thấy trên đời này còn nhiều người tốt, mong sớm được khỏi bệnh để phục vụ không công suốt phần đời còn lại cho người khác.

Anh Lưu Văn Sáng giờ mới xong hết việc chia phần các suất ăn, đến giải thích thêm với chúng tôi: Rất muốn ngày nào cũng có một bữa cơm như thế nhưng do tài chính còn eo hẹp nên quán chỉ có thể mở cửa vào các thứ 3, 5 và 7 trong tuần duy trì cho đến nay đã hơn 1 tháng. Bữa nào cũng đều đặn 150 suất. Có người khỏi bệnh trước khi về nhà đem phiếu cơm đến trả lại cho nhóm để phát cho người khác mới nhập viện. Sáng nói thêm, ngoài thực khách đến quán, các tình nguyện viên còn mang khoảng 20 suất cơm đến tận nhà, tận giường bệnh cho họ chỉ vì họ không có người thân để ra quán lấy cơm. Không chỉ tại Khu bệnh viện xã hội, Nhóm còn tổ chức phát cháo miễn phí mỗi buổi sáng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, chỉ quanh quẩn mấy việc đó thôi cũng vất vả lắm. Nhưng nghĩ mình vất vả bao nhiêu thì người nghèo khổ bớt phần khốn khó bấy nhiêu nên ai nấy đều không nề hà.

Phóng viên cũng ăn suất cơm 2.000đ như bệnh nhân.

Với bằng ấy việc thì liệu quán cơm này duy trì được bao lâu? Lưu Văn Sáng cho biết, không biết cụ thể thế nào, cứ làm đến khi không thể làm được nữa thì thôi. Cả nhóm cũng cho rằng việc thiện nguyện không có gì đáng kể, ai cũng có thể làm được chứ không nhất thiết phải giàu có, phải thật nhiều tiền của. Nó chỉ như cú hích kích động lòng nhân ái trong xã hội đang tiềm ẩn, đang mải mê với cuộc mưu sinh khắc nghiệt.

Sáng chỉ một người đàn ông trung niên, ăn mặc lịch sự đang ngồi trầm ngâm ở bàn kế bên: Không biết tên gì, ở đâu, hỏi cũng không nói, nhưng cứ 3, 5, 7 đúng giờ quán mở cửa là bác í có mặt cho đến cuối bữa. Khi không còn khách nào ăn nữa thì lặng lẽ đến bỏ vào hòm quyên góp 2 triệu đồng rồi đi. Quả đúng như vậy, hôm nay khi mọi người đã ra về, người đàn ông này móc ví 2 triệu đồng đưa cho trưởng nhóm Nguyễn Thị Chung với lời dặn rất khẽ: "Nhớ thêm món canh thật ngon, người bệnh, người già luôn thích ăn canh vì rất dễ nuốt". Sự lan tỏa còn thể hiện ở việc những người bán quà sáng khu bệnh viện xã hội trước bán 2.000đ nắm xôi, từ khi có quán cơm đã tự nguyện giảm giá xuống còn 1.000đ chỉ với một suy nghĩ: Họ làm được nhiều việc tốt như thế, mình bớt lãi một chút nhưng cũng thấy vui.

Chừng khi mọi việc đã được thu dọn xong xuôi, các thành viên trong nhóm kiểm tra lại cả hòm tiền lẻ, vuốt cẩn thận từng tờ 1.000/2.000đ thật ngay ngắn tổng cộng chưa đến 300.000đ. Cộng với các khoản tích lũy khác từ hôm khai trương đến nay, chị Chung vui mừng ra mặt với ý nghĩ chắc chắn quán cơm sẽ kéo dài hơn 3 tháng nữa. Vậy là có đủ thời gian gối vụ để xoay xở sao cho quán thiện nguyện tồn tại càng lâu càng tốt

Lê Minh Triết
.
.
.